Dạy trẻ kỹ năng sinh tồn là một việc làm rất cần thiết để trẻ biết vượt qua hiểm nguy chính là trang bị cho con những kỹ năng sinh tồn.
Đam mê trong giới trẻ
Hè đến cũng là khoảng thời gian các nhiều gia đình cho con lên đường chinh phục các cung đường khó để thỏa mãn sự đam mê. Với những gia đình có con tuổi thanh thiếu niên thường rủ nhau tự trải nghiệm bằng những chuyến du lịch phượt.
Anh Lê Văn Hòa (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Nghỉ hè, con trai học năm thứ nhất Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội xin bố đi trải nghiệm chinh phục Fanxipan. Đây là một trong những cách tốt nhất để các con hiểu phải tự lực vượt qua khó khăn, bước qua những ranh giới của cuộc sống. Tuy nhiên tôi cũng lo lắng những hiểm nguy luôn xảy ra với con trẻ”.
Đồng quan điểm, chị Lê Minh Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) là người mê đi phượt nên cô công chúa nhỏ cũng được mẹ cho khám phá nhiều nơi từ khi còn nhỏ. Từ những nơi gần như Bắc Sơn đến Phú Yên, Mù Căng Chải, Y Tý (Lào Cai) đến những nơi xa xôi hơn như Phú Yên, Cà Mau. Với mong muốn con thỏa sức trải nghiệm thiên nhiên, để con hòa mình vào thiên nhiên từ nhỏ. Khi con gái lên đại học, niềm đam mê khám phá luôn trong lòng con. Vừa qua, con gái chị xin mẹ cho đi du lịch cùng bạn bè trong lớp. Đồng ý cho con đi nhưng chị cũng thấy khá lo lắng bởi kỹ năng ứng phó với nguy hiểm, tai nạn của con còn hạn chế”.
Ở Việt Nam, các tour du lịch mạo hiểm, du lịch phượt đang thu hút du khách, đặc biệt là giới trẻ. Họ hào hứng khám phá những điều mới mẻ trên mỗi chặng đường. Tuy nhiên, không ít cảnh đi du lịch của người trẻ khiến mọi người hoảng hốt bởi tai nạn xảy ra ngày một nhiều.
Cần học kỹ năng sinh tồn
Sau hàng loạt vụ việc thanh thiếu niên đuối nước, lật thuyền ở Đà Nẵng, chàng trai trẻ người Anh tử vong khi leo núi Fanxipan đang là hồi chuông cảnh báo kỹ năng ứng phó với nguy hiểm, tai nạn của giới trẻ.
Trên thực tế, nhiều bạn trẻ được đào tạo đàng hoàng về tri thức, chuyên môn nhưng khi đối diện với cuộc sống thì thiếu những kỹ năng như thoát hiểm, vượt chướng ngại hay khó khăn trước mặt.
Theo ThS Trần Thị Yến, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên cho biết: “Kỹ năng sống nghe có vẻ to tát nhưng thực ra đó chỉ là những kiến thức sơ đẳng trong cuộc sống mà mỗi người trẻ nên được trang bị cho mình. Đó là cách tự xoay sở một mình, khả năng làm việc nhóm, cách định, vị, sơ cứu, vượt thoát hiểm cơ bản nhất khi rơi vào tình huống nguy hiểm. Thế nhưng, đa số các bạn trẻ đang trong độ tuổi hoạt động lại chính là đối tượng thiếu hụt kỹ năng sống nhất. Kinh nghiệm đào tạo kỹ năng sống của tôi cho thấy, các bạn trẻ thường rơi vào tình huống nguy hiểm hay khủng hoảng trong cuộc sống, dù đôi khi nó chỉ là những vấn đề rất nhỏ, xuất phát từ thiếu hụt kỹ năng sống”.
Tại nhiều nước, các chương trình đào tạo thường rất bài bản, đặc biệt đã rèn luyện trẻ từ độ tuổi mầm non. Trẻ qua các khóa học được rèn luyện cách đương đầu với sợ hãi, tự tin ứng phó với tình huống nguy hiểm. Còn ở Việt Nam, hầu hết các bậc cha mẹ đều quá quan tâm đến phát triển trí não, phát triển năng khiếu… mà “bỏ rơi” chương trình học kĩ năng rất quan trọng, ảnh hưởng mật thiết đến sự an toàn, sức khỏe và khả năng ứng biến nhanh nhạy của trẻ.