1. Ở Hà Nội có một ngôi trường rất đặc biệt, nơi “đầu vào” nhận những học sinh quá “cá tính”. Ngồi nói chuyện với thầy hiệu trưởng – một chuyên gia về tâm lý giáo dục, thầy kể về học sinh lứa tuổi nổi loạn của mình với góc nhìn bao dung, cho dù học sinh vi phạm nội quy, bỏ học, cãi thầy cô… dù giáo viên có nóng giận lên ngay phòng hiệu trưởng đề nghị đuổi học sinh, kỷ luật nặng, nhưng câu đầu tiên thầy bảo: Phải bình tĩnh, để hai ngày nữa gọi học sinh lên gặp thầy…
Hỏi thầy sao không xử lý ngay khi việc đang “nóng” như thế, thầy bảo: Phải để cả giáo viên và học sinh có độ lùi, có thời gian để cái tôi lắng xuống. Lúc nóng giận thì làm sao có cái đầu lạnh để suy xét mọi việc. Nếu chưa có phương pháp thấu đáo, có thể cho học sinh nợ để có thời gian suy nghĩ; giáo viên cũng có thời gian để bình tĩnh, không nóng vội, cáu gắt để xử lý mọi việc khách quan.
Điển hình như trường hợp một học sinh lớp 11, gia cảnh khó khăn, nhà chỉ có hai mẹ con mà chơi bời bán cả xe đi, bỏ bê việc học. Trường hợp này, chiếu theo quy định của nhà trường là phải đuổi học. Hôm đó hai mẹ con học sinh và cô chủ nhiệm cùng lên gặp thầy hiệu trưởng. Nắm bắt tâm lý tuổi mới lớn và tình cảm của cậu học trò với mẹ, thầy không bàn chuyện đuổi học, mà nhẹ nhàng phân tích cho học sinh biết được điều đúng đắn và để cho học sinh về suy nghĩ. Về nhà, thấm thía lời thầy, cậu học sinh còn định chặt ngón tay để thề với mẹ sẽ thay đổi. Và cậu đã làm được rất tốt, thi đỗ hai trường đại học, đi Úc học thạc sĩ và về Việt Nam làm giám đốc một công ty thép. Hôm kỷ niệm trường mới đây, cậu học sinh đến chào thầy hiệu trưởng; câu đầu tiên cậu nói là: Thầy ơi, mẹ em đã khỏe rồi thầy ạ!
2. Các thầy cô giáo ở tỉnh Tuyên Quang vừa được tham gia một khóa tập huấn về phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực và rất tâm đắc với “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt khóa học: Khi học sinh phạm sai lầm, cha mẹ, thầy cô cần tìm các biện pháp, cách thức xử lý tình huống, các hình thức giáo dục học sinh mà không la mắng, nạt nộ, cáu giận, đánh đập…; cần gần gũi, quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ các em thừa nhận lỗi lầm và biết cách khắc phục.
Có cô giáo ở huyện Sơn Dương đã rất phấn khởi chia sẻ về thành công của một buổi sinh hoạt lớp khi tin tưởng cho học sinh tự bình bầu xếp loại, khuyến khích các em nói ra những mong muốn, mơ ước và nhìn nhận bản thân sau một năm học. Có học sinh có “hồ sơ” vi phạm kỷ luật dày đặc, tuần trước vừa bướng bỉnh ngồi trước Hội đồng kỷ luật của trường vì phạm lỗi, hôm đó đã khóc viết tâm thư gửi cô: “Em xin hứa sẽ sửa chữa lỗi lầm”… Còn các bạn học thì nhắn gửi: “Bạn đã nhận ra lỗi, người nhận ra lỗi sẽ có ý thức sửa lỗi, em tin là thế!”. Để thấy một điều giản dị: Trong mọi trường hợp, “từ trái tim đến thẳng với trái tim” áp dụng với học sinh luôn là phương cách giáo dục đúng đắn nhất.
3. Với vụ việc một cô giáo ở Quảng Bình bắt học trò trong lớp tát bạn, Bộ GD&ĐT đã thể hiện quan điểm dù nguyên nhân là gì thì việc cô giáo phạt học sinh với hình phạt như trên là sai và hoàn toàn không chấp nhận được. Vì vậy, nhà trường phải xem xét và xử lý thật nghiêm minh.
Được biết, liên quan đến vấn đề đạo đức nhà giáo, trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo. Để chấn chỉnh tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ GD&ĐT cũng đã nhiều lần đề cập tới quan điểm, sẽ kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo. Và cô giáo ở Quảng Bình đang phải đối diện với nỗi ân hận lớn nhất trong cuộc đời mình và phải trả giá cho sai lầm theo đúng quy định của ngành, của pháp luật.
Mọi người thường nói đến phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực với đối tượng là học sinh. Trong trường hợp này, có lẽ đối tượng cần xã hội giáo dục kỷ luật tích cực là cô giáo, để bình tĩnh nhìn nhận, phân tích, chỉ đạo rốt ráo giải quyết vụ việc thay vì tiêu cực đổ lỗi, công kích quy chụp. Mỗi Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, mỗi nhà trường, tổ chuyên môn cần phổ biến pháp luật cùng những văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT một cách nghiêm túc cho tất cả giáo viên; hình thành, thiết lập nội quy, nề nếp kỷ luật trong nhà trường, lớp học, gia đình. Quan trọng nhất là việc quản lý, giám sát, chấn chỉnh kịp thời, để những vụ việc “con sâu làm rầu nồi canh” không còn tái diễn.