Nhập nhèm giả thật
“Thị trường làm đẹp” Hải Phòng tuy không sôi động như Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, nhưng sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng cũng không thiếu. Lý do chính là do lợi nhuận quá “khủng”.
Mới đây Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), Sở Công thương thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các đội QLTT kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trong nội thành. Tại một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên đường Hai Bà Trưng (quận Lê Chân), chủ cơ sở chỉ xuất trình được 1 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần 2; 4 hóa đơn giá trị gia tăng.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ 22 thùng carton, đựng khoảng 800 kg hàng hóa mỹ phẩm, bao gồm 54 sản phẩm các loại như dầu gội đầu, dầu xả, dầu ủ tóc, thuốc pha nhuộm tóc, sáp vuốt tóc, kem hấp tóc… không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Với Hà Nội, cách đây chưa lâu, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) và Chi cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra một Công ty kinh doanh tại huyện Thanh Trì, phát hiện hơn 3.000 sản phẩm mỹ phẩm đông y dưỡng da, trị mụn, kem chống nắng, sữa rửa mặt... không giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của sản phẩm. Doanh nghiệp này cho biết đã hoạt động hơn 1 năm.
Đáng chú ý, với sản phẩm mỹ phẩm đông y dưỡng da, họ đã tiêu thụ tại các cửa hàng spa không chỉ tại Hà Nội mà còn mở rộng ra nhiều tỉnh/thành. Do khách hàng làm đẹp chủ yếu là phụ nữ trẻ “rành” mạng, nên họ đã mở tới 246 đại lý bán hàng online.
Vì sao sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng lộng hành? Một nhân viên spa làm thuê cho một sơ sở làm đẹp tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, do khách hàng... thích chọn mỹ phẩm đó. Bao giờ khách hàng vào làm đẹp, nhân viên spa cũng đều giới thiệu các loại mỹ phẩm để khách chọn, với giá cả rõ ràng. Nhưng tuyệt đại đa số chị em chọn mỹ phẩm rẻ.
Vẫn theo nhân viên này, người ta chọn lựa theo giá cả chứ ít khi quan tâm tới chất lượng mỹ phẩm. Vì thế, sau một thời gian hoạt động, chủ cơ sở đã chuyển hẳn sang nhập mỹ phẩm “đểu”, còn mỹ phẩm “xịn” chỉ trưng bày cho có.
Tới nay, thị trưởng mỹ phẩm đã giống như trận đồ bát quái. Người sử dụng tự mua không cách nào phân biệt được đâu là mỹ phẩm chính hãng, đâu là mỹ phẩm giả đã đành, ngay cả những cơ sở làm đẹp cũng rất khó nhận biết. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, họ dùng mỹ phẩm giả làm đẹp cho khách như một sự vô tình.
Nỗi lo đến từ mỹ phẩm đông dược làm đẹp
Theo giới y tế, mỹ phẩm có nhiều hóa chất đều tác dụng ít nhiều tới sức khỏe con người, nhưng nguy hiểm nhất là mỹ phẩm gắn mác đông dược. Có nghĩa là, mỹ phẩm đó được quảng cáo, ghi trên sản phẩm là có hợp chất từ thảo dược, tác dụng “2 trong 1”: vừa làm đẹp vừa chăm sóc da.
Tới nay đã xuất hiện không ít cơ sở sản xuất mỹ phẩm núp bóng
đông y gia truyền, nhưng không đăng ký chất lượng. Nói đúng hơn là không thể đăng ký chất lượng với cơ quan quản lý chuyên ngành.
Theo ông Phạm Bá Dục- Phó Chủ tịch Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội, sự bùng nổ của việc quảng cáo trên mạng xã hội và sự chuyển động mạnh mẽ của việc mua hàng online khiến mỹ phẩm cũng như các loại hàng hóa khác tiêu thụ mạnh. Trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng không quan tâm tới những thông tin sai sự thật về hàng hóa, trong đó có công dụng của mỹ phẩm đông y, vị thuốc y học cổ truyền… Điều đó trước sau gì cũng sẽ tác hại tới sức khỏe con người và làm nhiễu loạn thị trường.
Nhiều nghiên cứu y học cho biết, mỹ phẩm đông dược kém chất lượng, sai vị thuốc gây tổn hại lâu dài cho người sử dụng. Phồng da mặt, rụng tóc là phổ biến nhất. Cả hai đều do bị viêm da do “các vị thuốc” trong mỹ phẩm đều có tồn dư hóa chất độc hại. Đối với mỹ phẩm có chứa corticod, ban đầu khi sử dụng da có vẻ trắng, láng mịn. Nhưng nếu sử dụng lâu ngày sẽ gây teo da, giãn mạch, nám da. Nguy hiểm hơn, nó còn có thể gây ung thư da.
Lạc lối trong ma trận mỹ phẩm, điều đó đã và đang là một thực tế đáng lo ngại. Nhưng làm gì để thoát khỏi sự bủa vây ấy khi nhu cầu làm đẹp ngày một nhiều hơn, thì quả là vấn đề không dễ.