Làm nông nghiệp thông minh, đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân

GD&TĐ - Thời gian qua, một số hợp tác xã (HTX) ở Đồng Tháp đã quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển SX lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây được xem là hướng đi thích hợp để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản.

Mô hình canh tác lúa lý tưởng tại HTX DVNN Mỹ Đông 2.
Mô hình canh tác lúa lý tưởng tại HTX DVNN Mỹ Đông 2.

Điển hình trong số đó là HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp).

Thành lập từ năm 2013, HTX DVNN Mỹ Đông 2 có 108 thành viên, diện tích sản xuất khoảng 570ha. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đưa ra, HTX Mỹ Đông 2 từng bước xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị SX lúa gạo theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân.

Đặc biệt, để cải tiến quy trình SX lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, vụ đông xuân năm 2017 - 2018 HTX phối hợp với công ty Rynan Fertilizers (Trà Vinh) thực hiện thí điểm mô hình sản xuất lúa thông minh trên diện tích 7,6ha. Đây là mô hình canh tác lúa thông minh, có sử dụng máy cấy 3 trong 1 giúp tiết kiệm chi phí, cùng với đó là trang bị hệ thống cảm ứng mực nước thông minh để giúp nông dân theo dõi mực nước cần sử dụng cho lúa.  

Ưu điểm của mô hình này là sử dụng phân bón thông minh chỉ bón duy nhất 1 lần/vụ và sử dụng loại máy cấy hiện đại có chức năng cùng lúc thực hiện 3 công đoạn: cấy lúa, bón phân và phun thuốc diệt cỏ, diệt ốc nên tiết kiệm được nhiều khoản chi phí về phân bón, thuốc BVTV và nhân công.

Song song đó, hệ thống quản lý mực nước tự động qua hệ thống cảm biến được điều khiển bằng điện thoại thông minh. Bằng hình thức này, nông dân có thể chủ động mực nước mọi lúc, mọi nơi bất cứ lúc nào khi cần. Từ đó, giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí về giống, phân bón, thuốc BVTV, giảm lượng nước tưới, giảm nhân công và giảm khí nhà kính.

Đa số thành viên HTX đều rất phấn khởi và cho rằng sản xuất lúa thông minh không khó thực hiện. Ông Nguyễn Văn Mai, ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười là một trong những nông dân mạnh dạn tham gia theo mô hình canh tác lúa thông minh cho biết: Thấy mô hình canh tác lúa lý tưởng của công ty Rynan mang lại hiệu quả, tôi dành riêng 1,5ha để thí điểm việc ứng dụng phân bón thông minh (phân chậm tan).

Trang bị hệ thống cảm ứng mực nước thông minh trên điện thoại để giúp nông dân theo dõi mực nước cần sử dụng cho lúa.
Trang bị hệ thống cảm ứng mực nước thông minh trên điện thoại để giúp nông dân theo dõi mực nước cần sử dụng cho lúa.

Ưu điểm của việc SX theo mô hình này là tiết kiệm được chi phí đầu vào nên giảm được một phần chi phí SX. Cụ thể, nếu như thông thường phải bón phân ít nhất 5 lần/vụ, thì khi sử dụng phân bón thông minh chỉ bón duy nhất 1 lần/vụ, sau đó phân tan chậm theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa.

Ông Mai nói: “Làm lúa bình thường, chỉ riêng tiền thuê nhân công bón phân đã mất 150.000 đồng/công/vụ, lượng phân sử dụng từ 50 - 60kg/công/vụ… Trong khi dùng phân bón thông minh thì số lượng phân sử dụng chỉ 37,5kg/công/vụ và tiết kiệm được chi phí thuê nhân công. Năng suất lúa cả 2 mô hình gần tương đương nhau, nhưng chất lượng lúa sử dụng phân bón thông minh thì hơn hẳn”.  

Theo tính toán, bón phân 1 lần nên chi phí đầu tư thấp hơn phương thức SX truyền thống. Trung bình tiết kiệm được 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất.

SX lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu là cách làm hiệu quả trong SX lúa, giúp nông dân có cơ hội tham gia, nhằm tăng sản lượng gạo sạch cung ứng cho thị trường. Đồng thời, giúp nông dân thay đổi nhận thức canh tác theo kiểu truyền thống và tạo thói quen sản xuất giá trị lúa gạo theo chuỗi, sắp xếp lao động theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương. Mô hình canh tác lúa lý tưởng đã mở ra cơ hội, điều kiện để phát triển lúa có hiệu và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

Theo phòng NN&PTNT huyện Tháp Mười, mô hình canh tác lúa lý tưởng tại HTX DVNN Mỹ Đông 2 rất hiệu quả, mô hình canh tác lúa lý tưởng có thể giúp nông dân giảm gần 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất, cùng với đó là giảm được 50% lượng khí thải nhà kính. Để mở rộng mô hình này, thời gian tới, Phòng nông nghiệp huyện Tháp Mười sẽ tiếp tục hỗ trợ cho HTX thực hiện theo quy trình SX lúa lý tưởng, từng bước giúp HTX xây dựng thương hiệu lúa, gạo cho HTX Mỹ Đông 2 nói riêng và huyện Tháp Mười nói chung...

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ