Tạo sự an tâm, an toàn cho học sinh
Tham vấn tâm lý học đường (TVTLHĐ) là hoạt động tư vấn chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các em học sinh cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với lứa tuổi học sinh. Bộ phận này trong trường học sẽ giúp hỗ trợ học sinh tháo gỡ các vấn đề về tâm lý thường gặp, thuộc một trong năm lĩnh vực: Học tập, nhận thức, cảm xúc, hành vi và xã hội.
Theo TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục: Sự phát triển tâm lý của HS phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó giáo dục nhà trường giữ vai trò chủ đạo. Để nhà trường phát huy vai trò chủ đạo thì HS đến trường phải cảm nhận được sự an toàn, tự do trong môi trường giáo dục thân thiện, tích cực. Nếu HS cảm thấy mệt mỏi, áp lực khi đến trường thì giáo dục nhà trường mất đi ý nghĩa chủ đạo. Vì vậy, quan trọng là phải xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện mới hiệu quả.
Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, mô hình tham vấn học đường bước đầu thấy những chuyến biến tích cực, mặc dù còn bộc lộ nhiều hạn chế về đội ngũ cũng như cơ chế vận hành mô hình.
Mô hình tham vấn học đường bước đầu đã góp phần thay đổi nhận thức của GV, HS, CMHS và cộng đồng. Trong khuôn khổ nhất định, các thầy cô có thể giúp đỡ, hỗ trợ cho HS khi gặp khó khăn về vấn đề tâm lý, giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Như vậy, mô hình tham vấn học đường ở VN có thể chưa phải là tối ưu theo các chuẩn mực quốc tế, nhưng phù hợp trong điều kiện cụ thể của VN trong giai đoạn hiện nay.
Kết quả nghiên cứu nhu cầu hỗ trợ tâm lý của HS đều chỉ ra rằng mong muốn được hỗ trợ tâm lý của HS là rất lớn. Theo quy luật chung của con người, khi những nhu cầu cơ bản được thỏa mãn, cá nhân sẽ vươn tới những nhu cầu ở cấp độ cao hơn. Nhu cầu an toàn về tâm lí, được tôn trọng, vươn lên khẳng định mình là nhu cầu cấp cao...
Tham vấn tâm lý để được sẻ chia, đồng cảm
Cần tăng cường truyền thông về chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động của phòng tham vấn. Khi giáo viên và học sinh chưa hiểu rõ thì việc e dè và không đến phòng tham vấn là điều dễ hiểu. Nhiều khi học sinh không biết đến sự có mặt của 1 nơi như thế, các con vẫn cố tự chịu, hoặc các con nghĩ rằng phòng tham vấn là chỉ để dành cho người có vấn đề tâm thần thôi.
ThS Phạm Bích Diệp Cán bộ tham vấn học đường, Trường THCS-THPT Ban Mai, Hà Nội cho rằng: Chuyên môn, uy tín và sự chủ động kết nối, chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm, với các hoạt động của học sinh sẽ giúp chuyên gia tham vấn có nhiều kênh để gần gũi với học sinh, tạo mối quan hệ cởi mở và đặc biệt có thể tìm ra những vấn đề cần hỗ trợ của học sinh.
“Tốt nhất là cần có cán bộ tham vấn tâm lý chuyên trách, được đào tạo bài bản làm công tác tham vấn tâm lý trong mỗi trường học.”, ThS Phạm Bích Diệp nhấn mạnh.
Người làm công tác tham vấn tâm lý học đường cần là một người hết sức tâm lý, sẵn sàng lắng nghe; có tâm và lòng nhiệt tình, yêu trẻ; tôn trọng cái tôi và chấp nhận sự khác biệt, cá tính của mỗi cá nhân; nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của nghề tham vấn tâm lý; kiên nhẫn, kiên trì, bền bỉ.
“Xã hội càng phát triển, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tâm lí càng lớn. XH phát triển càng làm nảy sinh nhiều vấn đề tâm lý hơn. Trong nhà trường, những vấn đề căng thẳng, lo âu học đường, suy giảm động cơ học tập, trầm cảm, hành vi lệch chuẩn, nghiện game… đang trở nên phổ biến. Vì vậy, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tâm thần của HS ngày càng cấp bách.”, TS. Hoàng Trung Học nhấn mạnh.