Cô giáo vùng cao đoạt giải trong cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2019 – 2020

GD&TĐ - Cô Trần Lệ Nguyễn Lam Phương (SN 1977, giáo viên trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) đã xuất sắc đạt giải Nhì trong cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2019 – 2020 với tác phẩm “Cô Ngọc “cười” ở mái trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk.”

Cô Lam Phương giảng dạy học sinh của mình.
Cô Lam Phương giảng dạy học sinh của mình.

Năm 1999 sau khi tốt nghiệp Khoa Sinh – Kĩ thuật Nông nghiệp trường Đại học Quy Nhơn cô Lam Phương về dạy tại trường THPT Phan Đình Phùng (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk). Mỗi ngày cô vượt quãng đường hơn 10km để dạy con chữ cho học trò. Thương học trò vùng cao khó khăn, thiếu thốn hơn thành thị nên cô Phương luôn hết lòng giảng dạy và hỗ trợ các em. Gắn bó được gần 7 năm ở mái trường này cô chuyển về dạy tại trường THPT Ngô Gia Tự để tiện việc chăm sóc cho gia đình.

Đến với cuộc thi cô Lam Phương cho biết, tác phẩm “Cô Ngọc “cười” ở mái trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk” viết về cô Nguyễn Thị Ánh Ngọc – giáo viên dạy môn Công nghệ của trường.

Cô Phương cùng học trò trong ngày khai giảng đầu năm học.
Cô Phương cùng học trò trong ngày khai giảng đầu năm học.

Chia sẻ về tác phẩm dự thi của mình, cô Lam Phương tâm sự, ban đầu cô không nghĩ bản thân sẽ tham gia cuộc thi. Bởi cuộc thi viết về những tấm gương tiêu biểu trong ngành giáo dục nên không phải ai cũng có thể viết được. Bên cạnh đó, phải có nhân vật ấn tượng khiến cho bản thân xúc động thực sự mới có cảm xúc để viết.

“Xung quanh mình có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, đạt nhiều thành tích cao. Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Ánh Ngọc khiến mình ấn tượng, xúc động và khâm phục. Cô Ngọc rất chỉnh chu, tấm huyết và có trách nhiệm trong công việc. Nhìn vào cô Ngọc mình có rất nhiều điều bản thân mình muốn học hỏi”, cô Lam Phương tâm sự.

Cô Lam Phương chia sẻ, mặc dù cuộc sống thường ngày rất vất vả nhưng ít khi mọi người thấy cô Ngọc buồn. Mỗi khi gặp cô Ngọc, điều đầu tiên mọi người thấy là nụ cười rạng ngời luôn nở trên môi.

Nụ cười của cô Ánh Ngọc (bên phải) truyền cảm hứng để cô Phương hoàn thành tác phẩm “Cô Ngọc “cười” ở mái trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk.”.
Nụ cười của cô Ánh Ngọc (bên phải) truyền cảm hứng để cô Phương hoàn thành tác phẩm “Cô Ngọc “cười” ở mái trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk.”.

Cô Phương kể: “Ngọc có 2 người con, nhưng người con đầu bị khiếm thính nên vợ chồng cô Ngọc phải chạy vạy khắp nơi để chữa trị cho con. Bên cạnh đó, mẹ già cũng thường xuyên đau ốm. Mong con được như bạn bè cùng trang lứa, mỗi ngày cô Ngọc đều chi dạy con đến tận 10 giờ đêm. Sau khi con ngủ, cô Ngọc mới giành thời gian hoàn thành công việc của mình. Áp lực công việc, áp lực gia đình luôn đè nặng trên vai, nhưng cô Ngọc luôn lạc quan, rạng ngời trong cuộc sống. Mỗi khi vui hay buồn cô Ngọc đều cười. Nụ cười ấy như tự động viên bản thân cố gắng.”, cô Lam Phương xúc động nói.

Ném ánh mắt về phía khoảng sân trước trường, cô Lam Phương tâm sự: “Điều kiện của mình tốt hơn cô Ngọc. Nhưng mình thua Ngọc rất nhiều ở nghị lực, tinh thần lạc quan trong cuộc sống. Ngọc tạo động lực và truyền năng lượng tích cực đến với mọi người. Thông qua tác phẩm này, mình mong muốn mọi người sẽ cố gắng rèn luyện, vượt lên khó khăn, luôn lạc quan trong cuộc sống.”

Cô Phạm Thị Dinh – Hiệu trưởng trường THPT Ngô Gia Tự cho biết, cô Lam Phương là một trong những giáo viên có bề dày kinh nghiệm trong công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, cô Lam Phương thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng các em đi thi học sinh Giỏi và đạt được nhiều thành tích cao.

Cũng theo vị Hiệu trường, cô Phương rất nhiệt tình trong các hoạt động phong trào của trường. Vừa qua, cô Phương xuất sắc đạt 3 giải quốc gia trong các cuộc thi: An toàn giao thông; cuộc thi tìm hiểu truyền thống 60 năm ngành Kiểm sát nhân dân và cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2019 – 2020

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ