Cải cách chính sách tiền lương đáp ứng đúng nguyện vọng giáo viên

GD&TĐ - Chính sách tiền lương cho nhà giáo là vấn đề đang thu hút sự quan tâm lớn của xã hội, đặc biệt là giáo giới. Mới đây, đề xuất “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” đã được đưa ra khỏi dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Khó thu hút người tài làm việc ở các cơ sở GD

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cho rằng: Việc tăng lương cho giáo viên đã được nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đội ngũ nhà giáo.

Thực tế hiện nay lương của giáo viên không đáp ứng được các nhu cầu cuộc sống tối thiểu, lương bậc I của giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên THCS và THPT, tính cả phụ cấp chỉ đạt hơn 3,2 triệu đồng/tháng đến gần 4 triệu đồng/tháng.

Với mức lương và chính sách chi trả lương như hiện nay, rất khó để thực hiện chế độ khuyến khích, thu hút người có tài, có trình độ cao đến làm việc ở các cơ sở giáo dục.

Cũng theo GS.TS Đinh Xuân Khoa, mức lương của nhà giáo hiện tại tương đối thấp so với mặt bằng chung thu nhập trong xã hội, không tương xứng với vị trí, vai trò và mức độ quan trọng của công việc của nhà giáo.

Từ đó, kéo theo nhiều thực tế yếu kém trong giáo dục hiện nay như chất lượng giáo dục thấp, dạy thêm học thêm tràn lan, đạo đức nhà giáo xuống cấp,…

"Cải cách chính sách tiền lương theo hướng xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp không chỉ giúp giáo viên tâm huyết, gắn bó với nghề mà còn thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm.

Như vậy, nâng cao được chất lượng đầu vào, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cải thiện các hạn chế, yếu kém hiện nay trong giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục" - GS Đinh Xuân Khoa nêu quan điểm.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là hết sức cần thiết

Luật Giáo dục hiện hành đã bộc lộ khá nhiều hạn chế, bất cập, nếu không được sửa đổi, bổ sung kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn tới tương lai gần của giáo dục Việt Nam, tới cơ cấu nguồn nhân lực của Việt Nam, mâu thuẫn và không bắt kịp với một số chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm phát triển giáo dục nói riêng, phát triển kinh tế-xã hội nước nhà nói chung trong bối cảnh mới.

Nhấn mạnh điều này, liên quan đến các nội dung sửa đổi, bổ sung khác trong dự thảo Luật, GS Đinh Xuân Khoa cho rằng: Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lần này cơ bản đã khắc phục được những hạn chế bất cập của Luật Giáo dục hiện hành;

Kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và các lĩnh vực liên quan vào các quy định Luật, tạo hành lang pháp lý, là động lực thúc đẩy phát triển mới cho giáo dục Việt Nam, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội nước nhà trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

"Chúng tôi cho rằng, những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, sự đổi mới giáo dục và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay" - GS Đinh Xuân Khoa nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ