Trao yêu thương nhận lại ngọt ngào
Khi được hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ trong nghề giáo, cô Nguyễn Thị Tuyết (cựu GV Trường THCS Lê Hồng Phong, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đều kể về những học sinh cá biệt. Bởi nói như cô, “đây là những em khiến chúng tôi trăn trở nhiều nhất, đôi khi mất ăn mất ngủ. Học trò càng đặc biệt mình càng phải kiên nhẫn, bởi đôi khi chỉ cần thiếu một chút nhẫn nại, cuộc đời của các em sẽ khác đi”.
Như trường hợp của học sinh T.T.T., cô Tuyết chia sẻ: “T. là HS học khá, cũng rất cá tính. Dù là nữ nhưng em hay xích mích với các bạn trong lớp rồi kéo bạn ở trường khác về trường đánh nhau. Tôi chủ nhiệm năm T. học lớp 9, sau khai giảng khoảng một tháng, T. nghỉ học một tuần, cô giáo đến nhà thì HS tỏ ra khó chịu, phụ huynh cũng bất lực trước con. Thế là mình đổi phương án tiếp cận”.
Trong suốt một tuần “cô - trò chỉ đi chơi thôi nhé” như lời cô Tuyết giao ước, cô trò nhỏ đã tâm sự với cô đủ thứ chuyện, những suy nghĩ non dại cũng nhờ vậy mà được cô Tuyết khéo léo điều chỉnh, uốn nắn. Sau đó, T. nhắn tin cho cô: “Em muốn đi học, nhưng xấu hổ với bạn bè, cô vào lớp cùng em nhé”. Cô giáo lại phải làm “công tác dân vận” với cả lớp để T. không bị “xì xào” khi đi học trở lại. Mất gần chục ngày, cứ đến giờ đi học, T. đứng trước cửa chờ cô giáo đến đón. Cứ như vậy, T. hòa nhập trở lại với bạn bè, được phân công làm lớp phó phụ trách kỷ luật. “Chúng tôi thở phào vì đã cùng em vượt qua tuổi dậy thì với những thay đổi về tâm lý đầy khó khăn” – cô Tuyết cho biết.
Trong một diễn đàn chia sẻ về thành công của kỷ luật tích cực, cô Phạm Thị Thu Trang (Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ câu chuyện của mình: “V. là HS lớp 6, tuy nhiên em lớn hơn các bạn cùng lớp 2 tuổi vì ở lại lớp. Cậu bé có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt: Mẹ mất sớm, em ở cùng bố và anh trai trong điều kiện kinh tế khó khăn. Bố đi làm thuê, anh thì phụ xe, gia đình em không có chỗ ở ổn định. Một hôm, do gây gổ, xích mích với các bạn HS lớp bên cạnh nên V. bị cô giáo chủ nhiệm lớp bạn trách mắng, em cãi lại, cô giáo đã tát em và yêu cầu viết bản kiểm điểm. V. hứa với cô giáo viết bản kiểm điểm và không tái phạm nữa, thế nhưng, em vẫn tiếp tục phạm lỗi, không đánh bạn này thì bạn khác. Hạnh kiểm cuối năm của em xếp loại trung bình.
Lên lớp 7, V. vẫn là học trò phá phách, lười học, thích chọc ghẹo, đánh bạn; nhưng tôi không có định kiến với học trò theo kiểu “nhìn mặt đặt tên”, thay vào đó, tôi gần gũi, tìm hiểu và lắng nghe em chia sẻ để biết những khó khăn, cùng em tìm ra hướng giải quyết vấn đề của bản thân. Tôi tin tưởng giao việc cho em, khi em làm được, tôi tuyên dương và khen thưởng trước lớp. Dần dần, em vượt qua mặc cảm và nhận thấy mình có thể làm được nhiều việc có ích, thấy được vai trò của mình trong tập thể, được hòa đồng cùng các bạn trong học tập cũng như vui chơi…”.
Yêu thương thôi, chưa đủ
Có một nội dung quan trọng trong Dự án Hành trình yêu thương tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới do Tổ chức Hòa bình và Phát triển của Tây Ban Nha (PyD) triển khai tại Đà Nẵng, đó là trang bị cho GV về phương pháp kỷ luật tích cực. Theo đó, kỷ luật tích cực ở gia đình và nhà trường chính là việc cha mẹ, thầy cô giáo phải luôn tìm các biện pháp, cách thức xử lý tình huống, hình thức giáo dục HS mà không la mắng, nạt nộ, cáu giận, đánh đập, bắt quỳ gối… khi các em phạm phải sai lầm. Thay vào đó, cha mẹ, thầy cô gần gũi, quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ các em thừa nhận lỗi lầm và biết cách khắc phục.
Trước khi bất kỳ hình thức xử phạt nào được sử dụng, GV nên xem xét lý do tại sao HS phạm lỗi và có hình phạt thích hợp, cần thiết. HS có thể mắc lỗi trong hay ngoài tầm kiểm soát của các em, ví dụ HS không làm bài tập về nhà vì ba mẹ em bắt em phải tham gia công việc kinh doanh của gia đình về đêm, so với em khác đã không làm bài tập về nhà vì lười biếng.
Cô Phạm Thị Thùy Loan – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Đứa trẻ nào cũng vậy, đều muốn khẳng định giá trị và được thừa nhận giá trị của mình. Nếu thừa nhận một cách khéo léo và hợp lý, trẻ sẽ phát huy được thế mạnh. Nếu phê phán trẻ trước mặt mọi người, thậm chí chê bai chỉ trích, trẻ bị tổn thương, mặc cảm. Trong một tình huống phạm lỗi, thay vì chê bai thì cùng trẻ phân tích tình huống để tìm ra cách ứng xử mang lại điều tốt đẹp hơn hậu quả đã có”.