Chuyên gia cảnh báo: Son môi "rởm" đang ngấm ngầm "giết chết" phụ nữ

GD&TĐ - Biết là son giả nên giá rất rẻ, chất lượng thì không ai kiểm định được nhưng nhiều người vẫn lao vào sử dụng không màng đến nguy cơ ngộ độc, nhiễm chì.

Chuyên gia cảnh báo: Son môi "rởm" đang ngấm ngầm "giết chết" phụ nữ

Son môi được bày bán ở khắp mọi nơi và không ít người mua chỉ quan tâm đến giá cả, màu son, thay vi chất lượng, độ an toàn… Chính sự dễ dãi này khiến bạn có thể gặp nguy hiểm vì các loại son không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng.

Trên thị trường làm đẹp đang bán tràn lan đủ các loại son môi của các thương hiệu nổi tiếng nhưng giá thành chỉ bằng 1/10, thậm chí 1/20 giá trị hàng thật. Trung bình mỗi loại từ 20.000 đến 50.000 đồng/cây. Giá trên website chính thức của những dòng son này từ 280.000-1,5 triệu đồng – một sự chênh lệch vô cùng lớn. Các chợ trên mạng rao bán son nhập nhưng giá rẻ cũng sôi động không kém. Thậm chí, có những trang còn công khai bán hàng giả.

Son giả giá rẻ, biết là độc hại mà nhiều chị em vẫn lao đầu vào dùng - ảnh 1
Son giả được rao bán công khai với giá rẻ khó tin.

Đối với các nhà sản xuất có uy tín sẽ kiểm định một cách nghiêm ngặt lượng chì trong mỹ phẩm trước khi bán ra thị trường. Các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ luôn có những tổ chức thẩm định chất lượng mỹ phẩm nghiêm ngặt và họ luôn khuyến cáo một số đối tượng cần thận trọng khi tiếp xúc với son môi như phụ nữ mang thai, trẻ em và thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, vì lợi nhuận mà son môi giả, nhái vẫn tràn lan ngoài thị trường không hề có khuyến cáo còn người tiêu dùng vẫn hồn nhiên mua mà ngó lơ những tác hại khôn lường.

TS.BS Nguyễn Hữu Sáu, phó trưởng khoa laser – phẫu thuật (bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, chì trong son có tác dụng làm mềm, dẻo thỏi son. Những sản phẩm làm giả hay giá rẻ thường sử dụng chì thay thế các kỹ thuật tân tiến khác để giữ màu son lâu trôi. Việc sử dụng son có chìtuy không biểu hiện ngay nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Chì vào cơ thể theo đường hô hấp và tiêu hoá. Nhiễm độc cấp tính có thể gây nôn, tiêu chảy. Lâu dài, người dùng dễ mắc các bệnh về răng lợi, thậm chí tích luỹ lâu ngày ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như thần kinh, máu, dạ dày – đường ruột, tim mạch và thận.

Son giả giá rẻ, biết là độc hại mà nhiều chị em vẫn lao đầu vào dùng - ảnh 2
Nếu ĐẸP mà ĐỘC thì ĐỪNG.

Hàm lượng chì ít hay nhiều, kể cả trong phạm vi cho phép nếu dùng lâu ngày cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nếu trong son có hàm lượng chì thấp thì nó sẽ đào thải ra ngoài, nhưng dùng quá nhiều khả năng tích tụ vẫn xảy ra. Khi đi vào cơ thể, chì lưu trữ chính ở máu, mô mềm và xương. Nó sẽ tồn tại trong máu qua một vài tuần, một vài tháng ở các mô mềm và hàng năm ở xương.

Khi chì được hấp thụ vào cơ thể, nó thế vào chỗ của kẽm gây chứng chậm lớn ở trẻ và huyết áp cao ở người trưởng thành. Khi chì thế chỗ của canxi trong các phản ứng truyền xung điện trong não, nó gây ra chứng mất trí, giảm khả năng suy nghĩ. Chì ức chế quá trình tổng hợp heme, thường có sự tham gia của sắt, gây ra chứng thiếu máu. Nó cũng gây suy giảm chức năng thận và ảnh hưởng xấu đến sinh sản.

Đối với phụ nữ mang thai, chì tích tụ trong cơ thể cạnh tranh với canxi trong xương. Nó có thể vượt qua hàng rào nhau thai, phơi nhiễm vào đứa bé. Hậu quả xảy ra là thai nhi giảm tăng trưởng và bà mẹ có nguy cơ sinh non.

Còn TS. Sean Palfrey (Giám đốc y tế của Chương trình phòng chống nhiễm độc chì Boston, Mỹ) cho biết, chỉ cần cơ thể hấp thụ hàm lượng chì ở mức thấp nhất cũng có thể làm hại chỉ số thống minh (IQ) của chúng ta, đặc biệt là hành vi và khả năng tiếp thu của mỗi người, vì thế, nếu chị em phụ nữ càng dùng nhiều son môi, càng phải đối mặt với việc chỉ số IQ giảm xuống và gặp vấn đề với các chứng bệnh như rối loạn hành vi, làm chậm khả năng tiếp thu… .

Ở Việt Nam, TS. Vũ Đức Lợi ( Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trước đó cũng trả lời báochí, ông cho biết, Viện Hóa Học đã từng làm các xét nghiệm về son môi và tìm thấy có chất chì trong son môi. Điều này là dễ hiểu vì chì là một yếu tố vi lượng, giúp son môi nói riêng và nhiều loại mỹ phẩm khác nói chung bền màu và lâu phai hơn.

Tuy nhiên, theo lý thuyết lượng chì trong sản phẩm thường ở liều lượng rất thấp (vài phần triệu), vì nếu lượng chì nhiều sẽ gây hại cho sức khoẻ người sử dụng. Các hãng mỹ phẩm có uy tín sẽ kiểm định một cách nghiêm ngặt lượng chì trong mỹ phẩm trước khi bán ra thị trường, nhưng nếu bạn mua phải hàng dởm, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì không ai có thể đảm bảo về lượng chì chứa trong nó.

Kể cả với những hãng mỹ phẩm uy tín, lượng chì được kiểm định nghiêm ngặt thì trong quá trình sử dụng son, chúng ta vẫn có thể gặp nạn. Vì khi chúng ta ăn, uống nước mà vẫn đang tô son, chị em đã vô tình “ăn” luôn cả lớp son đấy vào cơ thể. Nếu lượng chì lớn, nó có thể gây ra nhiễm độc cấp tính với các triệu chứng như: nôn mửa, tiêu chảy.

Còn nếu chỉ là một lượng chưa đủ gây ngộ độc, nhưng lại nhiều hơn lượng chì mà cơ thể có thể đào thải ra sẽ dẫn đến việc chì tích tụ lại trong cơ thể. Lâu dần, chì có thể khiến bạn mắc các các bệnh về răng lợi, thậm chí nếu sử dụng hằng ngày trong thời gian dài nó còn có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như thần kinh, máu, dạ dày - đường ruột, tim mạch, gan, thận... không ngoại trừ nguy cơ bị ung thư.

Gần đây, Cơ quan quản lý dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nghiên cứu thành phần của 400 loại son khác, kết quả được công bố cho thấy, hàm lượng chì trong những son được kiểm nghiệm đã tăng lên mức từ 0,026-7,19ppm, so với mức trung bình là 1,11ppm. Hàm lượng chì trong son môi ngày càng tăng lên rất nhiều.

Lưu ý khi chọn son:

- Hãy chọn loại son có nguồn gốc rõ ràng tại các cửa hàng mỹ phẩm uy tín, tránh mua sản phẩm trôi nổi.
- Kiểm tra thành phần son trước khi mua: Hãy chọn những loại son có thành phần shea butter hoặc jojoba, và thành phần chống nắng SPF, đồng thời tránh xa những loại son có chứa mineral oil vì chúng chứa hàm lượng chì khá cao.
- Thử chì bằng trang sức vàng: Khi mua có thể thoa lớp son mỏng lên tay, dùng nhẫn vàng chà nhẹ lên lớp son. Nếu son có độ chì lớn, màu son trên tay sẽ chuyển sang màu xám. Độ xám càng đậm chứng tỏ son càng nhiều chì.
- Trong quá trình sử dụng son, không nên tiếp xúc nhiều với thức ăn, đồ uống. Hạn chế tô son nhiều lần trong ngày, đặc biệt là các loại son đậm màu, và rửa sạch kỹ môi khi tan việc hoặc tàn cuộc tiệc.

Theo VietQ.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.