Mặt khác, từ đây học sinh sẽ có thêm cơ hội được thực hành kiến thức học trên lớp, phát triển tối đa khả năng cá nhân trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, để hoạt động đúng tính năng, phát huy hiệu quả… đòi hỏi sự kết hợp quản lý sát sao giữa nhà trường và phụ huynh.
Hỗ trợ dạy và học chính khóa
Nếu được vận hành có đường hướng, hiệu quả thì mô hình câu lạc bộ đã và đang nhận được sự đánh giá tích cực của cán bộ quản lý và giáo viên các nhà trường. Nhiều ích lợi cho hoạt động giáo dục có thể nhìn thấy từ mô hình CLB trường học như: Cung cấp kiến thức văn hóa, kiến thức xã hội và đặc biệt trở thành nơi rèn luyện kĩ năng sống, thực hành lại nhiều lý thuyết đã học trên lớp cho học sinh ngoài giờ học.
Một số mô hình CLB trong nhà trường như: CLB chữ thập đỏ, CLB vị thành niên, CLB bạn trai bạn gái, CLB giúp đỡ bạn nghèo... với hình thức sinh hoạt phù hợp, được tổ chức trong năm học lẫn khi nghỉ hè, chính khóa và ngoại khóa đã tạo cho học sinh nhiều sân chơi kiến thức phong phú, bổ ích.
Học sinh thông qua các sân chơi này đã được giao lưu, trao đổi, chia sẻ… và thêm hiểu biết. Sẽ là thiếu đi một hình thức, phương pháp giáo dục nhẹ nhàng hiệu quả khi hầu hết học sinh khi bước vào độ tuổi mới lớn, tuổi bắt đầu trưởng – lứa tuổi muốn được khẳng định và thể hiện chính mình nên cần thiết những phương pháp giáo dục trực tiếp, gần gũi. Khi các em khao khát khám phá năng lực của bản thân và phát huy ngoài xã hội bao nhiêu thì mô hình câu lạc bộ sẽ vừa nơi để các em thực hiện và gửi gắm mong muốn đó.
Thông qua sinh hoạt CLB, nhà trường có thể mang đến cho học sinh nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong cuộc sống, học tập, các kỹ năng giao tiếp, các vấn đề của giới nam và nữ, các vấn đề của tuổi vị thành niên, về giới tính, tình yêu, tình bạn, cách ứng xử giữa bạn bè và trong gia đình. Không bị gò bó và được phát huy sự độc lập tự chủ sẽ giúp học sinh dễ dàng bầy tỏ, chia sẻ với nhau nhiều vấn đề trong cuộc sống mà hàng ngày bố mẹ vì thiếu thời gian, phương pháp, kiến thức mà không thể chia sẻ hoặc chính bản thân các em cảm thấy khó nói với cha mẹ, thầy cô giáo.
Mỗi nội dung, hình thức mà các CLB lựa chọn sẽ mang đến những thông điệp khác nhau cho học sinh. Các em có thể lựa chọn lĩnh vực mình quan tâm, muốn khám phá, hiểu biết thêm. Ví như khi tham gia sinh hoạt trong CLB chữ thập đỏ, an toàn tuổi học đường học sinh được nghe và trang bị các kiến thức cơ bản về giao thông, tệ nạn xã hội.
Các em được thực hành trực tiếp như những công an, bác sĩ khi thực thi nhiệm vụ ngoài xã hội, trong bệnh viện. Thực tế sẽ giúp các em biết được những kĩ năng cơ bản như: Sơ cứu, băng bó vết thương, cầm máu, cứu hỏa, cứu người bị nạn, và thoát thân khi gặp đám cháy.
Được thực hành thực tế sẽ giúp các em hoàn toàn có thể thao tác xử lý nhanh những tình huống diễn ra trong cuộc sống. Các em không chỉ có được những kỹ năng toàn diện nhất để tự bảo vệ cho bản thân, bạn bè, gia đình... mà có sự mạnh dạn, tự tin nhất định bước vào cuộc sống trong tương lai.
Hiện nay, tại nhiều trường phổ thông mô hình CLB đảm nhiệm tư vấn tâm lý, kĩ năng sống đã thể hiện và khẳng định tốt vai trò. Bước vào tuổi mới lớn, cuộc sống với nhiều điều mới lạ hấp dẫn kích thích sự khám phá đang mở ra trước mắt học sinh. Những tình huống tế nhị, tâm sự thầm kín khó xử cần sự tư vấn giải đáp hợp lý tức thì của các em sẽ tìm được chỗ để gửi gắm những câu hỏi, kiến thức đó.
Có thể khẳng định với phương pháp, hình thức giáo dục hiệu quả thông qua mô hình CLB trường học đã giúp ích rất nhiều trong việc bổ trợ các hoạt động giáo dục chính khóa. Giúp cho học sinh được trao đổi, tâm sự, có thêm kiến thức… để từ đây các em sẽ biết cách sống thân thiện, cởi mở, biết bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình cộng đồng, nhiều kiến thức áp dụng trực tiếp vào thực tế tại nơi sống. Tuy nhiên, vẫn còn những trường học thiếu hoặc hoạt động lấy lệ mô hình CLB. Điều đó khiến việc giáo dục toàn diện cho học sinh gặp nhiều hạn chế.
Không để biến tướng
Lợi ích thì quá rõ ràng và dễ dàng nhìn thấy song điều đáng cảnh báo từ hoạt động câu lạc bộ học đường đó là cần thiết phải có sự quản lý sát sao, sự quan tâm đầu tư có chiều sâu cho các hoạt động CLB.
Nếu các nhà trường xem nhẹ quản lý, vận hành không theo đúng nguyên tắc mục đích, học sinh khi tham gia không tìm hiểu hết chức năng thì chắc chắn không phát huy tác dụng. Thậm chí, đã có học sinh mê mải với các hoạt động luyện tập câu lạc bộ mà ảnh hưởng tới thời gian học tập.
Có học sinh lợi dụng việc học ngoại khóa này để không phải ở nhà, biến thành giờ vui chơi, hẹn hò nói chuyện với bạn bè để lảng tránh sự quản lý của gia đình.
Chính vì vậy, lời khuyên từ các thầy cô đối với học sinh khi tham gia vào câu lạc bộ đó là dù giúp ích đến đâu thì việc học tập cũng phải được đặt lên hàng đầu. Các em cần tự giác và tìm được giá trị đích thực khi tham gia.
Đừng để việc tham gia làm chểnh mảng việc học. Nếu quá tả quá hữu với các hoạt động câu lạc bộ thì CLB đã vô tình góp phần làm ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh. Học sinh cần biết kết hơp việc học tập và tham gia CLB một cách hợp lý để không chỉ có kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực mà còn trở thành người năng động, tích cực.
Tham gia hoạt động câu lạc bộ học đường cũng được các trường học khẳng định là hoàn toàn tự nguyện, tuy vậy mỗi học sinh không nên lạm dụng mà chỉ nên tham gia không quá 2 câu lạc bộ tại trường để tránh ảnh hưởng tới thời gian học tập ngoài giờ lên lớp.
Đối với các nhà trường, để giúp hoạt động của các CLB đạt được hiệu quả cao, tạo niềm tin với học sinh và cha mẹ cần nhất định hành đúng nguyên tắc mục đích. Nhà trường, thầy cô phụ trách trực tiếp cần xây dựng nên các nội dung chương trình hoạt động phù hợp với từng lứa tuổi. Mặt khác, bên cạnh khuyến khích tham gia cũng cần cảnh báo, phân tích đến học sinh tác hại khi các em thiếu tự giác, không có được lịch trình sinh hoạt và học tập phù hợp.
Vào những thời điểm thích hợp nhà trường cần có sự kiểm tra đánh giá lại kiến thức, kĩ năng mà các em thu được từ mô hình CLB trường học. Cần đánh giá và rút ra những vấn đề các em cần, quan tâm để tiếp tục đưa ra nhiều phương hướng giáo dục hiệu quả cho hình thức câu lạc bộ.