“Ngược ngàn” thử thách bản thân
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tổ vua Hùng, Trần Đức Tú (SN 1993) tốt nghiệp Trường Đại học Hùng Vương, Khoa Giáo dục Tiểu học và Mầm non năm 2014. Sau hơn một năm dạy hợp đồng ở trường tư thục tại TPHCM, Tú quyết định ngược ngàn lên vùng cao “nuôi dạy hổ”. Cơ duyên để thầy giáo 9X đưa ra quyết định táo bạo này được nuôi dưỡng qua những lần hiếm hoi nghe chuyện “gieo chữ trên non” từ những người anh kể lại.
Ngày lên đường nhận công tác tại Trường Mầm non Pú Hồng (Điện Biên Đông – Điện Biên), hành trang của người thầy giáo trẻ miền xuôi chỉ là chiếc ba lô nhét vội vài bộ quần áo và tập truyện tranh dày cộm. Với Tú, đó không chỉ là hành trang, mà còn là cả một bầu trời kiến thức mang đến cho những đứa trẻ ở nơi “thâm sơn cùng cốc”.
Ngày đầu nhận công tác, vì vào giữa năm học nên Tú được bố trí dạy tại trường trung tâm. Đây cũng là lần duy nhất thầy giáo trẻ không “cắm bản”. Sang năm học thứ 2 (2017 – 2018), Tú xin đi điểm bản Mường Ten. Đó cũng là điểm xa nhất, cách trường 20km đường rừng. Tự tin với chiếc xe máy mới mang từ quê lên, Tú bắt đầu hành trình trải nghiệm đường bản đầu tiên.
Đêm trước hôm xuất phát, Pú Hồng trải qua cơn mưa nặng hạt. Những con dốc trở nên trơn trượt, nhiều chỗ xói mòn chỉ còn trơ lại toàn đá hộc lổn nhổn. Vì chưa có kinh nghiệm, Tú cài xe số 4. Mỗi lần vít ga cứng tay, 2 chân dồn lực đẩy, mà bánh xe chỉ nhích không hết 1 vòng lại phải dừng. Nhiều đoạn, tay cảm giác “tê bại”, Tú bất lực thả xe trôi ngược về phía sau cả vài chục mét.
Chặng đường chỉ có 20km, nhưng Tú “đánh vật” với chiếc xe gần 4 tiếng đồng hồ. Tới nơi khi trời đã nhá nhem, Tú kéo vội ba lô lấy chiếc điện thoại định gọi về cho mẹ báo đã đến nơi an toàn. Nhưng nhìn cột sóng trên màn hình nhấp nháy mãi không lên vạch, Tú mới biết Mường Ten không có sóng điện thoại.
Sau này, khi công tác một thời gian, nhiều lần leo lên mấy ngọn đồi phía trước, Tú đã tìm được cho mình điểm có thể “đón sóng” để gọi điện về nhà. Lâu dần thành quen, giờ đi bản, Tú đều cài xe số 1, xả bớt hơi lốp để bám đường hơn. Đầu mỗi mùa mưa, Tú luôn chuẩn bị sẵn 1 sợi dây xích để bọc bánh xe, chống trơn trượt.
“Sau gần 5 năm công tác, tôi đã đi hết 15/15 điểm bản của trường và cũng thay đến 3 chiếc xe rồi, xe nào công tơ mét cũng rụng sạch vì đường xóc quá. Đổi lại, giờ đường nào tôi cũng chinh phục được. Mỗi nơi đến, tôi thấy có một khó khăn đặc thù riêng. Nhưng tôi không nghĩ đó là rào cản, mà xem như thử thách bản thân”, Tú chia sẻ.
Gửi con mình, chăm con người
Năm 2018, Tú lập gia đình với một cô giáo cùng trường và có con ngay sau đó. Vì không thể gửi con cho ông bà nội ngoại, nên trong cả hành trình 3 năm qua vợ chồng Tú bồng bế con theo lên trường. “Mang tiếng là cho con lên ở cùng nhưng bọn em không chăm được con, mà phải gửi cháu cho cô giáo khác chăm. Bởi vì nhiệm vụ của bọn em là giáo viên mầm non, nếu cho con học ở lớp mình dạy, thì con sẽ theo, mình không dồn hết tâm huyết chăm trẻ khác được”, Tú nói.
Vì có con nhỏ, nên 2 năm học vừa qua, Tú và vợ được nhà trường tạo điều kiện cho dạy cùng một điểm. Năm học này Tú quản lý lớp mẫu giáo lớn, với hơn 20 trẻ từ 3 - 5 tuổi. Còn vợ chăm lớp nhà trẻ hơn 10 bé 1, 2 tuổi tại điểm bản Nà Nếnh A. Cứ cuối tuần, vợ chồng Tú tranh thủ về thăm nhà ngoại ở xã Mường Nhà (huyện Điện Biên) và tranh thủ mua thực phẩm để nấu ăn tuần sau cho học sinh. Chiều chủ nhật hàng tuần, 2 vợ chồng “tay xách nách mang” lên điểm bản.
“Đồ cá nhân của vợ chồng thì không có gì mấy, chủ yếu là thực phẩm để nấu ăn cả tuần cho các em. Thực phẩm tươi thì em ưu tiên nấu trong 2 ngày đầu, còn củ quả và đồ khô như: Trứng, lạc, cá khô, thịt hộp... em dành cho những ngày cuối tuần vì để được lâu hơn”, Tú kể.
Chăm trẻ ở lứa tuổi mầm non vốn đòi hỏi sự khéo léo, dịu dàng, kiên nhẫn... nên với một thầy giáo trẻ như Tú quả không mấy dễ dàng. Cho đến giờ, Tú vẫn nhớ như in hình ảnh lóng ngóng và những câu chuyện dở khóc dở cười của những ngày đầu.
“Lúc mới nhận lớp, tôi chưa hình dung ra mình phải làm gì, rồi chăm trẻ như thế nào? Ngày đầu tiên đang cho trẻ học thì nhiều em đi vệ sinh ra lớp. Lúc ấy tôi rối quá không biết làm sao. Có mấy cô giáo đi qua thấy thế cứ cười trêu, rồi bảo: Thầy giáo thế này thì không biết rồi. Trẻ nhỏ cứ 10 phút là phải cho các em đi vệ sinh 1 lần chứ!” - Tú chia sẻ.
Sau lần đó, Tú được các cô giáo chia sẻ nhiều kinh nghiệm để trẻ học, ăn, ngủ ngoan và có nền nếp hơn. Rồi biết cách chăm sóc, theo dõi, “giải mã” từng biểu hiện trên khuôn mặt để hiểu các con cần gì, muốn gì? Tú dành trọn 3 ngày đầu mất ăn, mất ngủ để bắt nhịp được với công việc “làm mẹ” của những đứa trẻ vùng cao. Rồi mất thêm nhiều tháng sau đó để sử dụng các cử chỉ, ngôn ngữ giao tiếp với trẻ. Từ bỡ ngỡ, lóng ngóng... đến giờ Tú đã tự tin làm mọi việc thuần thục như một người “mẹ” thực thụ.
Thầy giáo trẻ chia sẻ, ngoài việc lên lớp thì chuyện rửa mặt, buộc tóc cho bé gái, nấu ăn hàng ngày... đều phải học từ đồng nghiệp và những bà mẹ khác. Để thu hút trẻ mỗi ngày, Tú tự tay vẽ và trang trí cho lớp học sinh động. Những bộ đồ chơi nhỏ xinh được tạo hình các con vật, đồ vật bắt mắt, giúp trẻ vừa chơi vừa học dễ dàng.
Trẻ về muộn mang lại niềm vui
Mỗi ngày lên lớp của thầy Tú bắt đầu từ lúc 5 giờ 30 phút sáng, bằng việc vệ sinh cá nhân và sắp xếp, bài trí lớp học. 6 giờ, lác đác đã có phụ huynh dắt con đến lớp. Thường thì 7 giờ Tú kết thúc đón trẻ và bắt đầu vào bài giảng. Băn khoăn “mầm non” thì học gì của nhiều gia đình đã được thuyết phục khi thấy giáo án của thầy Tú. “Tôi chia ra theo từng ngày. Ví dụ thứ 2 thể dục, thứ 3 kĩ năng xã hội hoặc khám phá khoa học, thứ 4 toán hoặc thơ, thứ 5 có thể là tạo hình hoặc vẽ, thứ 6 thì âm nhạc. Mỗi ngày là 1 nội dung và ngày nào tôi cũng phải làm mới những nội dung đó”, thầy Tú nói.
Để lên được giáo án đa dạng như vậy, Tú không nhận mình là người “đa–zi–năng” mà đơn giản chỉ cho rằng mình “mỗi thứ biết một chút”. Đó là lý do những lớp học của Tú luôn cuốn hút bọn trẻ. Điều này thể hiện ngay trên sĩ số lớp em báo cáo về điểm trường trung tâm mỗi ngày đều đảm bảo, trừ những hôm có trẻ ốm. Khoảng 9 giờ 30 phút, Tú cho trẻ tự chơi trong lớp rồi tranh thủ vào bếp. Trong căn bếp đỏ lửa, thầy giáo trẻ vẫn mặc nguyên chiếc áo sơ mi, cặm cụi vo gạo nấu cơm và tỉ mẩn từng món ăn chế biến theo chế độ của “các con”.
Sau khoảng hơn 1 tiếng, mỗi đứa trẻ được gọi tên, hồ hởi bê phần cơm của mình về chỗ ngồi ngoan ngoãn tự xúc ăn. Một vài trẻ còn nhỏ phải bón, nhưng Tú bảo trường hợp này rất ít, vì cơ bản em sẽ hướng dẫn cho trẻ tự thực hiện các nền nếp ngay từ những ngày đầu vào lớp. Tranh thủ giờ nghỉ trưa hiếm hoi, Tú dọn dẹp, rửa đống bát, thìa, hoàn thành sổ sách báo cáo về trường trung tâm và chuẩn bị đồ ăn. Cho đến khi trẻ dậy, cũng là lúc bữa chiều đã sẵn sàng.
Thường theo lịch, phụ huynh sẽ đón trẻ từ 16 giờ 30 phút. Song theo Tú chia sẻ, vì ở vùng cao bà con chủ yếu lên nương, về nhà rất muộn. Nên nhiều trẻ tới tận 19 giờ mới thấy bố mẹ đến đón. Mỗi lần vậy, Tú lại thay bố mẹ tắm gội, nấu nướng và ăn cùng các con. “Tôi không thấy phiền. Trẻ về muộn chút nào mình vui thêm chút đó. Vì cứ mỗi mình ở điểm bản, buồn lắm. Có học sinh là mình có bạn”, Tú bộc bạch.
“Nhiều lần vào mùa mưa, điểm bản bị cô lập không thể ra ngoài lấy rau xanh, thực phẩm nên phải vào rừng tìm măng. Nhưng may mắn là tất cả các điểm bản tôi từng dạy, phụ huynh đều rất tình cảm và quý thầy giáo. Nhiều bản mới đến nhận lớp, thấy không có điện, bà con tự bảo nhau mắc đường dây kéo điện nước về. Ở vùng cao vất vả thật, nhưng mỗi lẫn nhìn ánh mắt rạng rỡ của bọn trẻ, rồi nghĩ đến tấm lòng mến quý của bà con, tôi lại càng quyết tâm gắn bó với nơi này”, Tú trải lòng.