Bất cập trong xử lý
Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác thải nhựa được đổ ra đại dương. Việt Nam hiện đang đứng thứ 17/109 quốc gia về lượng phát thải nhựa phát sinh hằng năm.
Tại Hội thảo khoa học “Không để nhựa thành rác”, ông Nguyễn Thi (Vụ Pháp chế, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường) chia sẻ: “Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tỷ lệ thu gom ở đô thị là 85,5% (khoảng 32.000 tấn/ngày) do các công ty môi trường đô thị thực hiện.
Còn ở nông thôn mới chỉ đạt từ 45% -55% (14.200 tấn/ngày) lượng rác còn lại được vứt trên đường, dòng sông, cánh đồng hoặc các bãi tập kết rác tự phát”.
Tại các bãi chôn lấp chất thải ở một số đô thị lớn (Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, và Bắc Ninh) cho thấy tỷ lệ rác thải nhựa chiếm khoảng từ 12% - 16%, đứng thứ 2 sau rác thải hữu cơ (từ 55% - 68%) còn lại là các loại rác khác như giấy đứng thứ 3, từ 4% - 8%.
Công nghệ chôn lấp rác thải ở nước ta còn nhiều bất cập. Với tổng số 806 bãi chôn lấp nhưng có tới 69% không đạt yêu cầu vệ sinh bởi lộ thiên, không có lớp lót, không thu gom nước, khí rỉ, không phủ bề mặt, không xử lý hóa chất;,phần lớn đã quá tải. 132 bãi chôn lấp là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 63% chất thải thu gom được đưa đến các bãi chôn lấp và 22% (khoảng 14,000 tấn/ ngày) được đưa đến các cơ sở xử lý khác nhau (tái chế chiếm 10%, ủ phân compost 4%, đốt rác 14%).
Cần có giải pháp đồng bộ
Đến nay, các giải pháp hạn chế và thay thế nhựa đều chưa khả thi, chưa phù hợp hoàn toàn với mục tiêu phát triển kinh tế. Để hài hòa giữa việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, và sự tiện dụng trong đời sống, chúng ta cần có thêm những giải pháp đồng bộ.
“Pháp luật do cơ quan ở Trung ương ban hành khá đầy đủ về quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải sinh hoạt bao gồm cả rác thải nhựa. Thế nhưng lại quy định giao cho địa phương tùy vào đặc thù của mình để hướng dẫn và tổ chức thực hiện, dẫn đến tình trạng có tỉnh thực hiện, có tỉnh thì không. Cho dù không thực hiện thì cũng không phát sinh bất cứ trách nhiệm quản lý cũng như pháp lý nào”, ông Thi cho biết.
Rác thải nhựa đang là hiểm họa gây ô nhiễm môi trường nhưng hiện nước ta chưa có quy định về phân loại các loại nhựa, kể cả trong sử dụng làm nguyên liệu cũng như trong phân loại, tái chế rác thải nhựa.
Kêu gọi mọi người chung tay giảm thiểu rác thải nhựa (Ảnh VK) |
Hiện nay, chưa xác định nhựa có thể tái chế, tái chế nhiều lần, nhựa dùng một lần, nhựa siêu nhỏ, hạt nhựa, nhựa phân rã…vv nên không có chính sách để quản lý phù hợp. Cụ thể, chưa có quy định cấm, quy định hạn chế, quy định phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng, chưa có quy chuẩn bảo vệ môi trường đối với chất thải nhựa.
Ông Nguyễn An Thái (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam), cho biết: “Đã có những cải tiến đáng kể trong tìm kiếm chất liệu thay thế nhựa. Tuy nhiên, để thay thế hoàn toàn nhựa khỏi cuộc sống là khó. Bởi chi phí đưa vật liệu thay thế nhựa vào kinh tế rất lớn và vật liệu thay thế chỉ đáp ứng được rất nhỏ nhu cầu sử dụng nhựa hiện nay”.
Để giảm thiểu rác thải nhựa, nhiều chuyên gia đưa ra các nghiên cứu và ứng dụng nhằm gia tăng vòng đời cho nhựa. Đồng thời, kiến nghị các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tái chế vật liệu nhựa, đề xuất các hành lang pháp lý để các doanh nghiệp tự thu gom sản phẩm nhựa của mình, phục vụ cho việc tái chế, tái sản xuất, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế tác hại ra môi trường.