Hạnh phúc của thầy Tổng phụ trách khi "làm bạn" với học sinh

GD&TĐ - Gần 20 năm là giáo viên - Tổng phụ trách Đội, thầy Nguyễn Sỹ Bằng (Trường THCS Tân Dân, Nam Đàn, Nghệ An) vẫn giữ được nhiệt huyết và say mê với công việc “làm bạn” với học sinh của mình.

Thầy Nguyễn Sỹ Bằng - Giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tân Dân (xã Hùng Tiến, Nam Đàn, Nghệ An).
Thầy Nguyễn Sỹ Bằng - Giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tân Dân (xã Hùng Tiến, Nam Đàn, Nghệ An).

Thầy Bằng cũng là 1 trong 20 người giành Giải thưởng “Cánh én hồng” 2021 của Hội đồng Đội Trung ương trao cho giáo viên Tổng phụ trách Đội xuất sắc.

Danh hiệu cao quý đó, không chỉ là thành tích mà còn ghi nhận cho hành trình vượt lên định kiến giáo viên môn phụ, hay kiêm nhiệm Tổng phụ trách Đội như một “nghĩa vụ”. Thay vào đó, là đồng hành với học sinh, tổ chức phong trào hoạt động giáo dục thân thiện, tích cực, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc.

Học sinh là mục tiêu của người thầy

Thầy Nguyễn Sỹ Bằng có gần 20 năm gắn bó với nghề giáo, nhưng quá nửa thời gian kiêm nhiệm công tác Tổng phụ trách Đội. Đây là khoảng thời gian dài mà không phải giáo viên nào cũng có thể kiên trì, đồng hành và tâm huyết.

Thầy Bằng chia sẻ, không ít giáo viên cảm thấy miễn cưỡng khi nhận công việc Tổng phụ trách Đội. Do đặc thù công việc này là phải duy trì các hoạt động tập thể cho học sinh, giúp các em có những trải nghiệm,  kỹ năng cần thiết trong học tập và rèn luyện.

Nhưng nhiệm vụ chính của giáo viên là chuyên môn, nên sẽ nhiều người tập trung vào dạy học, hoặc chỉ quan tâm đến các cuộc thi giáo viên giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Thầy Nguyễn Sỹ Bằng là đại diện duy nhất của Nghệ An giành giải thưởng "Cánh én hồng" năm 2021 của Hội đồng Đội Trung ương cho Tổng phụ trách Đội xuất sắc toàn quốc.
Thầy Nguyễn Sỹ Bằng là đại diện duy nhất của Nghệ An giành giải thưởng "Cánh én hồng" năm 2021 của Hội đồng Đội Trung ương cho Tổng phụ trách Đội xuất sắc toàn quốc.

Thực tế, Tổng phụ trách Đội không phải là một nghề đi suốt cuộc đời của giáo viên, mà chỉ gắn bó một thời gian. Ngay cả giáo viên làm Tổng phụ trách Đội cũng chỉ mang tính chất kiêm nhiệm với tâm lý “làm nghĩa vụ 2 năm rồi nghỉ”.

Nhưng thầy Bằng quan niệm, trong nhà trường, Công tác Đoàn, Đội được xem là bổ trợ cho việc dạy và học, là điểm xuất phát cho các phong trào giúp cho việc dạy và học ngày càng tốt hơn.

“Tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để sáng tạo, để hoạt động Đội của trường mình có điểm nhấn, cuốn hút học sinh tham gia. Xuyên suốt các hoạt động là bám vào “5 điều Bác Hồ dạy”. Nếu tất cả phong trào đi theo guồng này thì sẽ hình thành cho học sinh ý thức và thói quen tốt như biết xếp hàng, nhường nhịn, kỷ luật... Qua đó góp phần hình thành tư cách và phẩm chất học sinh”, thầy Nguyễn Sỹ Bằng chia sẻ.

Thực tế, qua phong trào Đoàn, Đội ở các nhà trường, đã phát huy được sức sáng tạo, nghị lực của tuổi trẻ học đường, giúp cho các em tự tin, chủ động trong học tập và rèn luyện. Thầy Bằng quan niệm, cùng đặt mục tiêu vào học sinh, thì dù là dạy học kiến thức, năng khiếu, hay kỹ năng đều góp phần tạo môi trường giáo dục các em toàn diện.

Làm bạn với học sinh và lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Thầy Nguyễn Sỹ Bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương năm 1999, sau đó từng có 3 năm công tác ở Trung tâm Văn hóa TP Vinh (Nghệ An). Thời gian làm trái nghề đó giúp thầy học được nhiều kỹ năng, tài lẻ như nhảy, vẽ tranh cổ động, tổ chức múa hát, phong trào.

Nhưng nghề sư phạm vẫn đau đáu, nên khi Nghệ An có chủ trương thu hút sinh viên sư phạm lên vùng cao, Nguyễn Sỹ Bằng đã tình nguyện lên huyện biên giới Kỳ Sơn. Tại đây, thầy giáo trẻ chính thức được vào nghề ở Trường THCS Hữu Kiệm (xã Hữu Kiệm).

Thầy Bằng có hơn 10 năm gắn bó với công tác Tổng phụ trách Đội
Thầy Bằng có hơn 10 năm gắn bó với công tác Tổng phụ trách Đội

Trong 5 năm gắn bó, thầy Bằng là Bí thư Chi đoàn trường, khởi xướng nhiều hoạt động phong trào văn nghệ, thể thao, ngoại khóa, tăng cường tiếng Việt. Xây dựng những tiểu phẩm tuyên truyền cho công tác phòng, chống ma túy, HIV – AIDS. Tổ chức nhiều cuộc biểu diễn lưu động trong phụ huynh... “Tôi cảm thấy luôn vui vẻ, hạnh phúc khi được làm bạn với học sinh, và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với các em người Thái, Khơ mú...”, thầy Bằng nhớ lại.

Đến năm 2008, thầy giáo trẻ được chuyển về Trường THCS Phúc Cường (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Mặc dù về xuôi, nhưng đây cũng là ngôi trường vùng trũng, năm nào cũng chịu lũ lụt, học sinh, phụ huynh khó khăn.

Đây cũng là thời điểm thầy bắt đầu đảm nhận vai trò Tổng phụ trách Đội, và trăn trở nghĩ cách giúp học sinh khó khăn có nhiều trải nghiệm, khám phát, bớt thiệt thòi hơn so với vùng thuận lợi.

Từ đó, thầy gắn với với công việc đồng hành cùng học sinh là đội viên, đoàn viên không biết mệt mỏi. “Tôi có thể đi cả ngày, nói cả ngày. Có lẽ công việc này đem đến cho tôi nhiều động lực. Bây giờ, tuổi đời, tuổi nghề không còn trẻ nữa nhưng nhờ làm công việc này mà tôi trẻ ra về cả tính cách, con người... Tôi cũng được đi nhiều, quen nhiều đồng nghiệp khắp đất nước và nhận lại nhiều tình cảm yêu quý”, thầy Bằng chia sẻ.

Thầy Bằng làm công tác Tổng phụ trách Đội với đam mê, tâm huyết và hạnh phúc khi góp phần tạo dựng, lan tỏa giá trị sống tốt đẹp đến học sinh.
Thầy Bằng làm công tác Tổng phụ trách Đội với đam mê, tâm huyết và hạnh phúc khi góp phần tạo dựng, lan tỏa giá trị sống tốt đẹp đến học sinh.

Hiện thầy công tác tại Trường THCS Tân Dân (xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn) – ngôi trường ở vùng nông thôn, còn khiêm tốn cả về quy mô và cơ sở vật chất. Nhưng nơi đây có hoạt động các CLB hiệu quả, phong trào dân ca, dân vũ sôi nổi. Trường THCS Tân Dân cũng đón rất nhiều giáo viên, đại diện các trường học khắp mọi miền đất nước đến thăm, tìm hiểu về hoạt động công tác Đội.

Những lúc ấy, thầy Bằng cùng đồng nghiệp và học sinh của mình lại truyền lửa, truyền nhiệt huyết, lan tỏa hạnh phúc giản dị của công tác giáo dục đến giáo viên khác.

Vui vẻ, an toàn, tôn trọng, yêu thương, phát huy hết năng lực của bản thân… cũng là quan điểm giáo dục mà Trường THCS Tân Dân đang thực hiện, hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc.

Cô Lê Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Dân cho rằng, trường học hạnh phúc phải là một “hệ sinh thái” mà ở đó tất cả các thành viên đều được hạnh phúc (giáo viên, học sinh và phụ huynh)…

Để thực sự có “trường học hạnh phúc” thì đội ngũ cán bộ, giáo viên rất quan trọng. Trước hết phải yêu trò, yêu trường, yêu công việc của mình để góp phần kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, thân thiện. Trong đó, thầy Nguyễn Sỹ Bằng là nhân tích tích cực, truyền cảm hứng.

“Dù kết quả khó tính toán, đong đếm, nhưng chúng tôi thấy học sinh vui vẻ, hứng thú với việc đến trường hằng ngày. Tôi cho rằng, chúng tôi đã bước đầu thành công”, cô Lê Thị Vinh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 93.

Tham nhũng khiến binh sĩ vỡ trận?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Vadim Kozyulin, nạn tham nhũng đang đẩy nhanh cuộc rút lui của quân đội Ukraine hơn là tình trạng thiếu vũ khí hiện nay.