Đưa ra nhận định này, GS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh - cho biết: Nghị quyết 29 yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nhằm phát triển phẩm chất và năng lực người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và định hướng nghề nghiệp.
Mặt khác, trong thiết kế chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, chưa xây dựng thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Trong khi đó, Nghị quyết 29 đề ra mục tiêu cụ thể của giáo dục phổ thông là bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa là hết sức cần thiết.
Xuất phát từ mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân; phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu hội nhập quốc tế được quy định trong Luật; từ việc khẳng định hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mội người, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 6. Chương trình giáo dục, với các quy định:
“Chương trình giáo dục thể hiện mục tiêu giáo dục; quy định yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực; Chương trình giáo dục phải bảo đảm tính hiện đại, ổn định, thống nhất, linh hoạt, thực tiễn và hợp lý; kế thừa giữa các cấp học và trình độ đào tạo; tạo điều kiện cho sự phân luồng, liên thông, chuyển đổi giữa các trình độ đào tạo, ngành đào tạo và hình thức giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; tạo điều kiện để địa phương và cơ sở giáo dục chủ động triển khai chương trình giáo dục; là cơ sở bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.
Trên cơ sở đó, để thống nhất với quy định của Luật về Chương trình giáo dục và để phù hợp với xu thế chung, phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới trong những thập niên gần đây về việc chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực người học, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lần này cũng đã sửa đổi, bổ sung Điều 29. Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, trong đó quy định:
“Chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học,…; Chương trình giáo dục phổ thông là thống nhất trong cả nước và việc tổ chức thực hiện đảm bảo tính linh hoạt; Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu về phẩm chất và năng lực quy định trong chương trình giáo dục của các môn học …; Có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.”.
"Việc sửa đổi, bổ sung quy định một số điều trong Luật Giáo dục về chương trình giáo dục nói chung, chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa nói riêng chắc chắn sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế; tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới…" - GS Đinh Xuân Khoa khẳng định.