Công điện đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ số trẻ em đang bước vào kỳ nghỉ hè mà không có sự quản lý của phụ huynh. Thủ tướng lưu ý là không hô hào chung chung mà mỗi địa phương cần phải có kế hoạch hành động cụ thể để ngăn chặn triệt để tình trạng đuối nước ở trẻ em.
Có lẽ, người đứng đầu Chính phủ “nóng ruột” trước những tin xấu về đuối nước liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông những ngày qua, đặc biệt là vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 mới đây. Đó là những cái chết thương tâm, lúc thì tận vùng cao như ở tỉnh Bình Phước, khi thì ở miệt biển như ở tỉnh Bình Định.
Mà đâu phải chết lẻ tẻ, mỗi vụ như thế, ít nhất là hai trẻ, nhiều nhất lên đến 4 em, toàn những em đang học trung học cơ sở và phổ thông trung học. Thậm chí như ở Bình Phước, chỉ trong một tuần mà có đến 4 vụ đuối nước, toàn xảy ra ở các lòng hồ, có cảm giác như phụ huynh và các cấp chính quyền cùng hội đoàn thể ở đây hầu như không mấy lưu tâm đến những tin tức đau đớn này.
Bây giờ có hồ bơi, có các trung tâm dạy bơi chứ ông bà ta trước đây phải tự học để biết bơi. Bơi như một tấm giấy thông hành để con người có thể vào đời và tồn tại trước những tai ương. Vì vậy, muốn sống là phải biết bơi, nhất là ở một đất nước mà sông hồ chằng chịt tơ nhện như Việt Nam, đó là chưa kể hằng năm, con người luôn luôn phải đối mặt với những trận lũ lụt kinh hoàng.
Chính vì tự ý thức để sinh tồn nên tình trạng đuối nước ở trẻ em rất hiếm khi xảy ra trước đây vì gần như ai cũng bơi được, ít nhất là bơi qua một vũng nước sâu! Còn bây giờ, không ít trẻ em hễ rớt xuống nước sâu quá đầu là chết. Có những trường hợp chỉ cần bơi vài sải tay là có thể vượt qua chỗ sâu, thế nhưng các em vẫn bị đuối nước do không biết bơi.
Trẻ em ngày nay, hễ mở mắt ra, hoặc là học hoặc dán mắt vào màn hình điện thoại để chơi game chứ rất ít để tâm đến học bơi. Mỗi khi thoát ra khỏi sự quản lý của cha mẹ, bọn trẻ tập tức tìm chỗ chạy, nhảy để rồi lao ra sông, hồ chơi đùa dẫn tới bị đuối nước.
Thân phụ tôi từng dặn các con: “Nhà mình có thể rất nghèo nhưng dứt khoát phải biết bơi”. Những đứa trẻ ở nông thôn suốt ngày dang nắng và nghịch ngợm như chúng tôi đã lớn lên trong thiếu thốn mọi bề nhưng hầu như ai cũng biết bơi, không giỏi giang gì nhưng ít nhất cũng cứu được mình khi chẳng may rơi vào một vũng nước sâu.
Cần phải dạy bơi cho trẻ! Đừng để đó chỉ là câu khẩu hiệu suông, mà hãy biến nó thành hiện thực để mỗi năm chúng ta không phải chứng kiến 2.000 trường hợp trên cả nước bị đuối nước.