Xuất bản sách: Thừa “giấy phép” – Thiếu chế tài

GD&TĐ - Trên thực tế diễn biến thị trường sách, cũng như theo đánh giá của Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong năm 2014 số lượng phát hành các sách và tài liệu khá phong phú. 

Xuất bản sách: Thừa “giấy phép” – Thiếu chế tài

Chất lượng phát hành đã dần được cải thiện, đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, cũng như vấn đề phát triển văn hóa đọc cho độc giả. Tuy nhiên, đằng sau đó vẫn có nhiều bất cập cần được tháo gỡ.

Lỏng lẻo trong quản lý

Năm 2014, Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận đăng ký xuất bản 37.081 cuốn của các NXB. Trong đó có 20.119 cuốn được thực hiện xuất bản. Đối với xuất bản phẩm điện tử, Cục cũng đã xác nhận đăng ký 2.659 tên xuất bản phẩm, chủ yếu là NXB Trẻ, NXB Tổng hợp TPHCM, NXB Thông tin và Truyền thông, NXB Đại học Huế, NXB Thời đại… Cục Xuất bản, In và Phát hành đã thực hiện thủ tục lưu chiểu 28.236 cuốn với 368.925.000 bản. So với năm 2013, tăng 5,2% về cuốn và 32% về bản.

Rõ ràng nếu chỉ tính về số lượng, thì đây là những con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, nếu đi sâu và tìm hiểu thì vấn đề chất lượng trong xuất bản, vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại. Việc xuất hiện khá nhiều sách lậu trên thị trường chứng tỏ sự lỏng lẻo trong quá trình quản lý, tổ chức xuất bản. Việc phát hành xuất bản phẩm không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, hóa đơn hợp lệ, không có quyết định phát hành có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Ngoài vấn đề về sách lậu, bên cạnh đó chất lượng các đầu sách vẫn là mối lo ngại lớn đối với những người quan tâm đến lĩnh vực này. Tại Hội nghị về công tác xuất bản mới đây, theo ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, thì mặc dù số lượng sách xuất bản cao hơn so với năm trước, nhưng chất lượng chưa đồng đều. Nhiều cuốn có nội dung vô bổ, nhảm nhí, không có giá trị giáo dục… Ví dụ như các sách từ điển ngôn ngữ, sách ngôn tình, sách có nội dung lấy từ mạng Internet… Thậm chí, một số xuất bản phẩm sai phạm nghiêm trọng khiến dư luận phản ứng dữ dội.

Cần mạnh về chế tài

Để giải quyết được tận gốc vấn đề sách lậu, việc quản lý tổ chức khâu in ấn phải được công khai minh bạch. Chính vì vậy các cấp quản lý cần tìm ra chứng cớ và xử lý mạnh tay những NXB tiếp tay cho một số đầu nậu sách, vi phạm luật nghiêm trọng Luật Bản quyền tác giả. Bởi chính họ đã trực tiếp, hoặc gián tiếp tạo ra lỗ hổng lớn trong vấn đề in ấn xuất bản các ấn phẩm.

Lâu dài, sẽ tác động xấu tới những nhà làm sách chân chính và gây ảnh hưởng xấu tới cộng đồng. Bên cạnh đó, vì mục đích lợi nhuận cao mà nhiều tổ chức, cá nhân đã tìm mọi cách để hợp thức hóa số sách lậu đưa vào các cửa hàng, siêu thị sách bày bán công khai và trở thành sách có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc hợp pháp. Cuối cùng Nhà nước, tác giả và những người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi. Nguồn thuế bị thất thu, người tiêu dùng nhận những sản phẩm kém chất lượng. Những nhà làm sách chân chính bị cạnh tranh một cách không lành mạnh.

Để hạn chế và chấm dứt hiện tượng sách lậu, cũng như nâng cao chất lượng sách, thì việc kiểm soát xuất bản, in nếu chỉ coi là trách nhiệm của Sở Thông tin Truyền thông là chưa hợp lý. Ngoài trách nhiệm của Sở Thông tin Truyền thông, còn vai trò của công an, phòng thuế và các cơ quan chủ quản của các NXB. Hiện nay vấn đề vai trò, trách nhiệm cho cơ quan chủ quản chưa được rõ ràng. Chính vì vậy mà nhiều ấn phẩm kém chất lượng đã được ra lò mà không được kiểm soát, dẫn đến những bất cập không đáng có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ