Tuy nhiên, điều trái khoáy là có một bộ phận người trong xã hội thích thú và tìm mua cho bằng được. Trong khi đó, sách có giá trị không thiếu nhưng không được mong đợi. Phải chăng văn hóa đọc của người Việt có vấn đề?
Đến "Huấn hoa hồng" cũng ra… "sách"
Từ cuối tháng 4, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi văn bản tới các cơ quan chức năng yêu cầu rà soát vụ bán 2 sản phẩm giống như sách là "Bí kíp kinh doanh online" và "Đệ nhất kiếm tiền" của "Huấn hoa hồng". Cục đề nghị phối hợp làm rõ nghi vấn về việc sao in, phát tán qua mạng với 2 sản phẩm này.
Trước đó, ngày 20/4, Bùi Xuân Huấn đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân giới thiệu các cuốn sách trên do tự mình đầu tư viết, được rao bán với giá 799.000 đồng/bộ, bìa sách gắn tên Nhà xuất bản SG. Giá thành đắt đỏ nhưng Huấn thừa nhận, dù sách chưa phát hành nhưng số lượng đặt đã lên tới 5.500 cuốn. Trong một livestream, Huấn nói với một người đàn ông chuyển về Lào Cai 50 cuốn, Hải Dương 100 cuốn, Hải Phòng 30 cuốn… và tổng lượng sách người đặt mua trong ngày hôm đó lên tới hơn 400 cuốn, chưa tính 3 đại lý khác.
Đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành khẳng định không có nhà xuất bản nào có tên SG. Không có 2 cuốn sách nào có tên "Bí kíp kinh doanh online" và "Đệ nhất kiếm tiền" trong danh mục sách lưu chiểu cũng như danh mục kế hoạch đăng ký xuất bản được xác nhận.
Ngày 16/6, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an đã làm việc với Bùi Xuân Huấn để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật liên quan việc xuất bản, phát hành các sản phẩm "Đệ nhất kiếm tiền" và "Bí kíp kiếm tiền online". Huấn khai nhận nội dung sách là do cóp nhặt trên mạng xã hội, sau đó chỉnh sửa một số câu chữ̃ rồi gắn tên "Nhà xuất bản SG" vào bìa trang sách, đăng bán công khai trên mạng xã hội.
Đó là lý do mà ngày 3/7, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính Bùi Xuân Huấn 15 triệu đồng đối với hành vi "tự biên tập, xuất bản hai cuốn "Đệ nhất kiếm tiền" và "Bí kíp kinh doanh online" nhưng không có quyết định xuất bản của nhà xuất bản". Đồng thời, Bùi Xuân Huấn cũng bị phạt thêm 2,5 triệu đồng cho hành vi bán 2 cuốn "sách" nói trên khi không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Quyết định xử phạt cũng nêu rõ không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như thu giữ do người vi phạm đã tự tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.
Bùi Xuân Huấn được nhiều người biết đến với biệt danh "Huấn hoa hồng". Từ năm 2015 nhờ mạng xã hội, Huấn nhanh chóng trở thành một hiện tượng mạng nhờ những hình ảnh, video ăn chơi, khoe của, chửi bới kiểu giang hồ. Huấn cũng từng bị phát hiện sử dụng ma túy và buộc đi cai nghiện.
Văn hóa đọc đang đi về đâu?
Vào ngày 18/4/2019 Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng về "Ngày sách Việt Nam". Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, qua 30 năm phát triển kinh tế thị trường, tỷ lệ đọc sách của người dân Việt Nam ngày càng giảm.
Một khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách, và 26% hoàn toàn không đọc sách. Trong khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4 giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần… thì người Việt Nam trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần.
Hiện người Việt thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi năm nhưng trong đó 2,3 cuốn là sách giáo khoa, đồng nghĩa mỗi người mỗi năm chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách mỗi năm.
Trong khi những cuốn sách có giá trị chứa đựng tri thức rất dễ mua thì đa số bỏ qua, nhưng khi giang hồ mạng "Huấn hoa hồng" ra 2 sản phẩm trái phép thì nhiều người lại muốn tìm đọc. Thậm chí, nhiều người trẻ tỏ ý khen ngợi, tôn vinh "Huấn hoa hồng" như một nhà bác học, một tài năng. Và điều lạ lùng là nhiều người vẫn gọi 2 sản phẩm đó là 2 cuốn sách một cách rất chính danh, bất chấp các khái niệm, quy tắc.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Sách chứa đựng các giá trị văn hóa tinh thần thuộc các hình thái ý thức xã hội và nghệ thuật khác nhau… của các dân tộc khác nhau nhằm để lưu trữ, tích lũy, truyền bá trong xã hội.
Theo nhà văn Lưu Quốc Hòa, dù sách là khái niệm mở theo quan điểm mỗi người mỗi khác, nhưng giá trị chung của sách phải hướng con người đến chân – thiện – mĩ. Sách được gọi một cách chính danh, ngoài bảo đảm các quy định pháp luật thì còn phải có nội dung mang tính xây dựng, định hướng, truyền bá tri thức.
Cũng theo ông Hòa, sách được coi là một dạng tài liệu, nhưng không phải tài liệu nào cũng được gọi là sách. Nhiều người gọi sản phẩm của "Huấn hoa hồng" là sách, biểu hiện sự thiển cận, kém hiểu biết. Việc nhiều người (đa số giới trẻ) mong muốn tìm đọc sản phẩm này chứng tỏ lỗ hổng rất lớn, rất trái khoáy trong văn hóa đọc và văn hóa tiếp nhận tri thức.
"Sản phẩm "sách" của "Huấn hoa hồng" không phải là sách. Đó là "rác văn hóa", một thứ tài liệu cóp nhặt không có phân biệt đúng – sai, tốt – xấu. Một thứ rác tai hại có khả năng làm ô nhiễm xã hội, làm hỏng những ai chẳng may đọc phải". - Nhà văn Lưu Quốc Hòa