Làm gì khi trẻ nói dối?

GD&TĐ - Tùy vào độ tuổi mà trẻ sẽ nói dối với các cấp độ khác nhau. Đa phần những lời nói dối của trẻ nhỏ thường vô hại, nhưng có những lời nói dối có thể gây mất đoàn kết, gây mâu thuẫn. Vậy, chúng ta phải ngăn chặn việc trẻ nói dối như thế nào?

Làm gì khi trẻ nói dối?
Trẻ thường nói dối vì sợ bị cha mẹ trách phạt.
Khi trẻ nói dối như thật
Bé Thỏ nhà chị Hiền năm nay 3 tuổi. Một hôm, đi học về bé, Thỏ kể với mẹ rằng ở lớp cô xúc cháo nhanh quá, bé ăn không kịp nên bị trớ ra áo. Chị Hiền kiểm tra thì đúng là có vết ố mờ trên áo con, nhưng chị không nghĩ là con phải nhờ đến cô xúc ăn vì ở nhà từ lúc 2 tuổi bé đã tự xúc được, tuy chưa khéo léo, còn vương vãi nhưng rất hiếm khi con bị nôn trớ (trừ khi viêm họng).
Trấn tĩnh, chị Hiền hỏi con bị trớ cháo bữa trưa hay xế chiều. Con bảo ngủ dậy ăn cháo thì bị trớ. Thay vì lập tức gọi điện cho cô giáo để làm cho ra nhẽ, chị Hiền “thử” con. Chị bảo: 
- Lúc 2-3h chiều nay, mẹ có quan sát camera lớp học, thấy con ăn ngoan đâu có bị trớ. Thế là sao nhỉ?
Con bé khự nự:
- Hay là camera quay các bạn khác không quay mặt con mẹ nhỉ?
- Ồ không, mẹ nhìn thấy cả lớp mà.
Có vẻ không thể qua được mắt mẹ, Thỏ thành thật: 
- Con nói thế… để mẹ thương con... Ở lớp, bạn nào mà ăn bị trớ khi bố mẹ đến đón đều yêu thương vỗ vễ. Bạn Tũn còn được mẹ mua cho kẹo mút…
- Con muốn ăn kẹo mút có phải không?
Thỏ gật đầu lia lịa. Hóa ra chỉ vì muốn ăn kẹo mút mà cô nàng dựng lên cả một câu chuyện như thật, nhưng may chị Hiền tỉnh táo không “mắc bẫy” của cô bé 3 tuổi lém lỉnh.
Câu chuyện ở đây cho thấy việc bé Thỏ nói dối chỉ vì bé muốn được mẹ quan tâm hơn và nghĩ rằng, con trớ cháo đói bụng sẽ mua cho con một thứ gì đó để bù lại như kẹo mút chẳng hạn. Nhưng nếu trong trường hợp này, chị Hiền tin lời con nói và không kiểm chứng thì rất có thể gây ra hiểu lầm với cô giáo của con và làm cho mối quan hệ phụ huynh và nhà trường xấu đi.
Ngày xưa, các cụ vẫn có câu, “trẻ con không biết nói dối”, quả đúng là có nhiều chuyện trẻ em không biết nói dối, không biết cách che giấu sự thật nhưng đôi khi, chúng nói dối “thành thần” và nếu bạn không tỉnh táo thì chắc chắc sẽ mắc bẫy của chúng.
Làm gì khi trẻ nói dối? ảnh 2
Khi trẻ nói dối, cha mẹ hãy tập trung vào việc tìm kiếm các giải pháp để giải quyết vấn đề thay vì chỉ trích và đổ lỗi.
Ứng phó với những lời nói dối của trẻ
Trong cuộc sống hàng ngày, sẽ có vô vàn lần trẻ nói dối cha mẹ. Đa phần trẻ nói dối vì sợ bị cha mẹ trách phạt. Ví dụ, trẻ đi học bị điểm kém nhưng lại nói tăng số điểm lên hoặc lờ đi coi như chưa từng có bài kiểm tra đó. Trẻ làm hỏng, làm đổ vỡ đồ chơi hay đồ dùng trong gia đình nhưng lại đổ cho người khác. Trẻ đánh em khóc nhưng khi mẹ hỏi lại không chịu thừa nhận việc mình làm…
Theo thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà, Khoa tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM: Thói quen nói dối của con trẻ có thể bắt nguồn từ việc bé chịu áp lực và sợ bị phạt nếu không đáp ứng đúng yêu cầu cao của cha mẹ. Sự chê bai hay giễu cợt của cha mẹ chất lên người bé một gánh nặng buộc phải nghĩ cách luôn nói dối”.
Và đôi khi, trẻ nói dối chỉ để thu hút sự quan tâm của người khác (như trường hợp bé Thỏ kể trên chẳng hạn), hoặc vì trẻ tin rằng điều mình đang nói là sự thật. Ví dụ, trước bữa ăn cơm, người mẹ hỏi: Con rửa tay chưa? Trẻ trả lời: Rồi ạ. Quả thực là trẻ đã rửa tay rồi nhưng có thể đó là từ lúc đi học về, hoặc có khi từ sáng. Trẻ không quan tâm đến thời điểm sự việc xảy ra mà chỉ quan tâm đến hành động, hành động ấy trẻ đã làm rồi. 
Quan sát cử chỉ và điệu bộ của trẻ có thể giúp bạn nhận biết trẻ đang nói thật hay nói dối. Tiến sĩ, bác sĩ tâm lý Burton White cho biết: “Khi bạn để ý thấy miệng trẻ có một đường cong ở khóe, chứ không phải là một nụ cười tròn trịa, thì rất có thể bé đã làm sai điều gì đó hoặc đang che giấu một sự thật”. (Điều này thường bắt đầu khi trẻ lên 3 tuổi).
Khi trẻ nói dối với trạng thái mất bình tĩnh hoặc nóng giận, cha mẹ không nên truy cứu đến cùng sự việc. Để trẻ bình tâm lại rồi mới hỏi con đầu đuôi sự tình. Hãy động viên con nói ra sự thật hoặc dùng các phép thử để kiểm chứng lời con nói một cách khéo léo.
Nên tập trung vào việc giải quyết vấn đề khi trẻ nói dối thay vì trừng phạt một cách nghiêm khắc. Ví dụ, trẻ nói dối khi bị điểm kém. Gốc rễ vấn đề ở đây là do trẻ học chưa tốt, cha mẹ nên kèm cặp trẻ học hành tiến bộ hơn. Trừng phạt có thể khiến cho trẻ lần sau sẽ không dám nói dối nữa, nhưng kết quả học tập vẫn không thể thay đổi được. 
Và điều quan trọng hơn cả là cha mẹ cần phải làm gương cho trẻ, chỉ cần trẻ nghe thấy cha mẹ nói dối 1-2 lần, chúng sẽ bắt chước và vin vào đó để bao biện cho hành động sai trái của mình.
Ví dụ, bạn không muốn đến một cuộc tụ tập bạn bè vì biết kiểu gì cũng phải nhậu nhẹt, mất thời gian nên nói dối là hôm nay phải đưa cả gia đình về bên nhà ngoại có việc. Đó là một lời nói dối hoàn toàn vô hại và nó cần thiết để bạn có thể tìm được một lý do chính đáng từ chối cuộc nhậu, nhưng đừng dại nói điều đó trước mặt con.
Một ví dụ khác, bạn hứa sẽ đưa con đi chơi công viên vào cuối tuần nhưng công việc cuốn đi và bạn quên béng mất. Bạn chỉ nghĩ đơn giản là do mình bận rộn quá nên chưa đưa con đi chơi được, nhưng với trẻ đó là một lời nói dối.
Nếu hành động này lặp đi lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ không còn tin lời bạn, bạn sẽ bị mất điểm trong mắt con. Tốt nhất, chỉ hứa với con những gì bạn chắc chắn làm được, nếu không làm được hoặc chưa làm được, bạn cần đính chính thông tin hoặc xin lỗi con đàng hoàng để trẻ không cảm thấy bị lừa dối.
Theo gia đình và trẻ em

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ