Siêu bảo mẫu’ nước Mỹ chỉ ra 7 điều để trẻ nghe lời mà không cần dùng hình phạt

GD&TĐ - Chuyên gia tâm lý Jo Frost cho rằng, chìa khóa của việc giáo dục trẻ là giao tiếp chứ không phải áp đặt kỷ luật.

Siêu bảo mẫu’ nước Mỹ chỉ ra 7 điều để trẻ nghe lời mà không cần dùng hình phạt

Jo Frost cùng chương trình truyền hình thực tế của riêng cô mang tên Supernanny, vốn rất nổi tiếng ở Mỹ. Trong đó, chuyên gia tâm lý trẻ em Jo Frost hướng dẫn các bố mẹ cách giải quyết những băn khoăn có thể gặp phải khi nuôi dạy con từ những năm tháng đầu đời.

Trong một cuộc trò chuyện trực tuyến với Huffington Post UK Parent, Jo Frost đã chỉ ra những sai lầm phổ biến của phụ huynh khi áp dụng kỷ luật với con cái. Điều này ngược trở lại có thể ảnh hưởng tới tâm lý và khuôn mẫu hành vi của trẻ. Cô tiết lộ rằng vấn đề lớn nhất của cha mẹ khi phạt con là “tính áp đặt”.

Mặc dù Jo cho rằng không ai trong chúng ta thích kỷ luật con, cô nhận thấy nhiều bậc cha mẹ có cách tiếp cận sai lầm để khuyến khích hành vi tốt ở trẻ. Cô nói: “Cha mẹ có thể chấm dứt việc đặt ra các quy tắc để kiểm soát trẻ em và đưa ra hậu quả, kỷ luật không chính đáng. Các biện pháp kỷ luật của phụ huynh không khuyến khích trẻ tự tin và giao tiếp tốt hơn”.

4

Jo tiếp tục giải thích: “Nhiều lần tôi nói với các bậc cha mẹ: ‘Tại sao bạn phạt con chỉ bởi vì bạn yêu cầu con đi ra khỏi chiếc ghế sofa mà chúng không làm?’. Đó là vấn đề về giáo dục chúng và phát triển kỹ năng giao tiếp của chúng hơn là chỉ đưa ra mệnh lệnh”.

Vì vậy, theo chuyên gia tâm lý nổi tiếng của Mỹ, áp đặt kỷ luật là không cần thiết, giao tiếp mới chính là chìa khóa. Tuy nhiên, việc nuôi dạy con cái không phải là việc có “hướng dẫn sử dụng” nên bố mẹ cũng sẽ hoàn thiện dần theo từng bước lớn khôn của con. Nhưng nếu một lúc nào đó bạn cảm thấy bị “lạc đường” trên cuộc hành trình “trồng người” thì những điều dưới đây của chuyên gia tâm lý Jo có thể trở nên hữu ích.

– Hãy là những tấm gương tốt: Trẻ em học rất nhiều từ bố mẹ và người sống cùng chúng mỗi ngày. Vì vậy, nếu chúng được nhìn thấy sự tử tế, tôn trọng và nhẹ nhàng ở nhà, chúng sẽ có xu hướng làm theo những giá trị này.

– Giữ sự kỳ vọng của bạn trong tầm kiểm soát: Con của bạn liên tục học hỏi về thế giới, do đó chúng có thể làm những điều bạn không thích hoặc không an toàn trước khi chúng nhận ra sự khác biệt thật sự giữa đúng và sai. Việc chấp nhận một vài trở ngại dọc đường sẽ làm cho mọi thứ dễ dàng hơn.

– Hiểu được tính cách của con: Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt và có thể cần đến mức độ hướng dẫn/kỷ luật khác nhau cho phù hợp với tính cách của chúng. Ví dụ, một đứa trẻ hiếu động và cứng đầu sẽ yêu cầu cách tiếp cận hoàn toàn khác với đứa trẻ nhút nhát.

– Hãy suy nghĩ về các nhu cầu đằng sau hành vi: Chẳng hạn như khi chúng nhảy trên ghế, chúng cần đốt cháy một số năng lượng, hoặc chúng cần gây sự chú ý với bạn bởi vì bạn đang mải dùng điện thoại mà chúng thì chán nản.

– Đi đến tận gốc rễ của nguyên nhân: Trong gia đình gần đây có sự thay đổi không? Có phải con có thêm em hay bạn vừa chuyển nhà?… Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến hành vi của con bạn. Khi nhận ra những điều này, bạn sẽ trang bị cho mình nhiều “chiến lược” giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn.

– Giúp con bày tỏ cảm xúc: Khuyến khích giao tiếp giữa tất cả các thành viên trong gia đình sẽ giúp con bạn học cách thể hiện/chia sẻ cảm xúc của mình. Điều này rất hữu ích cho những đứa trẻ lớn hơn và ở độ tuổi thanh thiếu niên (khi chúng có xu hướng “đóng băng” cảm xúc của mình). Việc thừa nhận sự giận dữ của con cũng có thể giúp chúng được giải phóng khỏi những khó chịu trước khi biến thành cơn thịnh nộ.

– Sử dụng những thử thách để vượt qua hành vi khôn lanh: Nếu con bạn không thích mặc quần áo, hãy nói với chúng rằng: “Mẹ cá là con không thể mặc đồ dưới 3 phút”. Tương tự như vậy, nếu chúng ghét đánh răng, bạn chỉ cần thử thách con với “cuộc đua làm sạch răng” và ai thắng (tất nhiên là con của bạn) sẽ nhận được một miếng dán để dán vào bảng khen thưởng.

Theo Phụ nữ ngày nay / Ngôi sao

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.