Làm mới tiết sinh hoạt lớp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong tiết sinh hoạt lớp, giáo viên sẽ lồng ghép để tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Giáo viên dự giờ một buổi sinh hoạt lớp và chia sẻ với học sinh về vấn đề bạo lực học đường.
Giáo viên dự giờ một buổi sinh hoạt lớp và chia sẻ với học sinh về vấn đề bạo lực học đường.

Đây là thay đổi được Trường THPT Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) áp dụng thời gian qua, góp phần nâng cao chất lượng các tiết sinh hoạt, tạo hứng thú cho học sinh.

Đổi mới hình thức sinh hoạt

Sinh hoạt lớp là tiết học quan trọng của hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, trước đây, sinh hoạt lớp được tổ chức khá cứng nhắc, học sinh thường chỉ nghe giáo viên chủ nhiệm, cũng như ban cán sự lớp nhận xét. Một số em mắc khuyết điểm trong tuần còn bị đưa ra phê bình trước lớp, tạo tâm lý sợ hãi, nhàm chán.

Tại Trường THPT Hướng Hóa, các tiết sinh hoạt cuối tuần ở các lớp đã thay đổi và được tổ chức với hình thức đa dạng, tạo sự thoải mái và hứng thú cho học sinh. Bên cạnh nhận xét, đánh giá công việc tuần trước, triển khai kế hoạch tuần mới, giáo viên chủ nhiệm và đội ngũ ban cán sự lớp đã kết hợp nhiều hoạt động: Trò chơi, diễn đàn đối thoại, văn hóa văn nghệ, tư vấn hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống… phù hợp chủ đề từng tháng.

Những hoạt động trên đã phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ ban cán sự lớp, đồng thời là cơ hội để các thành viên trong lớp tự tin thể hiện năng lực bản thân.

Nguyễn Từ Vũ Dũng, học sinh lớp 12A6, Trường THPT Hướng Hóa chia sẻ: “Những năm trước, tại các buổi sinh hoạt lớp chủ yếu đánh giá về thành tích học tập, rồi triển khai kế hoạch tuần tới. Sinh hoạt theo hình thức như vậy khiến nhiều học sinh lo lắng. Thậm chí, một số bạn mắc khuyết điểm có tâm lý buồn chán, e ngại, sợ tham gia tiết sinh hoạt. Tuy nhiên, năm học này, hình thức sinh hoạt lớp có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn”.

Theo em Dũng, tiết sinh hoạt do lớp chủ động tổ chức dựa trên những nội dung, chủ đề cô giáo đưa ra. Hình thức sinh hoạt như vậy sẽ giúp học sinh tự tin thể hiện khả năng của mình. “Qua chủ đề được giao, chúng em có cơ hội trình bày quan điểm, suy nghĩ của riêng mình. Do đó, tiết sinh hoạt tạo được sự tương tác, gắn kết với nhau nhiều hơn”, em Dũng cho hay.

Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A9 (Trường THPT Hướng Hóa) cho biết, vào tiết sinh hoạt cuối giờ, hoặc cuối tuần, giáo viên sẽ định hướng các hoạt động trên cơ sở chủ đề của từng tháng theo phân phối chương trình để học sinh tự tổ chức hoạt động của lớp. Điều này giúp học trò chủ động hơn, hình thành những kỹ năng cần thiết. Phần đánh giá, nhận xét được rút gọn nội dung với thời gian ngắn hơn để tổ chức hoạt động khác. Những học sinh mắc khuyết điểm sẽ được cô giáo trao đổi riêng.

“Với học sinh khối 12, trong tiết sinh hoạt giáo viên sẽ lồng ghép định hướng nghề nghiệp. Ngoài ra, trong tiết sinh hoạt có thể lồng ghép nhiều nội dung khác, như khơi gợi tình yêu đọc sách, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống thường gặp trong cuộc sống... Thay đổi hình thức tổ chức tiết sinh hoạt giúp học sinh hứng thú và tăng tính gắn kết hơn. Với những chủ đề giáo viên đưa ra, học sinh tham gia rất nhiệt tình, đôi khi có đề xuất táo bạo”, cô Huyền cho hay.

Tiết sinh hoạt lớp của học sinh Trường THPT Hướng Hóa.

Tiết sinh hoạt lớp của học sinh Trường THPT Hướng Hóa.

Lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6 cho biết, hai năm gần đây, nhà trường thay đổi phương pháp giáo dục theo hướng chú trọng phát triển kỹ năng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đặc biệt, với khối 12 thì quan trọng nhất là tư vấn định hướng nghề nghiệp cho các em.

Bám sát nội dung chỉ đạo của nhà trường, trong tiết sinh hoạt, giáo viên định hướng cho học sinh cách thức ôn thi tốt nghiệp, cung cấp thông tin về xu hướng nghề nghiệp hiện nay. Với hoạt động hướng nghiệp, giáo viên có thể gợi ý cho học sinh trình bày ước mơ của mình; hướng nghiệp dựa vào năng lực, điều kiện gia đình.

Tại một số tiết sinh hoạt, tùy theo chủ đề của từng tháng, giai đoạn để định hướng cho các em. Có thể, tuyên truyền theo chủ đề “nóng” đang được dư luận quan tâm: Bạo lực học đường, ma túy, nghiện game... Từ những vấn đề thực tế, giáo viên tổ chức cho các lớp thảo luận, học sinh nêu quan điểm của mình. Sau đó, thầy cô định hướng để các em có nhận thức đúng, biết cách ứng xử khi phải đối diện.

Chia sẻ việc thay đổi hình thức sinh hoạt lớp, thầy Hiệu trưởng Lê Chí Thông nhìn nhận: Tiết sinh hoạt cuối tuần ở các lớp được tổ chức với hình thức đa dạng, phong phú, qua đó phát huy hiệu quả tích cực. Ban Giám hiệu, Ban Thường vụ Đoàn trường và thầy cô đã tiến hành thăm lớp, dự giờ các tiết sinh hoạt cuối tuần, hoạt động trải nghiệm ở 28 lớp trong toàn trường. Ở mỗi lớp, thầy cô giáo đã chia sẻ, trao đổi, quán triệt học sinh về ý thức kỷ luật, thực hiện tốt quy định của nhà trường, tham gia giao thông đúng luật, an toàn, tránh xa bạo lực học đường và tệ nạn xã hội.

Đây là hoạt động cần thiết để nhà trường kiểm tra tình hình học tập, nền nếp của học sinh; nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các em khi học tập, sinh hoạt tại trường. Đồng thời, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của giáo viên chủ nhiệm khi luôn theo sát, quản lý và đồng hành cùng học sinh. Từ đó có giải pháp cụ thể, động viên, khuyến khích, uốn nắn kịp thời đối với các trường hợp đặc biệt.

“Sinh hoạt lớp được đổi mới hoàn toàn so với hình thức thiên về đánh giá, nhận xét trước đây. Bên cạnh đó, giáo viên chú trọng rèn luyện kỹ năng, đạo đức và giá trị sống cho học sinh”, cô Nguyễn Thị Thu Hà cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ