Trước đây, các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như: Titanic, L’amant (Người tình)... đều có sách in kèm theo phim. Nhưng ở Việt Nam, phần lớn các đoàn làm phim ở ta bỏ luôn nhật ký phim trường (dạng phác thảo của sách) khi đóng máy.
Vậy nên việc đạo diễn Đỗ Thành An ra mắt cuốn sách “Kiều @ - Cú máy linh hồn” kể về chuyện “bếp núc” khi làm phim mặc dù đến 26/2 Kiều @ mới được công chiếu – có thể được coi là một sự kiện bất ngờ.
Cuốn sách có thể xem như là một “biên niên sử”, nhìn lại hành trình của phim điện ảnh one shot Việt đầu tiên, vừa cung cấp cho khán giả - độc giả chìa khóa để mở những cánh cửa, giải những mã nghệ thuật đầy tính ẩn dụ của bộ phim.
Được chia thành 10 chương, cuốn sách đi theo một lộ trình xuyên suốt, bàn và lí giải kỹ thuật one shot mà đạo diễn Đỗ Thành An sử dụng trong phim; gợi mở, đề cập những nội dung, phương thức nghệ thuật của phim những câu chuyện hậu trường đầy hồi hộp, li kì và thậm chí là không lí giải nổi mà đoàn phim gặp phải khi thực hiện dự án và cả dư luận về bộ phim trước khi tác phẩm ra rạp. Dù chưa xem phim, nhưng khi đọc cuốn sách, có thể cảm nhận one shot được đạo diễn phim Kiều @ nâng lên thành một phương thức nghệ thuật, một quan niệm sáng tạo điện ảnh chứ không còn là một kỹ thuật quay phim đơn thuần.
Không những thế, cuốn sách giúp độc giả hướng đến khái niệm “sách phim”. Không chỉ có ngôn từ, cuốn sách còn đầy những hình ảnh minh họa từ những cảnh trong phim, những hình ảnh hậu trường, đối sánh từ ý tưởng nghệ thuật đến bối cảnh thực tế tại hiện trường của bộ phim. Nếu đọc để thưởng thức thuần túy như một cuốn sách bình thường thì vẫn rất hứng thú, mà xem đó như một cẩm nang để đi vào thế giới nghệ thuật phim.
Nói về lí do nhận lời thực hiện cuốn sách này, họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú (Giám đốc nghệ thuật của phim, người chấp bút cuốn sách) chia sẻ: “Đồng hành cùng Đỗ Thành An từ những ngày đầu của dự án phim đến giờ phút này, có thể nói, tôi thấy được ở người học trò; đồng thời bây giờ là cộng sự của mình có ý tưởng táo bạo, phiêu lưu, mạo hiểm. Nhưng anh hiện thực hóa mọi ý đồ sáng tạo ấy một cách đầy nghiêm túc và bản lĩnh. Và đội ngũ vận hành dự án phim cho thấy sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh. Tôi cùng các cộng sự cho ra đời cuốn sách này chính là góp thêm một chút yếu tố chuyên nghiệp cho dự án phim này…”.
Không ai sáng tạo nghệ thuật có thể đứng cao hơn tác phẩm của chính mình, nên chuyện phim hay hay dở là tùy cảm nhận của mỗi người. Tuy nhiên khi cầm trên tay cuốn sách “Kiều @ - Cú máy linh hồn” người đọc cũng cảm nhận được phần nào về một hành trình làm việc nghiêm túc, cũng như tính chuyên nghiệp của đoàn làm phim. Đồng thời ẩn chứa trong sách là vô số kinh nghiệm mà những ai muốn tìm hiểu để giảm bớt rủi ro cho chính mình trong quá trình làm phim. Do đó chuyện làm sách cho phim cũng là một công việc vừa chuyên nghiệp vừa mang tính sẻ chia kinh nghiệm nên cần được khuyến khích, nhân rộng.