Mỹ phẩm lên men trên thị trường khá đa dạng, từ kem dưỡng, mặt nạ, tinh chất dưỡng da đến sữa rửa mặt, sữa tắm, dầu gội... Các thành phần được sử dụng để lên men thường là gạo, đậu, bắp, lá trà xanh, nhân sâm, tảo biển, mật ong, lô hội cùng nhiều loại thảo mộc và hoa quả khác.
Công dụng của sản phẩm này được ghi trên bao bì là dưỡng ẩm, chống lão hóa, tăng cường collagen tự nhiên. Sản phẩm dưỡng tóc chứa men vi sinh có tác dụng trị gàu và ngứa da đầu.
Theo bác sĩ da liễu Ngô Minh Vinh, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, không nên quá tin tưởng và cân nhắc khi sử dụng mỹ phẩm lên men. Loại mỹ phẩm này có thể chứa một lượng nhất định các thành phần thiên nhiên nhưng không có nghĩa 100% an toàn và sạch. Nguyên liệu trong mỹ phẩm có thể chứa chất hóa học do quá trình trồng trọt, gặt hái hay bảo quản.
Mặt nạ sủi bọt có tác dụngthải độc tố cho da. |
Công nghệ lên men quyết định thời hạn sử dụng của mỹ phẩm. Với mỹ phẩm lên men, thời hạn sử dụng thường ngắn do ít chất bảo quản. Cụ thể, hạn dùng khoảng 12 tháng đối với sản phẩm chưa mở nắp và dưới 6 tháng sau khi mở nắp, trong điều kiện phù hợp, tránh ánh sáng và nhiệt độ cao.
Nếu nhận thấy dấu hiệu khác thường trong mỹ phẩm như nấm mốc, mùi khác biệt, phải bỏ đi dù chưa đến hạn dùng in trên bao bì. "Mỹ phẩm để quá lâu sẽ hình thành nấm và vi khuẩn thường khó nhận thấy nhưng rất có hại cho da. Người sử dụng có nguy cơ viêm nhiễm như sưng đỏ, ngứa rát, nổi mụn không kiểm soát", bác sĩ Vinh nói.
Cũng như các loại mỹ phẩm khác, khi mua bạn nên thử phản ứng ở vùng da nhỏ trước để đảm bảo không bị dị ứng, mẫn ngứa..., nhất là với làn da nhạy cảm. Ngoài việc lựa chọn loại mỹ phẩm phù hợp, nên cân nhắc liều lượng sử dụng đủ với tình trạng thực tế của da. Lạm dụng mỹ phẩm mang lại phản ứng ngược hoặc không đảm bảo hiệu quả sử dụng, bác sĩ khuyến cáo.