Làm chủ cảm xúc: Hành vi đơn giản nhưng không thừa

GD&TĐ - Ngày càng nhiều trẻ thiếu kiềm chế, phản ứng cảm tính và dễ nổi cáu.

Ảnh minh họa: IT
Ảnh minh họa: IT

Theo một số chuyên gia tâm lý, điều này ảnh hưởng không nhỏ từ môi trường gia đình. Do vậy, cha mẹ nhất thiết phải trang bị kiến thức để hướng dẫn và làm gương, giúp con hoàn thiện nhân cách và thành công trong tương lai. 

Dạy trẻ cách kiềm chế cảm xúc

Kiềm chế cảm xúc ở cả người lớn và trẻ em là khả năng tự kiểm soát, điều chỉnh và quản lý cảm xúc cũng như hành vi cho phù hợp với yêu cầu của một tình huống cụ thể nào đó. Nó bao gồm khả năng chống lại các phản ứng cảm xúc cao đối với các kích thích gây sự khó chịu, làm dịu bản thân khi buồn bã, điều chỉnh để thay đổi kỳ vọng và xử lý sự thất vọng mà không cần bộc phát.

Khi một đứa trẻ không thể nói được cảm xúc của mình khi đang tức giận, đang buồn, chúng chỉ biết ném đồ vật xuống sàn và hét lên. Trước khi dạy con kiềm chế cảm xúc, điều đầu tiên cha mẹ cần trang bị cho con kiến thức về các trạng thái cảm xúc. Dạy con nhận diện được cảm xúc và hành vi, cách ứng xử với từng cung bậc cảm xúc, biết cách kiềm chế cảm xúc không thể hiện thái quá.

Theo cô Lê Thị Lan Anh, giáo viên kỹ năng sống (CLB Kỹ năng sống Cara), cha mẹ hãy dạy trẻ ghi lại những cảm xúc của mình như vui buồn, giận dữ, sợ hãi. Sau đó nói về sự khác nhau giữa cảm xúc và hành vi. Khi chắc chắn rằng trẻ đã hiểu được ý nghĩa những hành động của mình, hãy động viên trẻ biết kiềm chế hoặc bộc lộ cảm xúc cho phù hợp với hoàn cảnh.

Lắng nghe người khác thể hiện sự tôn trọng với người khác cũng có thể kiềm chế cảm xúc một cách dễ dàng hơn. Vì vậy, cha mẹ hãy dạy trẻ kỹ năng lắng nghe, giúp trẻ xử lý tình huống tốt hơn và không dễ dàng cáu gắt khi giao tiếp. Cha mẹ cũng nên dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề giúp nâng cao khả năng kiềm chế cảm xúc.

Bên cạnh đó, cô Lan Anh cũng lưu ý, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ sử dụng điện thoại, khuyến khích chơi thể thao sẽ tiêu hao nhiều năng lượng thừa, giúp đầu óc tỉnh táo hơn. Chơi thể thao cũng là một cách giúp trẻ kiềm chế cảm xúc. Cha mẹ tạo cho trẻ thói quen đọc sách, nhất là những cuốn sách có chủ đề về kiềm chế cảm xúc. Đọc sách cung cấp kiến thức giúp trẻ tự trau dồi cách xử lý các tình huống tương tự trong sách

Cha mẹ hãy chỉ cho trẻ thấy hậu quả của việc không kiềm chế cảm xúc ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào. Cha mẹ không chỉ trích về những cơn giận của trẻ, thay vào đó dạy trẻ những điều nên làm khi cảm thấy tức giận. Phân tích cho trẻ hiểu cảm giác tức giận là do những cảm xúc tiêu cực gây nên để trẻ sẽ dần kiểm soát hành vi tốt hơn.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình (Trung tâm GD trẻ Hà Đông) cho rằng, kiềm chế cảm xúc có thể được hình thành thông qua rèn luyện. Không phải trong một thời gian ngắn có thể hình thành ngay được kỹ năng kiềm chế cảm xúc. Khả năng kiềm chế cảm xúc ở mỗi đứa trẻ là khác nhau nhưng càng luyện tập thì kỹ năng kiềm chế cảm xúc ngày càng tốt hơn. 

Làm gương cho con

Người xưa có câu: “Con nhà tông không giống lông thì cũng giống cánh” để nói rằng một đứa trẻ có thể sao chép lại hoàn toàn lối sống của chính cha mẹ chúng. Trong mọi hoàn cảnh, cha mẹ đều là tấm gương trong kiềm chế cảm xúc. Cách cha mẹ thoát khỏi trạng thái cảm xúc cực đoan thế nào, sẽ có ảnh hưởng vô cùng lớn đến hành vi của trẻ sau đó.

Những cảm xúc không quan trọng đúng, sai chỉ là cách biểu đạt và vẫn có thể được xã hội chấp nhận. Cha mẹ vì thế nên học cách chấp nhận biểu hiện cảm xúc đa dạng của trẻ. Khi trẻ có cảm xúc tiêu cực, cha mẹ nên có thái độ thông cảm, lắng nghe để chấp nhận cảm xúc đó. Khi trẻ sợ hãi, cha mẹ cần phải cùng trẻ trải nghiệm cảm xúc này và tâm sự với trẻ về vấn đề trẻ sợ hãi. Khi trẻ có lỗi, cha mẹ nên làm lúc này là nhận biết cảm xúc “thấy có lỗi” của trẻ, sau đó chia sẻ cùng với con.

Muốn trẻ kiềm chế cảm xúc tốt thì cha mẹ cũng phải thật bình tĩnh và tiết chế ở mọi nơi. Khi cha mẹ nổi nóng con sẽ nghĩ đó là hành vi đúng đắn và con bắt chước. Còn khi cha mẹ bình tĩnh và giải quyết mọi tình huống theo hướng tích cực, con sẽ quan sát và học theo. Khi đó, cha mẹ trở thành người đồng hành cùng trẻ, là người hướng dẫn cảm xúc cho trẻ. Cha mẹ hướng dẫn cảm xúc sẽ điều chỉnh cảm xúc của trẻ, coi cảm xúc tiêu cực của trẻ là cơ hội để trẻ biết được về bản thân mình, hướng dẫn trẻ đối phó với cảm xúc của mình một cách hiệu quả nhất.

Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình, cách giúp trẻ học kiềm chế cảm xúc hiệu quả nhất, đó là chính cha mẹ hãy làm gương cho con. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng việc cố gắng chống lại những cơn giận dữ của mình bởi trẻ luôn học hỏi từ lời nói và hành động của người lớn. Khi cha mẹ la lên, trẻ sẽ học cách la hét. Khi cha mẹ nói chuyện một cách tôn trọng, trẻ sẽ học theo như vậy. Thay vì lớn tiếng, cha mẹ hãy dành thời gian để bình tĩnh bằng cách hít thở, uống nước lạnh.

Trước khi giáo dục trẻ học cách kiềm chế cảm xúc, cha mẹ nên suy nghĩ nghiêm túc về bản thân, xem liệu bạn đã tự kiềm chế cảm xúc của mình hay chưa? Trong quá trình dạy con, liệu cha mẹ có tức giận, chán nản, buồn bã? Quá trình dạy trẻ cũng là quá trình cha mẹ học tập và rèn luyện chính bản thân mình.

Theo Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh - Công ty Tham vấn, tư vấn trị liệu tâm lý Mạnh Linh School Psychology, để trở thành các bậc phụ huynh thông thái, cách tối ưu nhất là cha mẹ tự tích luỹ kiến thức và kỹ năng. Những kiến thức để dạy con các kỹ năng nói chung, về kiềm chế cảm xúc nói riêng có rất nhiều trên các kênh thông tin, sách báo. Cha mẹ cần ý thức rằng, để thành công trong cuộc sống, chỉ số cảm xúc EQ ngày càng được đánh giá cao. Bởi vậy, đầu tư cho việc dạy con biết kiềm chế cảm xúc từ khi còn nhỏ chính là đầu tư cho tương lai của con.

Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, điều quan trọng nhất cha mẹ cần xây dựng không khí gia đình vui vẻ để phòng ngừa cảm xúc không vui. Đặc biệt, cần hạn chế sử dụng các thiết bị công nghệ, mạng xã hội, các thành viên gia đình dành nhiều thời gian giao tiếp với nhau hơn, cùng nhau tham các hoạt động tập thể nhiều hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.