Đi chơi, học bơi, tham gia câu lạc bộ... thời gian biểu dày đặc dễ dẫn đến việc trẻ em bị căng thẳng và lo âu. Nhà báo Grace Timothy chia sẻ kinh nghiệm trong việc dành thời gian cho con để trẻ dần lấy lại sự tự tin.
Một số trẻ sẽ phù hợp với nhịp điệu sinh hoạt chậm rãi và có thể sẽ bị rối tung với thời gian biểu dày đặc. |
Đầu năm học là thời điểm con trẻ đầy ắp những lo âu: kiến thức mới, thầy cô giáo mới, các kỳ thi, cộng thêm các lớp âm nhạc, học bơi và các hoạt động ngoại khóa khác.
Khi Grace nhìn lại khoảng thời gian này năm ngoái, cô không khỏi rùng mình. Trong vài tuần đầu của năm học, cô cùng con gái rượt đuổi nhau từ giường ngủ đến trường, rồi từ trường vào giường ngủ, lồng vào đó là những ngày đi chơi, câu lạc bộ sau giờ học. Khi đó cô luôn miệng với câu: “Nhanh lên con”. Thật là mệt mỏi nhưng cô tin rằng mọi chuyện sẽ ổn.
Tuy nhiên vài tháng sau đó, con gái cô có những dấu hiệu sợ hãi vào ban đêm. Bé thức giấc hai, ba lần mỗi đêm, la hét và run rẩy. Đến giữa học kỳ, từ cô bé vui vẻ hiếm khi giận dỗi biến thành một đứa trẻ đầy lo âu và có khi ủ rũ cả ngày mà chẳng cần lý do gì cả.
Vợ chồng Grace cũng cảm thấy mệt mỏi, không biết phải làm gì để giúp con gái vượt qua giai đoạn này. Grace bắt đầu dò hỏi khắp nơi nhưng không một lời khuyên nào phù hợp. Cho đến khi cô đọc được trang blog có hơn 80.000 lượt xem. Trang blog không phải của nhà tâm lý học hay chuyên gia về trẻ em mà của bà mẹ ba con, Steph Douglas. Steph chia sẻ, sau khi sinh con gái thứ ba, cô đóng cửa hoàn toàn với bạn bè, cùng chồng dành toàn bộ thời gian cho các con.
Dù ý tưởng này không mới, nhưng làm Grace suy nghĩ rất nhiều. Thỉnh thoảng, cả gia đình có đi chơi cùng nhau vào thứ Bảy, nhưng chưa bao giờ dành trọn một ngày chỉ để quan tâm lẫn nhau như một gia đình ba người.
Tổ chức Trái tim tại Anh đã chỉ ra, mùa hè năm ngoái, 27% phụ huynh cho rằng, họ quá bận rộn; vào một ngày bình thường, họ không dành mấy thời gian cho con cái. Điều này không phải là ngẫu nhiên khi số lượng trẻ bị stress và lo âu cũng tăng đột biến.
Bác sĩ tâm lý Lawrence J. Cohen, tác giả cuốn sách "Playful Parenting"(Bố mẹ vui vẻ) cho biết: “Nghiên cứu về việc làm phong phú đời sống cho trẻ em đã gây ra sự hiểu lầm với việc cho con hoạt động điên cuồng cùng với những mối quan hệ xã hội. Một số trẻ sẽ phù hợp với nhịp điệu sinh hoạt chậm rãi và có thể sẽ bị rối tung với thời gian biểu dày đặc. Những gì trẻ em cần là sự quan tâm có chất lượng của cha mẹ”.
Sau khi đọc trang blog, Grace quyết tâm cùng chồng dành thời gian cho con có chất lượng hơn. Vào thứ Sáu, Grace chuẩn bị sẵn nhiều đồ ăn và cả nhà cùng ngồi lại với nhau. Ban đầu, con gái hơi ngạc nhiên khi bố mẹ không lên kế hoạch vui chơi hay đề ra chương trình cho hai ngày cuối tuần, nhưng bé không có phản ứng gì.
Không có thời gian biểu để đánh giá, không có kế hoạch phải đi đâu hay một việc gì để theo đuổi, cả nhà tự do muốn làm gì thì làm - với điều kiện không dính dáng đến màn hình và tất nhiên là phải làm cùng nhau. Cả nhà ngủ dậy trễ, nói chuyện với nhau một cách chậm rãi và bông đùa, đọc sách. Xen kẽ đó, con gái họ tự học cách nhào lộn. Cả nhà chỉ ăn khi thấy đói chứ không theo giờ quy định. Cuối cùng, cả nhà nảy ra ý tưởng cùng tập yoga. Vợ chồng Grace quan sát con gái và cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy đôi vai của con bắt đầu xuôi xuống. Sau đó, bé tự nhiên thổ lộ những lo âu trong trường với bố mẹ.
Đêm đó, bé ngủ mà không bị ác mộng, cả đêm hôm sau cũng thế. Đến thứ Ba, bé đến trường với món đồ chơi mang tên “Worry Monster” cất trong cặp, và trong suốt tuần đó, bé chỉ bị ác mộng một lần. Vợ chồng Grace vô cùng ngạc nhiên vì họ không mong đợi kết quả chỉ trong vòng một đêm như thế. Cô nhận ra con mình bị mệt mỏi và quá tải với quá nhiều điều mới mẻ phải tiêu hóa ở trường.
Với Grace, cô cảm ơn những ngày dành trọn cho gia đình như thế vì nó giúp vợ chồng cô giải tỏa những căng thẳng, nóng giận. Nếu cả ba đều cảm thấy vui vẻ, họ sẽ đi chơi ngoài trời, nhưng chỉ khi họ đều cảm thấy thích và tất nhiên cả nhà cô ai cũng cảm thấy hứng thú với những ngày này.