“Nồi cơm riêng” của giáo viên Nậm Ban
Sinh ra và lớn lên tại xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, thầy Trần Nam San (SN 1978) lên huyện Sìn Hồ công tác từ năm 2003. Năm đầu tiên, thầy nhận nhiệm vụ tại Trường Tiểu học Nậm Ban.
Thời điểm đó, nếu Lai Châu là tỉnh khó khăn nhất cả nước, thì Sìn Hồ là huyện nghèo khó nhất của địa phương này. Còn xã Nậm Ban khi đó thuộc diện nghèo nhất huyện.
Trước kia, đồng bào Mảng ở Nậm Ban sinh sống bằng nghề làm nương rẫy, lấy ngô lúa làm lương thực chính. Với phương thức sản xuất lạc hậu, bà con không lo đủ cái ăn cái mặc. Cả năm chỉ quẩn quanh với 2 mùa no - đói.
“Khoác ba lô lên lập nghiệp vùng cao, tôi cũng có nhiều lo lắng, băn khoăn. Ban đầu chỉ xác định lên công tác vài năm rồi về quê ổn định cuộc sống. Nhưng sau một thời gian công tác, được trải nghiệm cách sống của người dân vùng cao, thấu hiểu những thiếu thốn của bà con, sự thiệt thòi của bọn trẻ, tôi quên luôn ý định ấy” – thầy San chia sẻ.
Ngày đầu lên Nậm Ban, thầy San cùng 2 giáo viên khác nhận nhiệm vụ tại điểm trường Chung Chải. Nơi đây, lớp học được dựng bằng thưng gỗ, cơ sở vật chất thiếu thốn, nên giáo viên phải ở nhờ nhà dân.
“Lúc mới lên, xa nhà, nhớ quê, tình cảm thiếu thốn, chúng tôi may mắn được gia đình cô Chướng (bản Nậm Nó) mời về ở cùng. Gia đình đông người, đôi lúc không đủ gạo, phải ăn mèn mén, sắn, khoai. Nhưng điều đặc biệt là cô luôn dành cho giáo viên nồi cơm riêng vì sợ thầy cô không quen ăn mèn mén”, thầy San nhớ lại.
Ấn tượng và xúc động với tình cảm của gia đình cô, nhưng vì ngại những “bữa cơm đặc biệt” ấy nên sau đó một thời gian, các thầy cô bàn nhau xây dựng nhà công vụ ở gần trường cho tiện công việc.
“Mỗi lần chúng tôi về thăm, cô đều nấu cơm mời ở lại bằng được. Cô đi ăn cỗ cũng dành nắm xôi mang về mời thầy cô xuống ăn. Đó là những kỷ niệm tôi không bao giờ quên trong đời làm giáo viên của mình”, thầy San xúc động kể.
Thầy Trần Nam San trong chuyến công tác đi bản. |
Bữa trưa của trò nghèo
Sau gần 5 năm gắn bó với Nậm Ban, năm 2008 thầy San về công tác tại Trường Tiểu học Căn Co. Năm 2009, thầy tiếp tục luân chuyển về Trường Tiểu học Tủa Sín Chải (nay là Trường phổ thông DTBT Tiểu học Tủa Sín Chải) và được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng. Đến năm 2013, thầy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường cho đến nay.
Sau khi xã Nậm Ban được chia cắt về huyện Nậm Nhùn, Tủa Sín Chải lại trở thành xã khó khăn nhất của huyện Sìn Hồ. Xã cách trung tâm huyện hơn 40km, phần lớn các bản đều trong tình trạng “4 không” (đường giao thông liên bản, điện lưới quốc gia, sóng điện thoại và nước sạch). Tỷ lệ hộ nghèo luôn đứng tốp đầu trong huyện.
Theo chia sẻ của thầy San, xã có 11 bản, nằm rải rác, cách nhau bởi núi cao và thung lũng sâu. Khoảng cách giữa các bản bình quân từ 7 - 10km. Trong đó bản xa nhất cách hơn 20km, phải đi bộ nửa ngày mới tới được trung tâm.
“Trường chúng tôi có 8 điểm bản. Để lên lớp đúng giờ, thầy cô đa phần phải ở lại bản. Nếu cuối tuần về trung tâm xã thì Chủ nhật phải đi chuyển mới bảo đảm giờ lên lớp vào sáng thứ Hai. Bởi đường đi ở đây không tính bằng cây số mà được đo đếm bằng giờ, bằng ngày”, thầy San nói.
Người dân giúp đỡ thầy cô đưa xe lên khỏi vục thẳm. Ảnh: NVCC |
Rồi thầy kể về những chuyến đi bản mùa mưa. Khi ấy, xe máy không đi được, giáo viên phải nhờ người dân khiêng xe qua những đoạn đường sạt lở, trơn trượt vào mỗi mùa mưa.
“Tôi nhớ nhất đợt đi kiểm tra công tác phổ cập giáo dục tại bản Phi Én. Trước hôm đi, trời mưa to, đường đất đỏ càng trở nên trơn trượt. Đang đi thì một xe trong đoàn phi thẳng xuống vực, may mà có đám cỏ lau và dây rừng giữ lại. Sau đó chúng tôi phải nhờ dân đến phát đường, đưa giúp xe lên. Cũng phải mất cả tiếng, nhưng may mà 2 thầy ngã hôm ấy chỉ bị xước chân tay”, thầy San nhớ lại.
Ở Tủa Sín Chải, 100% người Mông sinh sống. Phụ huynh đa phần chưa quan tâm đến việc học của con em. Bởi vậy, vẫn có cảnh cha mẹ bắt trẻ nghỉ học để phụ giúp đi làm nương. Một vài bản ở xa, học sinh phải mang theo bữa trưa đến trường. Thế nhưng vì gia đình nghèo khó nên đa phần bữa trưa của học sinh chỉ có cơm trắng với muối.
Ông Lầu Hòa Bình, người dân bản Háng Lìa (xã Tủa Sín Chải) cho biết: “Giao thông đi lại vất vả nên chúng tôi không thể trao đổi buôn bán nông sản, phát triển kinh tế. Trẻ con trong bản học lớp 5 phải đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới trung tâm xã để học. Những đứa bé hơn, học tại điểm bản cũng phải mất gần một tiếng đồng hồ vượt núi đến lớp”.
Những khó khăn, nhọc nhằn của vùng cao cũng là nguyên nhân học sinh nghỉ học, bỏ học dẫn đến chất lượng giáo dục chưa cao. Thấu hiểu điều đó, thầy San đã phát động Công đoàn, đoàn thanh niên và giáo viên tự nguyện đóng góp để nấu ăn cho học sinh tại điểm bản. Rồi thầy cô giáo cắm bản mua thực phẩm để phụ trợ thêm cho các em ăn bữa cơm trưa tại lớp.
Thầy Trần Nam San (áo sáng màu) chụp ảnh cùng đoàn từ thiện. Ảnh: TG |
Sau thời gian duy trì mô hình nuôi học sinh ăn trưa tại bản, các em đi học đầy đủ hơn, chất lượng nâng lên rõ rệt. Thầy San lại tiếp tục kêu gọi các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm giúp đỡ và nhận được nhiều tình cảm đáp lại. Hàng năm, thầy kêu gọi quyên góp quần áo ấm, giày dép, sách vở, mì tôm và khoảng 90 triệu đồng phục vụ nuôi cơm trưa cho học sinh ở các bản: Háng Lìa, Phi Én, Thành Chử.
“Mô hình nuôi học sinh ăn cơm trưa tại bản đã được duy trì đến nay là năm thứ 4. Với tôi, đây là hoạt động mang lại nhiều ý nghĩa không chỉ với học sinh mà còn góp phần cải thiện đáng kể chất lượng giáo dục. Tạo động lực cho học sinh, đem lại niềm tin cho phụ huynh khi gửi gắm con em đến trường”, thầy San cho biết.
Được thầy cô nhà trường hỗ trợ bữa ăn trưa cho con mình, ông Vừ A Thanh, người dân bản Phi Én vui mừng: “Con phải học 2 buổi mà mỗi lần đi đến lớp cũng phải mất cả tiếng đồng hồ. Được thầy cô ở đây nuôi ăn buổi trưa, cho các con ngủ tại lớp chúng tôi vui lắm, con nhỏ đỡ vất vả”.
Còn em Cháng A Bảy, học sinh ở điểm trường Phi Én vui mừng: “Ăn trưa ở lớp, chúng em được thầy cô nấu cho nhiều món ngon. Em không phải mang cơm đến lớp như trước nữa”.
Với cá nhân thầy San, sau gần 20 năm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, thầy đã có 4 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Thầy cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen vì sự nghiệp giáo dục vùng khó. Nhưng với thầy, niềm động viên lớn nhất chính là tình cảm mà lớp lớp học trò vùng cao và bà con dân bản gửi gắm.
“Với những nỗ lực của thầy San và tập thể nhà trường, các năm gần đây, chất lượng giáo dục của Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Tủa Sín Chải đã có nhiều thay đổi. Tỷ lệ chuyên cần luôn bảo đảm 98% trở lên. Chất lượng cuối năm đạt trên 98% học sinh chuyển lớp”. - Ông Phạm Văn Phôi - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ