Nhà nghèo, cha mất sớm, bắt đầu từ lớp 7, nghỉ hè tôi theo mẹ lên thành phố làm thuê kiếm thêm tiền đóng học phí. Anh ở cùng dãy trọ với mẹ con tôi, hiền, cao ốm, và khá đẹp trai. Hai năm rèn luyện trong trại giáo dưỡng trẻ vị thành niên, cùng với nắng gió rát mặt của miền Trung không làm mất đi dáng vẻ thư sinh của anh. Anh cười nói với mẹ tôi: “Má con ở xa, nên con coi cô như mẹ. Con nghĩ rồi, con quyết tâm làm lại cuộc đời.” Mẹ tôi cứ ghẹo mãi: “Tu chí làm ăn đi rồi mẹ gả con gái cho”.
Chỉ là câu nói đùa vào những bữa cơm của dãy trọ toàn công nhân, mà mẹ gả tôi cho anh thật. Hết cấp 3, tôi dừng việc học xin vào công ty may làm việc. Mẹ tôi về lại quê chăm lo cho thằng út. Ban đầu tôi còn bẽn lẽn chỉ dám “dạ, vâng” đôi câu. Rồi tính toán thế nào, để đỡ tiền trọ, và vì thương anh quá, nên tôi dọn về chung phòng. Sau đó chúng tôi làm đám cưới.
Những năm đầu lấy nhau, chúng tôi vẫn bám trụ tại thành phố để làm thuê kiếm sống. Đến khi đứa con thứ hai chào đời, anh chuyển sang lái xe đường dài, tôi mới chính thức về nhà anh làm dâu.
Mặc dù khi kết hôn, tôi đã chuẩn bị trước tâm lý về cái ngày mình sẽ về ở cùng cha mẹ chồng. Nhưng cho đến tận 5 năm sau, tôi vẫn sợ căn nhà ấy. Họ trở thành người nhà mà tôi không hề mong muốn lại không thể chối bỏ.
Cha anh là một kẻ nghiện rượu nặng. Hầu như ngày nào ông cũng say, chửi rủa hàng xóm, đánh đuổi vợ con, đốt xé quần áo, đập vứt đồ đạc. Ông thường xuyên nắm tóc của mẹ chồng giật ngược đứt từng sợi, tát tai, đạp vào bụng hoặc dùng gậy đập vào đầu. Không thể chịu đựng nổi, bà bỏ quê ra thành phố buôn bán. Những đứa em của anh cũng không ở đấy, đều đi học đi làm xa.
Căn nhà tan hoang và không hề tồn tại điều gì giống một gia đình ấy, là nơi tôi phải về làm dâu. Là người duy nhất tại thời điểm đó sống cùng cha chồng, tôi phải một tay vun vén tạo dựng lại mọi thứ. Hàng xóm rất ghét gia đình tôi, lẽ đương nhiên, vì cha chồng lúc nào cũng làm phiền và nhục mạ họ.
Ban đầu họ cũng không có thiện cảm với tôi, hay chỉ trỏ nói xấu, vứt rác trước cổng, tụi con nít còn ném cả đá vào nhà. Sau đó họ bắt đầu nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại. Ở nơi đất khách quê người, một đứa con gái như tôi đã phải chịu đựng quá nhiều. Tôi cô độc và không có ai để chia sẻ cùng, ngoại trừ chồng.
Anh mải miết với những chuyến đi đường dài, vài ngày về ở với tôi được một đêm. Thế nhưng, dường như anh chưa bao giờ để tôi phải cô đơn một mình. Trên mọi ngả đường đi qua, anh đều chụp hình gửi về cho tôi xem, ngày ngày điện thoại trò chuyện an ủi. Đến một vùng đất mới, chồng tôi lại tìm những đặc sản có thể bảo quản được lâu, mua hết để dành cho vợ con ăn dần. Có vẻ như cả thế giới đều được anh mang về cho tôi vậy.
Ngày nghỉ nào anh cũng dành cho gia đình, ở nhà loanh quanh phụ tôi việc nhà, chăm con chơi cùng con hoặc chở cả gia đình ra biển dạo mát. Mỗi tối được ở nhà, chỉ cần tôi nhăn mặt vì mỏi mệt (dọn dẹp nhà cho một người say không phải là đơn giản), anh sẽ lấy rượu thuốc xoa bóp vai cổ cho tôi.
Những dịp lễ, ngày tình nhân, anh không tặng hoa mà món quà thiết thực hơn là sổ tiết kiệm hay một bộ váy xinh xắn. Mùng hai tết năm nào anh cũng chở tôi về quê thắp nhang cho bố vợ và thăm hỏi bà con. Chỉ những hành động nhỏ bé ấy dường như chứa đựng tình yêu lớn lao và sự thấu hiểu vô bờ của anh.
Nhờ có anh động viên, tôi dần làm quen trò chuyện cùng hàng xóm, biếu họ quả trứng gà nhà đẻ, trái bầu mớ rau tự tay trồng. Dần dần họ cũng thông cảm và gần gũi quan tâm tôi hơn. Đã không còn cái nhìn khinh bỉ như trước. Cha chồng ít uống rượu hơn trước, những cơn say vẫn diễn ra đều đặn, nhưng thỉnh thoảng ông cũng biết bồng cháu hay ru cháu ngủ. Và mâm cơm tôi dọn lên không còn bị ông đạp đổ. Những ngày em chồng tôi về thăm, gia đình rộn ràng tiếng cười đùa. Bấy nhiêu điều thôi đã đủ làm lòng tôi ấm lại, đỡ bớt hoang mang như ngày đầu về xứ ấy làm dâu. Một mình nơi xứ người, may mắn nhất đối với tôi là được chồng mình yêu thương.
Người ta bảo, “Trên thế gian có hai kiểu phụ nữ: Một là hạnh phúc, hai là kiên cường. Người phụ nữ hạnh phúc là người được nâng niu trong lòng bàn tay, không cần phải kiên cường. Người phụ nữ kiên cường thì bị vùi dập trong nước mắt và tủi thân, không thể không kiên cường.” Điều này quả thực rất đúng. Cảm ơn anh đã giúp tôi có cơ hội được yếu đuối, để anh bảo vệ, chở che và yêu thương hết mực. Cuộc đời này, nhờ có anh mà tôi được làm một người phụ nữ hạnh phúc.