Kỷ niệm 200 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du: Nghệ thuật tả chân dung trong “Truyện Kiều”

GD&TĐ - Số lượng nhân vật trong Truyện Kiều - tiểu thuyết bằng thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du không nhiều. Những nhân vật chính trong truyện hiện lên sắc nét về diện mạo, đặc biệt là tính cách.

Một bức chân dung Thúy Kiều.
Một bức chân dung Thúy Kiều.

Tìm hiểu về nghệ thuật tả chân dung nhân vật của thi hào Nguyễn Du, chúng ta sẽ thấy được sự đa dạng của các thủ pháp nghệ thuật. 

Thông thường, khi tả chân dung, ta sẽ nghĩ ngay đến việc tả thực về hình dáng nhân vật. Tuy nhiên trong Truyện Kiều, Nguyễn Du sử dụng thủ pháp này rất hạn chế.

Nhân vật nam chính - Kim Trọng, được dùng nhiều từ thực nhất trong truyện nhưng không ai rõ diện mạo cụ thể như thế nào, chỉ phảng phất một người hình dáng văn nhân. Hình dáng văn nhân theo quan niệm xưa là người dong dỏng, thanh thoát, khăn áo gọn gàng. Theo trực giác, người gặp chỉ cảm nhận đó là người đẹp trai, có tài:

“Trông chừng thấy một văn nhân

Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng

Đề huề lưng túi gió trăng

Sau chân theo một vài thằng con con”.

Và:

“Nền phú hậu, bậc tài danh

Văn chương nết đất, thông minh tính trời

Phong tư tài mạo tót vời

Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”.

Tả thực rõ nhất về hình dáng nhân vật là Tú Bà:

“Thoắt trông nhờn nhợt màu da

Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao”.

Và một vẻ điệu đàng, bảnh chọe của Mã Giám Sinh:

“Quá niên trạc ngoại tứ tuần

Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”.

Thủ pháp nghệ thuật lấy thiên nhiên tả người được sử dụng không ít trong văn chương xưa. Với Nguyễn Du, cách ví von lại nhuần nhuyễn, không gượng gạo. Nhân vật nữ chính - Thúy Kiều và em gái Thúy Vân đều được tả theo cách này.

Đây là tả Thúy Vân:

“Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”.

Tưởng vẻ đẹp như thế đã là “cực đỉnh” rồi, nhưng  Nguyễn Du lại tự vượt qua cái khó do chính mình đặt ra để tạo nên một nàng Kiều tuyệt sắc:

“Kiều càng sắc sảo, mặn mà

So bề tài, sắc, lại là phần hơn

Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

Một, hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”.

Nguyễn Du cũng dùng thiên nhiên để tả chân dung ma Đạm Tiên. Một chân dung mờ ảo, thấp thoáng:

“Thoắt đâu thấy một tiểu kiều

Có chiều thanh vận, có chiều thanh tân

Sương in mặt, tuyết pha thân

Sen vàng lãng đãng như gần như xa”.

Thủ pháp được Nguyễn Du sử dụng đặc sắc nhất là dùng hành động và lời nói của nhân vật để tả chân dung. Một chân dung tuy không rõ diện mạo nhưng tính cách thì nổi bật, sắc nét. Chân dung Sở Khanh chủ yếu được tả bằng thủ pháp này. Đây là lời Sở Khanh khi gặp Kiều:

“Than ôi! sắc nước hương trời

Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây

Giá đành trong nguyệt trên mây,

Hoa sao, hoa khéo đọa đày bấy hoa

Tức gan riêng giận trời già

Lòng này ai tỏ cho ta, hỡi lòng

Thuyền quyên ví biết anh hùng,

Ra tay tháo cũi, sổ lồng như chơi”.

Hay:

“Nàng đà biết đến ta chăng

Bể trầm luân, lấp cho bằng mới thôi”.

Những lời nói “sắt đanh” của Sở Khanh như giọng điệu anh hùng cứu mỹ nhân. Nhưng đó chỉ là sự “bắt chước” lời của những kẻ quân tử như Kim Trọng, Từ Hải.

Nghe giọng điệu Sở Khanh, Kiều không phải đã tin hẳn, nhưng ở tình thế sa chân, nên đành nhắm mắt làm liều theo. Nhưng chỉ bằng một hành động “lẻn” trong ba lần dùng chữ chỉ hành động này đã lột tả được việc làm khuất tất không đàng hoàng của Sở Khanh:

“Rẽ song, đã thấy Sở Khanh lẻn vào”

“Thừa cơ lẻn bước ra đi”

“Cùng nhau lẻn bước xuống lầu”.

Và hành động “rẽ” ngang bỏ Kiều cho đám sai nha và Tú Bà vây bắt lại của Sở Khanh đã lột tả sự gian xảo của y:

“Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào”.

Nhưng con người đê tiện của Sở Khanh phải đến hành động ngày hôm sau mới lộ rõ. Nguyễn Du buột miệng xen lời bình nhân vật vào lời kể:

“Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào”.

Và bây giờ thì hành động và lời nói của Sở Khanh lộ rõ chân dung kẻ đê tiện:

“Sở Khanh lên tiếng rêu rao:

Rằng nghe mới có con nào ở đây

Phao cho quyến gió rủ mây

Hãy xem có biết mặt này là ai”.

Khi Kiều còn ngỡ ngàng vì hành vi nói năng này của Sở Khanh thì:

“Sở Khanh quắt mắng đùng đùng

Sấn vào, vừa rắp thị hùng ra tay”.

Không chịu được sự xảo trá đê tiện trâng tráo như vậy, Kiều vùng lên vạch mặt:

“Đem người giẩy xuống giếng khơi

Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay

Còn tiên tích việt ở tay

Rõ ràng mặt ấy, mặt này chứ ai?”.

Bị vạch mặt, Sở Khanh liền “chuồn”. Từ đó, danh từ “Sở Khanh” được dân gian dùng để chỉ những người đàn ông chuyên lọc lừa.

Vẻ ngoài “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” của  nhân vật Mã Giám Sinh cũng được thi hào Nguyễn Du lột tả bản chất qua hành động và lời nói. Giống như Sở Khanh, y cũng học cách “nhại lời” người quân tử:

“Mai sau dầu đến thế nào,

Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỉ thần”.

Nhưng chỉ một động từ “tót” rất thuần Việt trong câu: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, bản chất con người Mã Giám Sinh đã bộc lộ. Và hành động lột tả chất “con buôn” rất “ăn chắc” của y: “Cò kè bớt một thêm hai; Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”; “Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao”. Khi đã “mua” xong Kiều, mới sáng sớm, Mã Giám Sinh đã giục giã vội vàng ra đi. Và hành động điều khiển chiếc xe lộ rõ bản chất người điều khiển:

“Đùng đùng gió giục mây vần

Một xe trong cõi hồng trần như bay”.

Chân dung Tú Bà cũng được vẽ bằng hành động và lời nói. Khác với vẻ ngoài nho nhã, giọng điệu kẻ sĩ, Tú Bà lộ rõ kẻ buôn người lọc lõi. Chỉ chào được câu tử tế khi đón xuống xe, vào nhà ngay lập tức hành động đã khác:

“Cởi xiêm lột áo sỗ sàng

Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm”.

Rồi:

“Lễ xong hương hỏa gia đường

Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay

Dạy rằng: Con lạy mẹ đây

Lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia”.

Kiều ngơ ngác chưa hiểu, thì Tú Bà đã nổi xung:

“Con kia đã bán cho ta

Nhập ra phải cứ phép nhà tao đây”.

Rồi sấn sổ định đánh. Kiều liền rút dao tự tử. Tú Bà sợ mất món hàng quý. Khi Kiều tỉnh lại, Tú Bà ngọt nhạt, đưa đẩy vẻ tử tế:

Chân dung Thúy Vân qua tưởng tượng của một họa sĩ (tranh phải).
Chân dung Thúy Vân qua tưởng tượng của một họa sĩ (tranh phải).

“Một người dễ có mấy thân

Hoa xuân đương nhụy, ngày xuân còn dài

Cũng là lỡ một lầm hai

Đá vàng sao nỡ ép nài mưa mây

Lỡ chân trót đã vào đây

Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non

Người còn thì của hãy còn

Tìm nơi xứng đáng là con cái nhà

Làm chi tội báo oán gia

Thiệt mình mà hại đến ta hay gì”.

Thậm chí cũng leo lẻo thề thốt: “Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi” để xoa dịu Kiều. Nhưng cái vẻ “ngon ngọt” tử tế ấy chả được lâu đã trở lại cái vẻ sấn sổ: “Dang tay vùi liễu, giập hoa tơi bời” khi cùng Sở Khanh gài bẫy được Kiều. Khi Kiều đã quy phục thì hành động, ngôn từ mềm mại, lọc lõi qua hành động và lời nói truyền nghề:

“Này con thuộc lấy nằm lòng

Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề

Chơi cho liễu chán, hoa chê

Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời

Khi khóe hạnh, khi nét ngài

Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa”.

Chân dung Thúc Sinh - một người nho nhã, ham vui, ham vẻ đẹp của Kiều cũng được vẽ lên bằng hành động:

Sớm đào tối mận lân la

Trước còn trăng gió sau ra đá vàng”.

Và:

“Sinh càng một tỉnh mười mê

Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân”.

Rồi sâu đậm:

“Miệt mài trong cuộc truy hoan

Càng quen thuộc nết càng dan díu tình”.

Dẫn tới sự phóng túng:

“Thúc sinh quen thói bốc trời

Trăm nghìn đổ một trận cười như không”.

Dám chơi, nhưng Thúc Sinh không phải là người dám chịu. Hành động: “Những là e ấp dùng dằng; Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi” không dám tự thú với vợ (Hoạn Thư) của Thúc Sinh đã đẩy hai người vào tình cảnh bi đát.

Chân dung viên quan xử án do Thúc Ông kiện Kiều quyến rũ con trai Thúc Sinh được tả là “mặt sắt đen sì”. Hành động và lời nói cho thấy một vị quan như cái máy, rập khuôn theo luật, không có tình người:

“Suy trong tình trạng nguyên đơn

Bề nào thì cũng chưa yên bề nào

Phép công chiếu án luận vào

Có hai đường ấy muốn sao mặc mình

Một là cứ phép gia hình

Một là lại cứ lầu xanh phó về”.

Hoạn Bà - mẹ Hoạn Thư được Nguyễn Du tả bằng hành động và lời nói mang tính nhất quán. Ngoài hành động đánh đập, mắng chửi Kiều thậm tệ, chỉ một hành vi của lối sinh hoạt của Hoạn Bà, Nguyễn Du đã vẽ ra một mụ đàn bà vừa “gia trưởng” và tàn nhẫn:

“Ngước trông tòa rộng dãy dài

Thiên Quan Trủng Tể có bài treo trên

Ban ngày sáp thắp hai bên

Giữa giường thất bảo ngồi trên một bà”.

Chân dung vị Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến “kinh luân gồm tài”, được chính vua đặc sai tiêu diệt Từ Hải được vẽ bằng hành động và lời nói rất sống động. Hành động chiêu an thay vì nghênh chiến tưởng là của một người quân tử trọng xương máu quân lính, nhân dân:

“Đóng quân làm chước chiêu an

Ngọc vàng gấm vóc sai quan thuyết hàng

Lại riêng một lễ với nàng

Hai tên thể nữ ngọc vàng nghìn cân”.

Nhưng cái hành động “quyết kế thừa cơ”, “Lễ nghi dàn trước bác đồng phục sau” hãm hại Từ Hải và nghĩa quân của Hồ Tôn Hiến lại khiến người đời khinh bỉ, coi thường thay vì kính nể, trọng vọng. Cái giả nhân, giả nghĩa của Hồ Tôn Hiến bị bóc trần khi y:

“Bắt nàng thị yến dưới màn

Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu”.

Giết chồng người ta, rồi lại bắt người ta hầu rượu, hầu đàn mừng công, đêm lại dày vò thể xác người ta. Chưa hết, sự bỉ ổi của Hồ Tôn Hiến được đẩy lên mức cao hơn nữa khi:

“Công nha vừa buổi rạng ngày

Quyết tình Hồ mới đoán ngay một bài

Lệnh quan ai dám cãi lời

Ép tình mới gán cho người thổ quan”.

Ngoài Sở Khanh được nâng lên mức “điển hình”, nhân vật trong truyện Kiều còn có Hoạn Thư. Cũng như Sở Khanh, Hoạn Thư được tả bằng hành động và lời nói rất tài tình. Với người ở, Hoạn Thư tỏ rõ một người đàn bà quyền lực, tàn ác. Trước việc hai người mách tin chồng có thiếp mới, Hoạn Thư bèn:

“Vội vàng xuống lệnh ra uy

Đứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng”.

Và trấn an dư luận bằng hành vi:

“Buồng đào khuya sớm thảnh thơi

Ra vào một mực nói cười như không”.

Hoạn Thư lén nhờ mẹ là Hoạn Bà bắt Kiều đem về làm con ở. Hành động cố tình bắt Kiều phải hầu hạ đàn hát, rót rượu hầu vợ chồng mình của Hoạn Thư thể hiện cái ghen độc đáo tàn ác không giống ai. Thế nhưng, trước tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc bị Kiều báo thù thì Hoạn Thư lại giở giọng mềm dẻo, biện luận chặt chẽ khiến Kiều không thể ra tay trừng trị:

“Rằng: Tôi chút dạ đàn bà

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình

Nghĩ cho khi gác viết kinh

Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo

Lòng riêng riêng những kính yêu

Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai

Trót lòng gây việc chông gai

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?”.

Thủ pháp nghệ thuật nữa của thi hào được sử dụng hữu hiệu là tả chân dung nhân vật qua lời kể của nhân vật khác. Đây là chân dung Sở Khanh và Tú Bà nhưng qua lời kể của Mã Kiều:

“Thôi đà mắc lận thì thôi

Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh

Bạc tình, nổi tiếng lầu xanh

Một tay chôn biết mấy cành phù dung

Đà đào lập sẵn chước dùng

Lạ gì một cốt một đồng xưa nay

Có ba mươi lạng trao tay

Không dưng chi có chuyện này, trò kia”.

Còn Hoạn Thư qua lời của Kiều với người ở nhà Hoạn Thư:

“Bề ngoài thơn thớt nói cười

Mà trong nham hiểm giết người không dao”.

Hay người ở kể cho Kiều nghe Hoạn Thư đã rình ngoài cửa nghe Kiều và Thúc Sinh than thở, đau khổ:

“Hoa rằng: Bà đã đến lâu

Rón chân đứng nép độ đâu nửa giờ

Rành rành kẽ tóc chân tơ

Mấy lời nghe hết đã dư tỏ tường

Bao nhiêu đoạn khổ, tình thương

Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than

Ngăn tôi đứng lại một bên

Chán tai rồi mới bước lên trên lầu”.

Một thủ pháp nghệ thuật thông dụng của phương Đông khi tả chân dung là dùng những con vật linh để tả người vĩ đại, được người khác tôn thờ, yêu kính. Trong truyện Kiều, duy nhất Từ Hải được tả theo thủ pháp này:

“Râu hùm, hàm én, mày ngài

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”.

Và hành động trọng nghĩa, quyết đoán:

“Từ Công nghe nói thủy chung

Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang

Nghiêm quân tuyển tướng sẵn sàng

Dưới cờ một lệnh vội vàng ruổi sao

Ba quân chỉ ngọn cờ đào

Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri

Mấy người phụ bạc xưa kia

Chiếu danh tầm nã bắt về hỏi tra”.

Cũng dùng loài vật để tả chân dung nhân vật, nhưng khác với vật linh là vật được coi là xấu, là gây hại cho con người. Đó là bọn sai nha:

“Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao

Người nách thước, kẻ tay đao

Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”.

Và:

“Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh

Rụng rời khung dệt, tan tành gói may

Đồ tế nhuyễn, của riêng tây

Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”.

Những thủ pháp nghệ thuật tả chân dung kể trên, trong Văn học trung đại, không ít tác giả đã sử dụng. Tuy nhiên, cái vượt trội của Nguyễn Du lên hơn tất cả là ở việc sử dụng ngôn ngữ thuần Việt một cách nhuần nhuyễn, rất dân gian nhưng lại bác học.

Các câu thơ vừa mượn tục ngữ, thành ngữ, tục ngữ dân gian, lại vừa mang trong nó những điển cố văn học. Vì vậy, những chân dung trong truyện rất sống động, nhưng lại không cụ thể hình hài. Chính cái không bó buộc hình hài trong tả chân dung đó đã làm người đọc liên tưởng rộng rãi. Thiên tài của Nguyễn Du là ở chỗ đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ