Theo tác giả cho hay: Ngay sau khi Báo GD&TĐ phát động cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác”, chị đã đặc biệt quan tâm và quyết tâm tham dự. Có lẽ vì thế, trong mỗi lần công tác, chị Tường Vân đều dành thời gian tìm kiếm thông tin về những thầy, cô giáo trong ngành giáo dục xứ Thanh.
Chị Vân tâm sự: “Đắn đo mãi nhưng vẫn chưa chọn được nhân vật “ưng ý” để chắp bút viết bài dự thi. Thế rồi, như một cơ duyên, một sự tình cờ, tôi nhận được điện thoại của ông Trịnh Ngọc Quyết - Chủ tịch Hội người mù tỉnh Thanh Hóa mời viết bài tuyên truyền về Đại hội cấp tỉnh của hội. Tới đây, tôi chẳng những được cung cấp thông tin về những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua của tỉnh hội mà còn được ông Trịnh Ngọc Quyết giới thiệu về những điển hình tiêu biểu của hội.
Trong đó, có thầy giáo mù Lê Trọng Tuấn, hiện là giáo viên Trung tâm giáo dục dạy nghề cho người mù - Hội người mù Thanh Hóa. Nhận thấy đây là một nhân vật hay, hoàn toàn phù hợp với những tiêu chí mà Ban tổ chức cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác” đặt ra nên tôi quyết định lựa chọn đây là nhân vật để mình tham dự cuộc thi. Sau khi nghe ông Quyết cùng một số đồng nghiệp của thầy giáo mù Lê Trọng Tuấn kể về anh, tôi thực sự cảm phục trước ý chí, nghị lực của anh”.
Cũng theo chị Tường Vân, sau đó, chị đã tìm đến lớp học do thầy giáo mù Lê Trọng Tuấn trực tiếp giảng dạy. Nhìn hình ảnh người thầy khiếm thị lần từng bước trên bục giảng rồi xuống từng bàn học hướng dẫn các em học sinh, mắt chị bỗng ướt nhòe. Giờ học kết thúc, nán lại lớp học và trò chuyện với thầy giáo Tuấn, chị càng hiểu hơn những khó khăn, vất vả mà anh đã phải trải qua trong cuộc sống.
Chị Tường Vân, tâm sự: “Thầy giáo Tuấn kể cho tôi nghe chuyện vì sao bị mù lòa. Đó là, khi anh lọt lòng mẹ, cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng sau đó, mắt anh mờ dần đi và đến năm 12 tuổi thì không còn được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Từ đó, cuộc sống lặng lẽ trôi đi với màn đêm đen tối. Vượt qua tất cả, Tuấn đã học chữ Brai, tốt nghiệp THPT, đạt giải nhất cuộc thi viết văn Onki châu Á – Thái Bình Dương và được tuyển thẳng vào chuyên ngành công tác xã hội – Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp đại học, anh đã được nhận về dạy tại Trung tâm giáo dục dạy nghề cho người mù - Hội người mù Thanh Hóa”.
Nữ tác giả cũng chia sẻ rằng, sau lần trò chuyện với thầy giáo Tuấn tại lớp học, chị thường xuyên liên hệ với anh qua điện thoại. Khi có những thông tin cần thiết về nhân vật, chị đã dành thời gian hoàn thiện tác phẩm để tham dự cuộc thi. “Tôi đã viết về Tuấn bằng tất cả tình cảm và sự qúy trọng mà tôi đã dành cho anh. Những chi tiết… những con chữ…chính là tấm lòng của một người làm báo dành cho anh. Vì thế, lúc nhận được thông tin được giải cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác” do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức, tôi vô cùng xúc động”, chị Tường Vân bộc bạch.
Cũng theo nữ tác giả, đây là lần thứ 2, chị nhận được giải báo chí do Báo GD&TĐ tổ chức. Năm 2019, chị nhận được giải khuyến khích của cuộc thi “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2019”.
“Cảm xúc thật vui mừng… hạnh phúc và khó diễn tả bằng lời. Đối với tôi, đây là cuộc thi ý nghĩa nhằm tuyên truyền sâu rộng trong ngành giáo dục cùng toàn xã hội về truyền thống tốt đẹp, những tấm gương thầy cô giáo đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp trồng người. Cuộc thi là cơ hội để những người làm báo như chúng tôi có cơ hội học hỏi kỹ năng làm báo ở bạn bè, đồng nghiệp, đồng thời khẳng định chính bản thân mình. Cuộc thi chính thức đã khép lại nhưng dư âm của cuộc thi vẫn còn đọng lại trong trái tim tôi. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tham dự các cuộc thi do Báo GD&TĐ tổ chức, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phát hiện những nhân tố mới, mô hình mới trong vườn hoa đầy hương sắc của ngành giáo dục xứ Thanh.