Ông Thái Ngọc – người đã bị mất ngủ trong hơn 40 năm (Ảnh: Internet).
Ngay cả quan điểm cho rằng loài cá không ngủ cũng chỉ đúng một nửa, vì rất nhiều trong số chúng đang ngủ bằng cách để nửa bộ não tỉnh giấc trong khi nửa còn lại nghỉ ngơi.
Điều tương tự cũng áp dụng với loài đà điểu, vốn sử dụng một loại phương pháp tương đồng để vừa có thể nghỉ ngơi vừa có thể cảnh giác trước các loài dã thú.
Mất ngủ là một chủ đề trung tâm trong vô số tài liệu y học, và những người mắc phải chứng bệnh này cũng đã thừa hiểu nỗi khổ sở khi phải đối mặt với những đêm dài trằn trọc cô đơn.
Ngay cả như vậy, cũng có một số trường hợp chỉ cần vài tiếng đồng hồ ngủ nghỉ là đủ, như bộ lạc Piraha ở rừng Amazon. Với họ, một giấc ngủ trưa ngắn đã là một khoảng thời gian hồi phục năng lượng toàn diện. Nhưng dường như không ai có thể trụ quá lâu mà không ngủ.
Nhưng cứ mỗi khi một luật lệ được đặt ra, thì sẽ lại có ai đó nhăm nhe phá vỡ nó.
Một người có thể trụ bao lâu nếu không ngủ? Theo sách kỷ lục thế giới Guinness, Toimi Soini, từ Hamina, Phần Lan, là người nắm giữ kỷ lục thức trắng liên tiếp trong 276 giờ đồng hồ (11 ngày 12 giờ)
Những cá nhân này hy vọng có thể đi vào lịch sử với những pha giật gân không ngủ, tuy nhiên, có những người khác đang phải hứng chịu hiện tượng mất ngủ nặng triền miên có thể đã rất nhiều lần phá vỡ kỷ lục này, nhưng họ không có động lực nào để khoe khoang về “thành tích” của bản thân. Một trường hợp như vậy là Thái Ngọc, một nông dân Việt Nam sinh năm 1942.
Vào một ngày năm 1973, ông Thái đã lên cơn sốt nặng. Kể từ đó ông không còn có thể chợp mắt. Năm 2007, ông Thái tuyên bố rằng ông cảm thấy khá “cục cằn” sau gần 35 năm không ngủ; sự tỉnh táo trường kỳ như vậy có thể được xếp loại hiện tượng thần kỳ trong y học.
Các triệu chứng mất ngủ
Điều gì thường xảy ra khi cơ thể người không ngủ trong một thời gian quá lâu? Bất kỳ ai đã từng thức trắng đem đều sẽ quen thuộc với các triệu chứng như dễ bị cáu kỉnh, chức năng nhận thức suy giảm, khả năng tập trung giảm sút, hiện tượng kiệt sức… Đối với những ai vài ngày không ngủ, các triệu chứng sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Bác sĩ về giấc ngủ hô hấp, TS Vikas Wadhwa tại phòng khàm trị liệu các vấn đề về giấc ngủ Sleep Services Australia cho rằng chứng bệnh hiếm gặp về giấc ngủ có thể dẫn tới tình trạng suy giảm chức năng tinh thần và vận động, và thậm chí còn tệ hơn.
“Các giai đoạn mất ngủ kéo dài sẽ dẫn tới sức khỏe suy giảm, và những loài động vật bị mất ngủ có thể dẫn đến tử vong… Có một chứng rối loạn gọi là Chứng Mất ngủ Gia đinh Chết người (Fatal Familial Insomnia).
Khi chứng rối loạn này tiến triển tệ hơn, người mắc bệnh sẽ không thể ngủ và cái chết thường xảy đến trong vòng vài tháng cho tới vài năm”, ông trao đổi qua email.
Điều kỳ diệu trong y học?
Hiện đã được 73 tuổi, và đã bị mất ngủ trong hơn 40 năm, ông Ngọc có thể khẳng định rằng hiện tượng mất ngủ không có ảnh hưởng đến sức khỏe của ông.
Ông khoe có thể vác hai bảo tải nặng 50 kg đi một quãng đường dài 3 cây số về nhà mình hàng ngày. Dù vậy, ông Ngọc không chỉ đơn thuần không ngủ để chứng tỏ bản thân, phá vỡ kỷ lục, hay thúc đẩy một dự án nghiên cứu khoa học nào đó.
Trên thực tế, ông đã thử rất nhiều cách để có thể ngủ. Thuốc tây, thuốc ta, hay thậm chí cả rượu dường như vẫn không thể khiến ông chợp mắt. Theo các bác sĩ đã khám cho ông, ông Ngọc có một sức khỏe tốt, ngoại trừ chức năng gan có phần hơi suy giảm.
Ông Ngọc “Tôi không biết liệu chứng mất ngủ có ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi hay không, nhưng tôi vẫn khỏe mạnh và có thể làm công việc đồng áng bình thường như những người khác”. Hơn 30 năm không ngủ và ông Ngọc vẫn rất khỏe mạnh. Đâu là nguyên nhân đằng sau hiện tượng kỳ lạ này?
Theo tiến sĩ Wadhwa, một cách giải thích khả thi có thể nằm tại phạm trù nhận thức. Ông nói rằng đối với một số người mất ngủ, khả năng phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa trạng thái ngủ và thức của họ có thể không hoàn thiện.
“Đối tượng có thể cảm thấy họ chỉ đơn thuần đang nghỉ ngơi, mặc dù trên thực tế họ đang ngủ. Họ cũng có thể có hiện tượng “chợp mắt siêu ngắn” – hay các giấc ngủ ngắn kéo dài chỉ vài phút”, ông nói.
Tuy ông Ngọc đã thu hút được sự chú ý của báo chí và truyền hình, nhưng các nhà khoa học chưa từng nghiên cứu chi tiết trường hợp của ông.
Trong khi đó, ông vẫn hàng ngày sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình vào ban đêm để làm thêm các công việc đồng áng. Trông coi ruộng đồng chống trộm, đào ao thả cá, và đánh thức những thành viên hợp tác xã đi làm, ông Ngọc đã trải qua 12.000 đêm không ngủ.