Dự buổi lễ có ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban Tổ chức; bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo; bà Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn; ông Phạm Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Thường xuyên và Chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp ; bà Nguyễn Thị Giang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục và Đào tạo IMAP Việt Nam...
Mong thông điệp của cuộc thi sẽ ngày càng lan toả
Tác giả Nguyễn Thế Lượng (Trường THPT Hạ Hòa - Phú Thọ), chủ nhân giải Ba cuộc thi phát biểu hưởng ứng cuộc thi viết "Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác" năm 2020 chia sẻ:
“Tôi rất vinh dự được thay mặt cho các tác giả đạt giải cuộc thi viết "Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác" năm 2020 phát biểu trong lễ trao giải.
Tôi đã lựa chọn một tấm gương nhà giáo đang công tác tại vùng cao Lào Cai, nơi mà tôi đã từng có 5 năm gắn bó trong chặng đường gieo chữ của mình. Nhân vật trong tác phẩm vừa là đồng nghiệp, vừa là người đã đồng hành cùng tôi trong những năm tháng tôi vừa dạy học, vừa tham gia hoạt động công tác Đoàn Thanh niên.
Cuộc thi "Những tấm gương tâm huyết sáng tạo học theo lời Bác" do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức đã giúp tôi và các tác giả có cơ hội để nói lên suy nghĩ, sự cảm nhận của mình về tấm gương những nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, học và làm theo lời Bác.
Cuộc thi đã và đang tạo nên sức lan tỏa rộng lớn, góp phần quan trọng và ý nghĩa trong công tác nhân rộng điển hình tiên tiến, tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt trong ngành giáo dục hiện nay.
Tham gia cuộc thi, tôi và các tác giả đều nhận thấy, trước hết, bản thân cần có sự phát hiện những nhân tố mới, điển hình mới về tấm gương nhà giáo. Trong đó, cần nhìn nhận tâm huyết, sáng tạo của các nhà giáo ở nhiều lĩnh vực, nhiều phương diện trong giáo dục để lựa chọn nội dung tiêu biểu nhất. Khi viết, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến tính chân thực về những thông tin, minh chứng của tấm gương nhà giáo. Trong đó, cần quan tâm đến những đánh giá, nhận xét của lãnh đạo nhà trường, của đồng nghiệp, học sinh và nhân dân về nhà giáo.
Mong rằng thông điệp của cuộc thi sẽ ngày càng lan toả và có nhiều hơn nữa những bài viết hay về những tấm gương người tốt, việc tốt.”
Phát động cuộc thi lần thứ IV: Sẽ có thêm nhiều tấm gương cống hiến cho ngành Giáo dục
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu ý kiến và phát động cuộc thi lần thứ IV, năm học 2020-2021.
Cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức là từ năm học 2017-2018, nhưng qua mỗi lần tổ chức, Ban Tổ chức đã nhận được thêm nhiều những tác phẩm mới về những tấm gương điển hình tiêu biểu hơn trong các phong trào thi đua của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh sinh viên về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đó những gương sáng trong việc Học và làm theo lời Bác.
Năm nay, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo và học sinh, sinh viên ở cả 63 tỉnh thành với số lượng tác phẩm dự thi gần 10 nghìn bài. Điều này đã khẳng định về ý nghĩa thiết thực và những tác động tích cực cùng sức lan tỏa của cuộc thi, sự trân trọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và xã hội đối với đội ngũ nhà giáo và nhà trường.
Mong rằng, mỗi giải thưởng sẽ như một động lực tinh thần để mỗi thầy cô, mỗi học trò sẽ tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành Giáo dục.
Cuộc thi đã thành công tốt đẹp. Những nỗ lực cống hiến của các thầy cô, của các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục sẽ tạo sức lan tỏa lớn trong ngành và xã hội, tạo động lực cho các nhà giáo, học sinh sinh viên trên cả nước tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, học tập và công tác, đóng góp tích cực vào sự nghiệp “trồng người” đầy vinh quang và thử thách trong giai đoạn đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.
Thay mặt Ban Tổ chức, bà Nguyễn Thị Bích Hợp phát động cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ IV, năm học 2020 - 2021.
Thời gian nhận bài dự thi từ ngày 18/9/2020 đến ngày 28/2/2021. Chi tiết về cuộc thi được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Giáo dục và Thời đại. Ban Tổ chức rất mong tiếp tục được đón nhận sự tham gia, ủng hộ của đông đảo các tác giả trên cả nước.
Xem Thể lệ cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ IV, năm học 2020 – 2021 TẠI ĐÂY.
Giải Nhất thuộc về tác phẩm “Học Sử qua bài hát và những chuyến đi”
Giải Nhất thuộc về tác phẩm “Học Sử qua bài hát và những chuyến đi” của nhà giáo Lê Trầm Phương Thanh - Trường THCS Võ Thị Sáu, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Do điều kiện đường sá và tình hình dịch Covid-19, tác giả Lê Trầm Phương Thanh không có mặt tại sân khấu này để nhận giải. Đại diện Ban tổ chức đã tới tận trường THCS Võ Thị Sáu, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp để trao giải cho nhà giáo Lê Trầm Phương Thanh.
Tác giả Lê Trầm Phương Thanh chia sẻ: Ngay khi Cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2019 - 2020 được phát động, tôi cùng đội ngũ nhà giáo Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp tích cực đón nhận và quyết định phải gửi tác phẩm dự thi.
Tôi quyết định viết tác phẩm “Học Sử qua bài hát và những chuyến đi”. Đây là tác phẩm viết về hoạt động giáo dục Lịch sử do thầy Nguyễn Hữu Nhân khởi xướng. Cô Thanh là người nhiều năm cộng tác với thầy Nhân và bộ môn Lịch sử để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh.
Nói về tác phẩm đoạt giải, cô Thanh cho biết: “Tác phẩm ‘Học Sử qua bài hát và những chuyến đi’ viết về thầy giáo Nguyễn Hữu Nhân, giáo viên dạy Lịch sử, là người tôi từng hợp tác trong tổ chức hoạt động trải nghiệm trong nhiều năm. Tác phẩm nhầm hướng tới ước muốn lan tỏa văn hóa đọc trong học sinh, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh, bảo vệ, xây dựng đất nước của tiền nhân. Khơi dậy lòng yêu thích học Sử của học sinh, từng bước rèn luyện kỹ năng sống cho các em...”.
Với tác phẩm của mình, đặc biệt là sau cuộc thi, cô Thanh mong muốn sẽ có thêm nhiều giáo viên tham gia phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa trong và ngoài địa phương. Tích cực đổi mới nâng cao chất lượng môn học, đổi mới trong cách giảng dạy để tạo hứng thú, thu hút học sinh tham gia học tập…
Trao giải Nhì cho 2 tác phẩm “Cô Ngọc "cười" ở mái trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk” và “Bông hoa đẹp giữa đời thường”
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao giải Nhì cho 2 tác phẩm:
Tác phẩm: “Cô Ngọc "cười" ở mái trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk” của tác giả Trần Lệ Nguyễn Lam Phương, Giáo viên Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk;
Tác phẩm: “Bông hoa đẹp giữa đời thường” của tác giả Nguyễn Thị Lệ, Giáo viên Trường THPT Hòa Bình, xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn;
Chúc mừng tác giả đạt giải, Bà Nguyễn Thị Bích Hợp cho biết: Cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức là từ năm học 2017-2018, nhưng qua mỗi lần tổ chức, Ban Tổ chức đã nhận được thêm nhiều những tác phẩm mới về những tấm gương điển hình tiêu biểu hơn trong các phong trào thi đua của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh sinh viên về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đó những gương sáng trong việc Học và làm theo lời Bác.
Năm nay, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo và học sinh, sinh viên ở cả 63 tỉnh thành với số lượng tác phẩm dự thi gần 10 nghìn bài. Điều này đã khẳng định về ý nghĩa thiết thực và những tác động tích cực cùng sức lan tỏa của cuộc thi trong các nhà trường, cơ sở giáo dục trong cả nước cũng như của mỗi thầy giáo, cô giáo, CBQLGD, các thế hệ học sinh, sinh viên; sự quan tâm ghi nhận và trân trọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và xã hội đối với đội ngũ nhà giáo và nhà trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Lệ, giáo viên Trường THPT Hòa Bình, xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chủ nhân giải Nhì cuộc thi, chia sẻ: Với Tác phẩm: “Bông hoa đẹp giữa đời thường”, tôi muốn gửi tới các em học sinh thông điệp về lòng nhân ái, hướng thiện và san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hơn.
Chia sẻ cảm xúc về cuộc thi, cô giáo Nguyễn Thị Lệ cho biết: Khi được biết về cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” do Báo Giáo dục và Thời đại phát động, bản thân tôi rất tâm đắc vì nhận thức rõ ý nghĩa lớn lao của cuộc thi. Tôi đã lựa chọn viết về cô học trò nhỏ luôn chuyên cần, sáng tạo trong việc học, ý thức trong mọi hành động, sống tình cảm và có tấm lòng nhân ái đối với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Cô bé ấy đã cùng đồng hành với những mảnh đời éo le, bất hạnh với mong muốn góp sức, chung lòng để cùng hành động với phương châm giúp họ không bị bỏ lại phía sau. Em Thảo – nhân vật chính trong câu chuyện của tôi là một học sinh chưa thực sự lớn hẳn nhưng em đã có những suy nghĩ, hành động đẹp, thể hiện sự trưởng thành, góp phần xây dựng quê hương Chi Lăng anh hùng. Thảo là một bông hoa đẹp giữa đời thường - tấm gương sáng để các học sinh khác học tập và noi theo.
3 tác phẩm nhận giải Ba
Ông Doãn Hồng Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) trao giải cho các tác giả đoạt giải Ba.
Tác phẩm: “Thầy giáo trẻ "truyền lửa" sáng tạo khoa học” của Tác giả Nguyễn Thế Lượng, Giáo viên Trường THPT Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ;
Tác phẩm: “Tâm sáng của người thầy khiếm thị” của Tác giả Lê Thị Vân, Đài Phát thanh Truyền hình Thanh Hóa, phường Đông Hải, TP.Thanh Hóa;
Tác phẩm: “Phạm Xuân Năm, chân dung cô giáo trẻ tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác ở vùng núi cao Tây Bắc” của Tác giả Bùi Thị Tuyết Nhung, Giáo viên Trường THPT số 1 Văn Bàn, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Cô giáo Bùi Thị Tuyết Nhung chủ nhân giải Ba cuộc thi, là tác giả của tác phẩm “Phạm Xuân Năm, chân dung cô giáo trẻ tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác ở vùng cao Tây Bắc”. Hiện cô đang công tác tại trường THPT số 1 Văn Bàn (huyện Văn Bàn - Lào Cai), giảng dạy bộ môn Ngữ văn.
Cô Tuyết Nhung cũng cho biết khi cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ III được phát động đã lập tức tham dự. Bởi bản thân cô nhận thấy đây là cuộc thi ý nghĩa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến đồng nghiệp trong trường nói riêng và các thầy cô giáo trên khắp mọi miền tổ quốc nói chung.
Cô Bùi Thị Tuyết Nhung chia sẻ: Làm theo lời Bác không nhất định phải là những điều lớn lao, vĩ mô mà với mỗi nhà giáo có thể bắt đầu từ những điều giản dị nhất như lời nói, cử chỉ, hành động với đồng nghiệp, phụ huynh, học trò; sự sáng tạo trong từng giờ dạy, trong công tác quản lý lớp, giáo dục đạo đức HS.
Trao giải Khuyến khích cho 5 tác phẩm
Bà Trần Thị Thu Hà – Chủ tịch Công đoàn GD Hà Nội và bà Nguyễn Thị Giang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần GD&ĐT IMAP Việt Nam - đại diện nhà tài trợ trao giải Khuyến khích cho các tác giả.
Tác phẩm: “Đồng chí Thắm làm theo lời Bác” của Tác giả Đàng Thị Thỏa, Giáo viên Trường PTDT BT THCS Minh Phát, xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn;
Tác phẩm: “Cảm ơn Anh - Người đã truyền cho tôi tinh thần thép” của Tác giả Huỳnh Nhã Hân, Học sinh lớp 9/1, Trường THCS Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Tác phẩm: “Người thầy của núi” của Tác giả Hoàng Thị Tuyết, Giáo viên Trường TH&THCS Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn;
Tác phẩm: “Người thầy tâm huyết với sự nghiệp trồng người học và làm theo lời Bác” của Tác giả Lê Thị Chiên, Giáo viên Trường THCS Dương Thị Cẩm Vân, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau;
Tác phẩm: “Hoa của núi rừng” của Tác giả Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Giáo viên Trường THCS Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị;
Cô giáo Đàng Thị Thỏa, giáo viên trường TH&THCS Hữu Khánh, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn, chủ nhân giải Khuyến khích cuộc thi với tác phẩm “Đồng chí Thắm làm theo lời Bác” chia sẻ: Tôi nhận thấy đây là một cuộc thi nhiều ý nghĩa, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh rất nhiều những tấm gương sáng trong ngành GD, thì đâu đó vẫn có những cá nhân còn chưa thật tốt.
Cô Thoả cho rằng, thông qua những câu chuyện kể về người thật, việc thật trong cuộc thi này sẽ giúp tuyên truyền, lan tỏa những việc làm tốt có ý nghĩa cho xã hội.
Học và làm theo gương Bác không phải từ những việc làm ở đâu quá cao xa mà ngay trong suy nghĩ, lời nói, hành động hàng ngày của bạn. Việc học tập và làm theo Bác phải thường xuyên, liên tục ở tất cả ngóc ngách của cuộc sống. Ở nơi đâu có sự thấm nhuần về tư tưởng, đạo đức và phong cách làm việc của Bác thì ở nơi đó mọi người sẽ có niềm tin, có sự quan tâm, chia sẻ và luôn nỗ lực hết mình để xây dựng một xã hội phát triển bền vững.
Ông Triệu Ngọc Lâm – Tổng biên tập Báo Giáo dục Thời đại trao Giải tập thể cho các đơn vị xuất sắc: Sở GD&ĐT Lạng Sơn, Sở GD&ĐT Đồng Tháp
Nhiều bài viết để lại xúc cảm sâu sắc
Ông Doãn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ GD chính trị và công tác HSSV, đại diện Ban giám khảo chung khảo cuộc thi phát biểu:
Ban Tổ chức đã nhận được gần 10.000 bài dự thi. Năm nay, chất lượng bài dự thi đạt chất lượng khá tốt, nội dung phong phú và có chiều sâu. Nhiều bài viết đã để lại xúc cảm sâu sắc cho người đọc bởi những hành động nhân văn cao cả hay những tấm gương tâm huyết, sáng tạo trong học tập và công tác.
Phần lớn bài thi đã đáp ứng được các tiêu chí trong Thể lệ. Có những tác phẩm được tác giả dồn cả tâm huyết, tình cảm và sự biết ơn để gửi tới thầy cô giáo với những hoài niệm đẹp đẽ về mái trường mến yêu. Có rất nhiều tình huống đời thực đã được tác giả thuật lại trong tác phẩm dự thi bằng những từ ngữ dung dị nhưng lại chan chứa cảm xúc. Đó là những việc làm, tấm lòng của thầy cô giúp thay đổi suy nghĩ, hướng thiện cho học trò thân yêu, hoặc những cảm nhận, cảm phục của thầy cô với học trò.
Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, là việc làm có ảnh hưởng tích cực đến tập thể, khơi dậy niềm say mê công việc, tinh thần lao động hăng say ở mỗi cán bộ, giáo viên trong nhà trường.
Với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm và nghiêm túc, Ban Giám khảo đã hoàn thành việc chấm các tác phẩm tham dự cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2019-2020.
Kết quả, có 12 tác phẩm đoạt Giải, trong đó: 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba; 6 giải Khuyến khích và 2 giải tập thể. Một nhân vật trong tác phẩm tiêu biểu được vinh danh.
Cuộc thi có sức lan tỏa sâu rộng đến các địa phương và cơ sở giáo dục
Phát biểu tổng kết cuộc thi, bà Dương Thanh Hương - Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết:
Được phát động từ tháng 5/2019, cuộc thi: “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ III, năm học 2019-2020 do Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên tổ chức đã thu hút số lượng lớn cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên tham gia.
Đây không đơn thuần là một cuộc thi, hoạt động này đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa thiết thực trong toàn ngành Giáo dục, là dịp để nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, phong cách, tác phong làm việc đối với đông đảo giáo viên, học sinh, sinh viên trên mọi miền đất nước.
Cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ III, năm học 2019-2020 đã có sức lan tỏa sâu rộng đến các địa phương và cơ sở giáo dục. Các tác giả không chỉ là nhà giáo, những cán bộ Giáo dục mà còn có cả những học sinh đang học THCS viết về thầy cô giáo của mình.
Chất lượng bài dự thi khá tốt, nội dung phong phú và có chiều sâu. Nhiều bài viết đã để lại những xúc cảm cho người đọc bởi những tấm gương tâm huyết, sáng tạo luôn hết lòng vì học trò, vì sự nghiệp giáo dục. Nhiều bài dự thi có lối viết tốt, cảm động, làm toát lên nghị lực, hành động phi thường của gương người tốt, việc tốt. Qua đó, đã phát hiện thêm nhiều gương điển hình, nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội để tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Tiêu biểu như hình tượng thầy giáo Nguyễn Hữu Nhân trong tác phẩm “Học Sử qua bài hát và những chuyến đi” của nhà giáo Lê Trầm Phương Thanh, công tác tại trường THCS Võ Thị Sáu, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Thầy Nhân đã truyền đạt những nội dung của môn học Lịch sử thông qua tích hợp âm nhạc trong tiết dạy, giúp cho học trò yêu thích môn Lịch sử - vốn được coi là khô khan, khó nhớ. Thầy giáo Nguyễn Hữu Nhân đã tự trang bị máy tính, bộ loa, dây điện để mang đến lớp giảng dạy, nhằm tăng sự hứng thú học Lịch sử cho học sinh…
Nội dung tác phẩm dự thi không chỉ là tấm gương thầy giáo, cô giáo mà đó còn là sự cảm động, cảm phục của giáo viên đối với học trò của mình…
Ban giám khảo cuộc thi đã chọn được 75 bài vào vòng Chấm chung khảo cuộc thi. Trên cơ sở kết quả chấm và ý kiến thống nhất của các thành viên Ban Giám khảo, kết quả cuộc thi như sau:
Tổng số giải: 14 giải (gồm giải cá nhân và tập thể), bao gồm 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba; 5 giải Khuyến khích; 1 Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải; 02 giải cho Tập thể có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng tốt.
Trong suốt quá trình phát động, tổ chức Cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được sự quan tâm, phối hợp của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, của Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn cho tập thể Báo Giáo dục & Thời đại.
Gần 10.000 bài dự thi của các cá nhân, đơn vị ở 63 tỉnh, thành trên cả nước
Được phát động từ tháng 5/2019, cuộc thi do Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) tổ chức, đã thu hút số lượng lớn cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên tham gia.
Ban Tổ chức đã nhận được gần 10.000 bài dự thi của các cá nhân, đơn vị ở 63 tỉnh, thành trên cả nước. Chất lượng bài thi được ban giám khảo đánh giá chất lượng đồng đều, nội dung phong phú và có chiều sâu. Nhiều bài viết đã để lại xúc cảm sâu sắc và bài học ý nghĩa cho người đọc bởi những tấm gương tâm huyết, sáng tạo và tính nhân văn.
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG
- Giải cá nhân:
+ 1 giải Nhất, trị giá 10.000.000 đồng;
+ 2 giải Nhì, trị giá 5.000.000 đồng/giải;
+ 3 giải Ba, trị giá 3.000.000 đồng/giải;
+ 5 giải Khuyến khích, trị giá 2.000.000đ/giải.
- Giải tập thể: 2 giải, trị giá 2.000.000đ/giải.
Các cá nhân, đơn vị đoạt giải thưởng được trao Giấy Chứng nhận của Ban Tổ chức.
Ngoài ra, Ban Tổ chức sẽ trao tặng 1 phần quà trị giá 1.000.000đ (bằng tiền mặt hoặc hiện vật) cho nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải.
Không đơn thuần là một cuộc thi, hoạt động này đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa thiết thực trong toàn ngành Giáo dục, là dịp để nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, phong cách, tác phong làm việc đối với đông đảo giáo viên, học sinh, sinh viên trên mọi miền đất nước.
Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho các cán bộ, giáo viên trong ngành Giáo dục, nỗ lực phấn đấu tích cực làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể.
Sau thời gian làm việc công tâm, nghiêm túc, Ban giám khảo cuộc thi chọn được 75 bài vào vòng chung khảo. Trên cơ sở kết quả chấm và ý kiến thống nhất của các thành viên Ban Giám khảo, kết quả cuộc thi như sau:
Tổng số giải: 14 giải (gồm 12 giải cá nhân và 2 tập thể), bao gồm 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba; 5 giải Khuyến khích; 1 Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải.
Lễ công bố và trao giải cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ III năm học 2019 – 2020 được tổ chức trang trọng tại Toà soạn Báo Giáo dục và Thời đại, 15 Hai Bà Trưng (Hà Nội), từ 14h – 16h ngày 18/9/2020.
Nhà tài trợ : Công Ty cổ phần GD&ĐT IMAP Việt Nam
Đã tài trợ phần quà và tiền mặt cho Lễ trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác”.
IMAP Việt Nam là đơn vị GD&ĐT chất lượng uy tín, mang trong mình sứ mệnh vì 10 triệu người Việt tự tin nói tiếng Anh thông qua các thương hiệu đầu tàu về đào tạo chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như: Anh Ngữ Ms Hoa, IELTS Fighter và Ms Hoa giao tiếp.
IMAP Việt Nam sẽ luôn không ngừng đổi mới và lựa chọn phương pháp giảng dạy tiên tiến nhất và truyền cảm hứng học tiếng Anh đến hàng triệu học viên.