Làm streamer, anh chàng nông dân ở Trung Quốc kiếm 70 triệu đồng/tháng

Một chàng nông dân ở Trung Quốc kiếm được khoảng 70 triệu đồng/tháng, chỉ bằng cách quay lại cuộc sống hàng ngày của mình.

Làm streamer, anh chàng nông dân ở Trung Quốc kiếm 70 triệu đồng/tháng

"Chia tay đi!"

"Tại sao? Hãy cho anh thêm một cơ hội!"

"Tôi không thích kiểu tóc của anh".

Tiếng cãi vã của một cặp đôi khẽ làm không khí ở vùng thôn quê yên bình ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc rung lên thoáng chốc.

Wu Nengji đang cãi nhau với bạn gái cũ và anh chàng người tình mới của cô ấy. Trái ngược với đôi boot đen quyến rũ của cô gái và mái tóc bồng bềnh kiểu cọ của anh chàng người tình, mái tóc đen quê mùa của Wu Nengji trông rất đáng thất vọng.

Đây là cảnh mở đầu cho một bộ phim kéo dài chưa đến một phút của Wu. Anh chàng 24 tuổi đang sản xuất những video tương tự trên nền tảng streaming Kuaishou dưới nghệ danh Xiao Jiji, có nghĩa là "may mắn" trong tiếng quan thoại.

Wu Nengji quay các video của mình bằng điện thoại thông minh và chỉ bấm máy một lần.

Anh chang nay la vi du dien hinh cho trao luu nha nha lam streamer hinh anh 1
Wu Nengji đang ngồi tại "phim trường" là trang trại nuôi lợn của bố anh.

Từ sở thích ban đầu, streaming trở thành nguồn thu nhập chính của Wu. Mỗi tháng anh kiếm được từ 10.000 đến 20.000 tệ (35 đến 70 triệu đồng), gấp khoảng ba đến sáu lần tiền lương của công nhân tại Trung Quốc.

"Tôi chẳng có thông điệp nào để truyền tải cả, chỉ đơn giản muốn mọi người có thể mỉm cười sau một ngày dài làm việc mệt mỏi", anh chia sẻ.

Tất cả số tiền này đến từ những người hâm mộ. Họ gửi cho anh những vật phẩm ảo mà nền tảng cung cấp như hoa hồng hay bia, mỗi món đồ trị giá từ 1 đến 2 tệ và anh có thể chuyển đổi thành tiền thật.

Jian Xu, chuyên gia truyền thông đến từ đại học Deakin của Úc cho biết: "Một số streamer chỉ kiếm đủ sống nhưng một số người khác thậm chí có thể trở thành tỷ phú. Vùng đông bắc Trung Quốc trước nay bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của các ngành công nghiệp, nay vực dậy nhờ nguồn thu nhập mới này."

Một bà lão tên Liu Mama sống ở phía bắc thậm chí còn kiếm được hơn 1 triệu nhân dân tệ (gần 3,5 tỷ VND) mỗi tháng.

Thị trường “chia sẻ trải nghiệm trực tuyến” ở Trung Quốc

Ở Trung Quốc, việc phát sóng các video ngắn đã trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ. Từ các nền tảng đầu tiên như YY hay Six Rooms, nay đã có thêm sự tham gia của các đối thủ cạnh tranh như Meipai, Huajiao, Yizhibo và Douyin.

Theo Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc (CNNIC), tính đến cuối năm 2018, hơn 648 triệu người dân nước này thường xuyên xem các video ngắn. Thị trường này ước tính giá trị khoảng 11,8 tỷ nhân dân tệ (17,4 triệu USD), tăng 106% so với năm trước.

Trước đó, hầu hết người dùng thích xem các video về các cô gái da trắng nhợt nhạt, mắt to, lông mi dài hát nhép theo các bài hát nổi tiếng trong các phòng thu được trang trí giống phòng ngủ.

Nhưng những năm gần đây, ở một số nền tảng streaming đã xuất hiện những video mới lạ, thể hiện những nét chân chất. Đó có thể là video được quay bởi những người ở nông thôn hay ở các thành phố hạng ba và tư. Tiêu biểu là các video ở Kuaishou, một nền tảng xuất hiện năm 2011 nay đã có hơn 266 triệu người dùng.

Theo Zhicong Lu, một nhà nghiên cứu đến từ đại học Toronto, “những video trên Kuaishou có đông người xem vì người thành thị thấy tò mò thích thú, còn người dân lao động xem để thấy đồng cảm và hoài niệm về thời thơ ấu của họ ở những vùng đất thôn dã”.

Hàng triệu tín đồ

Wu Nengji bắt đầu xuất bản video trên Kuaishou từ ba năm trước, sau khi đã thử hết những công việc anh có thể làm ở Bắc Kinh và chán nản trở về quê.

"Tôi đã thử mọi nghề: phục vụ bàn, giao đồ ăn, nhưng không thể kiếm đủ tiền để sống", anh kể. Khi về quê, anh chẳng biết phải làm gì tiếp theo. Anh ghi lại cuộc sống thường ngày của mình đăng lên mạng cho đỡ chán.

Anh chang nay la vi du dien hinh cho trao luu nha nha lam streamer hinh anh 2
Wu Nengji đứng trước bức tường in hình những người bạn từ thời thơ ấu của mình, nay đều là streamer.

Đến nay, anh đã có hơn 2.000 video và hơn 5.6 triệu người theo dõi.

"Tôi chỉ dùng một chiếc điện thoại để quay, và mỗi video chỉ tốn một hoặc hai lần bấm máy", anh chia sẻ. Anh sử dụng những phụ kiện "lố" như mũ bảo hiểm màu hồng, tóc giả màu bạc hay vương miện bằng nhựa để quay những video lấy bối cảnh thôn quê như con đường làng, cánh đồng lúa hay chuồng lợn, tạo ra một sự đối nghịch thú vị.

Một số sản phẩm của anh đầy chất thơ, thể hiện cuộc sống thôn dã và những khó khăn đáng yêu khi anh đi tán gái. Những số khác thì vô lý và nhảm nhí như cảnh anh và bạn mình nhảy nhót loạn xạ trên nền nhạc điện tử quê mùa.

Kuaishou là nơi tập hợp những người nông dân đang cấy lúa, những ngư dân đánh cá hay các thợ thủ công làm việc. "Một số nông dân sử dụng video để quảng bá và bán sản phẩm của họ trực tiếp cho khách hàng", Jun Wen Woo nói. Ông là một chuyên gia streaming của IHS Markit, một nhà cung cấp thông tin toàn cầu có kinh nghiệm về Trung Quốc. 

Kuaishou còn là nơi ra đời của "social shake", một điệu nhảy tập thể nổi tiếng. Đây cũng là "lãnh địa" của "mic-shouting", loại hình nghệ thuật xen kẽ giữa rap và... hét. Nó chứa đầy những nhân vật thu hút bản năng tò mò của người xem, chẳng hạn như bộ ba chị em mắc bệnh xương giòn, một cặp vợ chồng mắc bệnh lùn hoặc một cô gái trẻ nuốt sống cá vàng.

Một số nội dung cũng bị kiểm duyệt. Mùa đông năm 2017, khi chính quyền Bắc Kinh bắt đầu quy hoạch lại những người lao động nhập cư sống trong nhà tập thể, Kuaishou là nền tảng duy nhất ghi lại các vụ trục xuất.

Năm 2018, trang web yêu cầu xóa mọi video được coi là "trái với thuần phong mỹ tục", bao gồm một loạt video của các bà mẹ tuổi teen.

"Kuaishou đã phải thuê hàng trăm người kiểm duyệt để giám sát các nội dung", Zhicong Lu nói thêm. Nhưng dù cho hình xăm và những lời chửi tục đã biến mất, cư dân mạng Trung Quốc vẫn khá xảo quyệt trong việc tìm cách tránh kiểm duyệt.

Quá trình sản xuất video đơn giản đến bất ngờ

Giữa trưa, một nhóm thanh niên khoảng hai chục người bắt đầu tụ tập trước sân nhà Wu. Một số trong đó có kênh riêng nên ghé qua để tự quay gì đó, một số khác thì chỉ đến góp mặt cho vui. Hầu hết bọn họ đều là bạn bè từ thời thơ ấu của Wu.

Mặc quần bó sát màu đen, áo hoodie màu xanh và dép nhựa, Wu trông không giống một ngôi sao Internet.

Anh dẫn mọi người vào một nhà kho bụi bặm, nơi họ bắt đầu tranh luận về ý tưởng cho cảnh quay tiếp theo. Những lời bình luận nghiêm túc lẫn những câu đùa liên tục vang lên trong không khí đặc quánh khói thuốc lá và tiếng cười.

"Chúng tôi thường quay trước rồi mới ngồi lại phân tích. Chúng tôi cứ quay thôi, rồi sẽ nhận ra ý tưởng của video lần này là gì", anh giải thích.

Họ thống nhất ý tưởng: Nếu bạn gái của Wu không thích mái tóc cũ, thế thì đổi tóc mới.

Anh chang nay la vi du dien hinh cho trao luu nha nha lam streamer hinh anh 3
Wu Nengji ngồi chỉnh sửa video trước một chiếc màn hình máy tính cũ kĩ, không có đế, phải dựa trên một cái ghế.

Hai người bạn của anh ta lấy một lon keo xịt tóc và bắt đầu tạo kiểu cầu kì cho mái tóc của Wu. Phần còn lại của video tả cảnh cô gái cầu xin quay trở lại với anh chàng Wu-đẹp-trai, nhưng anh từ chối và bước đi hiên ngang cùng hai người bạn hai bên.

Chỉ trong 3 tháng, video đã có hơn 7,7 triệu lượt xem, 291.000 lượt thích và hơn 15.000 bình luận.

"Lúc đầu, bố mẹ gay gắt", Wu nói. Họ muốn tôi trở thành công nhân và đều đặn gửi tiền về nhà. Nhưng khi thấy được tôi thích làm video đến mức nào và việc này tạo ra tiền, bố mẹ tôi đã thay đổi suy nghĩ".

Mặt trời sắp lặn. Đã đến lúc Wu Nengji cho lợn ăn. Anh nhặt một lon thức ăn, trộn nó với nước và bắt đầu đổ vào máng. Một lát nữa, anh sẽ ngồi trước một chiếc máy tính cũ kĩ, với màn hình phủ đầy bụi và bàn phím thiếu vài nút để chỉnh sửa lại video để tối nay kịp lên sóng sản phẩm mới nhất của mình.

Theo zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ