Trong khi đó, trước mỗi mùa tuyển sinh, việc tư vấn cho phụ huynh lại vô cùng cần thiết, nhằm tránh xảy ra những xung đột giữa cha mẹ và con cái khi lựa chọn ngành nghề.
“Bố, mẹ tự ý sắp đặt tương lai của em. Em muốn học ngành A nhưng lại bắt học ngành B của trường đại học C. Em mong muốn bố mẹ không áp đặt con cái trong học tập…”. Đó là tâm sự của một nữ sinh khi được hỏi vì sao lại bỏ học đại học giữa chừng. Tìm hiểu mới hay, trước đây nữ sinh này từng xung đột với bố mẹ trong việc lựa chọn ngành, trường học. Việc học ngành B là do bố mẹ lựa chọn nhưng em thấy không phù hợp nên không có động lực học tập.
Trên thực tế, không ít trường hợp tương tự đã xảy ra và trở nên quen thuộc trước, trong và sau mỗi mùa tuyển sinh đại học. Vì thế, xung đột, không có chung tiếng nói giữa bố mẹ và con cái trong lựa chọn ngành nghề chẳng còn hiếm gặp. Phụ huynh nào cũng vì con, yêu con và cho rằng mình hiểu con nhất. Song, ở khía cạnh nào đó, đây là sự ngụy biện của một số phụ huynh cho việc áp đặt con cái theo ý mình, kể cả việc học hành, chọn nghề nghiệp tương lai.
Nhớ lại thời trẻ, chắc hẳn mỗi phụ huynh ít nhiều cũng có suy nghĩ muốn được độc lập, tự quyết trong học tập, lựa chọn ngành nghề và có ước mơ, định hướng riêng cần được tôn trọng. Làm cha mẹ giống như thả diều. Giữ quá chặt thì diều không thể bay lên, nhưng nếu thả tay thì diều bay đi mất. Giữ, thả ra sao chính là điều mà cha mẹ cần học hỏi và thực hành mỗi ngày, thậm chí cần được tư vấn; nhất là khi có mâu thuẫn xảy ra; trong đó có việc lựa chọn ngành, trường học.
Vẫn biết, cha mẹ nào cũng muốn dành điều tốt đẹp nhất cho con. Việc “sắp đặt” ngành học cũng xuất phát từ tình yêu thương, quan tâm lo lắng của phụ huynh. Ai cũng muốn con theo học ngành nghề mà mình cho là tốt nhất. Thậm chí, có phụ huynh vì lý do nào đó chưa thực hiện được ước mơ tuổi trẻ, nay gửi gắm lại cho con học ngành nghề ấy.
Không phủ nhận, nhiều học sinh được bố mẹ định hướng ngành nghề phù hợp nên gặt hái nhiều thành công. Song cũng có những phụ huynh “áp đặt” một cách cực đoan, dẫn đến những xung đột không đáng có. Thế nên, tư vấn tuyển sinh không nên chỉ dành cho mỗi đối tượng học sinh, mà rất cần hướng đến cả phụ huynh. Thậm chí, nhiều bố mẹ cần được tư vấn chuyên sâu để không chỉ là bạn đồng hành, mà còn trở thành chuyên gia hướng nghiệp cho con.
Suy cho cùng, bố, mẹ không thể sống và làm thay con mãi được. Vì thế hãy để các con chủ động lựa chọn ngành học cho mình theo sở thích, năng lực. Bởi đó chính là hành trình tìm kiếm, đi đến thành công và hạnh phúc của các em. Đó cũng được xem như cách để bố mẹ và con cái có được tiếng nói chung, giảm thiểu khác biệt trong suy nghĩ, định hướng giá trị nghề nghiệp và lựa chọn đăng ký xét tuyển ngành học, trường học.
Nói như GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, lựa chọn nghề nghiệp như chọn bạn đời của con. Vì thế, phụ huynh hãy thông cảm, chia sẻ, lắng nghe và không ép buộc con học ngành này, trường kia từ sự chủ quan của bản thân.