Kỳ vọng quá ngưỡng với tân Giám đốc kỹ thuật VFF?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ông Koshida Takeshi (quốc tịch Nhật Bản) chính thức trở thành tân Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF)

Đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 32. Ảnh: INT.
Đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 32. Ảnh: INT.

Và trong ngày ra mắt, tân Giám đốc kỹ thuật hứa đưa bóng đá Việt Nam tham dự World Cup 2026 hoặc 2030.

Trọng trách của người mới

Yêu cầu để học chứng chỉ Pro khá khắt khe, người học cần có độ tuổi dưới 45, sở hữu tối thiểu 1 chứng chỉ A và cần huấn luyện đội tuyển quốc gia hoặc câu lạc bộ chuyên nghiệp, biết tiếng Anh để tham gia các khóa học xuyên quốc gia. Đồng thời, người học lấy bằng cấp huấn luyện viên này đòi hỏi người học sẽ viết bài luận bằng tiếng Anh dài 5.000 từ, thực hiện viết nhật ký huấn luyện trong 365 ngày theo như các đề mục hướng dẫn.

Giám đốc kỹ thuật Koshida Takeshi sinh năm 1960, do Ban chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản tiến cử và được biết đến là một chuyên gia bóng đá được đào tạo bài bản với bằng huấn luyện viên Pro (huấn luyện viên chuyên nghiệp bóng đá), cũng như có bề dày kinh nghiệm 30 năm làm việc với các đội tuyển lớn cũng như đội tuyển trẻ của Nhật Bản.

Với kinh nghiệm trong thi đấu và huấn luyện, ông Koshida Takeshi được tín nhiệm mời tham gia công tác đào tạo huấn luyện viên quốc gia cho LĐBĐ Nhật Bản tại các khóa học cấp độ C, B, A.

Trong ngày nhậm chức, ông Koshida Takeshi chia sẻ: Tôi vinh dự được đảm nhiệm vị trí Giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Việt Nam đang có nền bóng đá phát triển, đặc biệt là bóng đá trẻ. Hy vọng tôi có thể đóng góp sức lực của mình vào việc đào tạo thế hệ kế cận và giúp đội tuyển Việt Nam tham dự World Cup 2026 hoặc 2030. Để có được thành tích cao ở châu Á, cần có sự đào tạo mang tính hệ thống. Việc đào tạo trẻ cần đi từng bước và giúp Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.

Theo ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản đánh giá rất cao ông Koshida Takeshi, một trong những huấn luyện viên chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng đã trao đổi với ông Takeshi về những việc cần làm, bao gồm cả việc đào tạo huấn luyện viên, giúp đỡ các đội tuyển, đào tạo cầu thủ trẻ. Ông Tú nhấn mạnh, bóng đá Việt Nam đang hướng đến việc đào tạo được nhiều huấn luyện viên, cầu thủ theo đúng định hướng.

Sự xuất hiện của một chuyên gia bóng đá Nhật Bản - ông Koshida Takeshi ở thời điểm hiện tại được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho huấn luyện viên Philippe Troussier, người đang nắm đội U23 và đội tuyển quốc gia Việt Nam. Quân số 2 đội tập trung trong tháng 6 này lên đến 60 cầu thủ.

Ông Takeshi sẽ theo dõi trực tiếp các trận đấu quan trọng của các đội tuyển để đưa ra những góp ý với huấn luyện viên trưởng các đội tuyển. Do đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tin tưởng ông Takeshi sẽ hỗ trợ đắc lực cho ông Philippe Troussier.

Tân Giám đốc kỹ thuật Koshida Takeshi (bên phải) trong lễ ra mắt do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức. Ảnh: INT.

Tân Giám đốc kỹ thuật Koshida Takeshi (bên phải) trong lễ ra mắt do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức. Ảnh: INT.

Ngoài ra, Giám đốc kỹ thuật Takeshi sẽ tập trung cho công tác đào tạo huấn luyện viên cho các đội tuyển, câu lạc bộ. Chiến lược gia người Nhật Bản còn có nhiệm vụ thiết kế các chương trình đào tạo bài bản từ cấp độ C, B, A và Pro theo tiêu chuẩn Liên đoàn Bóng đá châu Á dành cho các huấn luyện viên.

Đặc biệt, ông Takeshi có cơ hội tiếp cận trực tiếp và hỗ trợ định hướng cho các câu lạc bộ Việt Nam phát triển theo các tiêu chuẩn chuyên nghiệp, đạt được các tiêu chí của Liên đoàn Bóng đá châu Á.

Theo ông Dương Nghiệp Khôi, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các bên liên quan thống nhất sau 1 năm làm việc sẽ đánh giá lại các công việc, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục đưa ra kế hoạch cụ thể. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam mong muốn sự hợp tác lâu dài và hiệu quả.

“Chúng tôi luôn làm việc với tinh thần tôn trọng các chuyên gia nước ngoài, trong đó có giám đốc kỹ thuật. Trong quá trình làm việc hai bên luôn có sự trao đổi, thảo luận để tìm ra kế hoạch phù hợp với các yêu cầu cụ thể của bóng đá Việt Nam tại từng thời điểm, từng giai đoạn” - ông Khôi cho biết thêm.

Trước đó, đầu năm 2023, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã chia tay Giám đốc kỹ thuật người Nhật, ông Yusuke Adachi sau hơn 2 năm hợp tác. Đến bóng đá Việt Nam từ tháng 7/2020, với vai trò giám đốc kỹ thuật, song dấu ấn ông Yusuke Adachi không thật sự rõ nét. Những gì được 2 bên “ghi nhận” đều rất chung chung, mang tính ngoại giao. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến những kế hoạch của ông Yusuke Adachi và còn có nhiều trở ngại khác để ông được phát huy hết năng lực trong vai trò của giám đốc kỹ thuật.

Ngày ra mắt trong cương vị giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, ông Yusuke Adachi bày tỏ niềm vinh dự được làm việc với bóng đá Việt Nam giàu tiềm năng, đồng thời cam kết sẽ làm việc bằng hết sự nhiệt huyết, kinh nghiệm của mình. Nhưng giữa 2 ông thầy người Nhật Bản ở 2 thời điểm với khoảng cách chỉ 3 năm lại có cách nhìn nhận khác nhau “một trời, một vực”.

“Tôi nghĩ 30 năm tới đội tuyển Việt Nam có thể đánh bại đội tuyển Nhật Bản” - ông Adachi phát biểu trong lễ ra mắt vào tháng 7/2020. Còn tân Giám đốc kỹ thuật Takeshi nêu quan điểm giúp đội tuyển Việt Nam góp mặt ở World Cup 2026.

Khóa đào tạo huấn luyện viên bóng đá chuyên nghiệp do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức với sự hỗ trợ từ phía Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản. Ảnh: INT.

Khóa đào tạo huấn luyện viên bóng đá chuyên nghiệp do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức với sự hỗ trợ từ phía Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản. Ảnh: INT.

Giám đốc kỹ thuật làm gì?

Giám đốc kỹ thuật được ví như kiến trúc sư, chịu trách nhiệm vạch ra lộ trình, công tác xây dựng, phát triển của cả nền bóng đá, phụ trách những công việc ở tầm vĩ mô để huấn luyện trưởng toàn tâm toàn ý cho công việc chuyên môn. Nhưng nếu phải tìm ra một chức danh nào khiến bóng đá Việt Nam khác biệt so với thế giới túc cầu thì lại là chức danh… Giám đốc kỹ thuật. Thậm chí, có ý kiến cực đoan cho rằng, đây là vị trí “hữu danh vô thực”, không có thì thiếu mà có đâm ra thừa!

Trên thực tế, giám đốc kỹ thuật phải là một nhà chiến lược về chuyên môn, nắm vững tư tưởng chủ đạo và rành rẽ công tác huấn luyện cụ thể, được các huấn luyện viên, đặc biệt cấp đội tuyển tin cậy và tôn trọng.

Giám đốc kỹ thuật vừa là người đồng hành, người phục vụ, người giám sát công tác huấn luyện. Thậm chí, trong một nền bóng đá cụ thể như Việt Nam, giám đốc kỹ thuật và huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia phải là cặp đôi hoàn hảo. Nếu cả hai trái ngược quan điểm, tư duy và triết lý thì dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Giám đốc kỹ thuật, bên cạnh tài năng và kinh nghiệm cũng cần đòi hỏi hội tụ những tố chất mạnh mẽ và có chính kiến. Vai trò của giám đốc kỹ thuật như thế nào còn tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các bên liên quan, môi trường làm việc có thực sự chuyên nghiệp không? Vị trí giám đốc kỹ thuật có được coi trọng không? Phải bảo đảm được những yếu tố đó thì giám đốc kỹ thuật mới có thể đứng độc lập, trao đổi công việc với những vị trí có cá tính, thậm chí bảo thủ như huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia.

Năm 2016, sau nhiều năm bỏ trống và không có kế hoạch sử dụng, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã bổ nhiệm chuyên gia người Đức, Jurgen Gede vào vị trí Giám đốc kỹ thuật. Nhiệm vụ cơ bản của ông Jurgen Gede trên lý thuyết lúc đó không khác những người đến sau. Tuy nhiên, kết thúc 2 nhiệm kỳ kéo dài 4 năm ở Việt Nam, rõ ràng chuyên gia người Đức không hoàn thành nhiệm vụ. Vai trò của ông đối với hoạt động bóng đá trẻ nói chung và công tác tham mưu cho các huấn luyện viên tương đối mờ nhạt.

Trong giai đoạn đó, U19 Việt Nam giành vé dự U20 World Cup 2017, nhưng “người hùng” là huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn. Với đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng, ông Gede gần như không thể đóng góp gì.

Còn thời điểm 2018 - 2019 của U23 và đội tuyển quốc gia, dấu ấn thuộc về huấn luyện viên Park Hang Seo. Một vài nét chấm phá ở lứa U19 là quá ít với một chuyên gia hưởng mức lương gần 10 nghìn USD/tháng.

Vấn đề đặt ra, chuyên gia Jurgen Gede đã khẳng định được tài năng và được thừa nhận, có sự hiểu biết phong phú về bóng đá châu Á mà ông vẫn không thể nâng cao vị thế cho chiếc ghế giám đốc kỹ thuật do chính ông nắm giữ với quỹ thời gian lên đến 4 năm. Ở đây, câu chuyện không đơn thuần là lý lịch hay năng lực của người nắm giữ chức danh này, mà sự thành bại nằm ở yếu tố ai có thể đứng vững trong môi trường bóng đá đặc thù ở Việt Nam, đồng thời tạo dựng cho mình một cơ chế làm việc rõ ràng, minh bạch.

Tất nhiên, khó có thể đổ tất cả trách nhiệm về những thất bại, hay những vấn đề chưa phát triển của bóng đá Việt Nam lên vai giám đốc kỹ thuật, kể cả việc vị trí này chưa được phát huy đúng vai trò.

Về lý thuyết, soi chiếu vào những gì mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đặt ra với vị trí giám đốc kỹ thuật, từ Jurgen Gede đến Koshida Takeshi bây giờ không sai. Nhưng thực tế chúng ta có tạo ra một môi trường thực sự chuyên nghiệp để các giám đốc kỹ thuật có “đất dụng võ”? Và một vấn đề rất quan trọng nữa, với môi trường bóng đá như Việt Nam, phải chăng giám đốc kỹ thuật mang trên vai quá nhiều trọng trách? Điều đó khiến họ thất bại, hoặc mờ nhạt cũng là lẽ đương nhiên.

Vậy nên, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần phải thay đổi, quy hoạch lại nền bóng đá một cách căn cơ, chuyên nghiệp đúng nghĩa. Có như thế giám đốc kỹ thuật mới có điều kiện đáp ứng được những đòi hỏi mà chúng ta đặt ra.

Khi bức tranh bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều màu sắc của nghiệp dư thì rất khó để cho bất cứ chiến lược gia nào thể hiện thành công tài năng và tâm huyết. Và đến lúc cũng phải hoạch định cụ thể, chúng ta cần gì ở giám đốc kỹ thuật? Chứ không thể bê nguyên những lý thuyết từ nền bóng đá hiện đại ở đâu đó trên cao, rất xa về áp cho giám đốc kỹ thuật để rồi chia tay nhau với những lời “sáo rỗng”.

“Ông Koshida Takeshi sẽ tham dự với tư cách là giảng viên tại các khóa đào tạo huấn luyện viên, hội thảo do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức; phối hợp với bộ phận chuyên môn và huấn luyện viên các đội tuyển trẻ để cùng định hướng và đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, đồng thời chịu trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực cho bóng đá Việt Nam, đặc biệt hệ thống huấn luyện viên trẻ, giám đốc kỹ thuật cho các câu lạc bộ và trung tâm bóng đá; phối hợp, nâng cao chất lượng, cập nhật thông tin quốc tế cũng như những phương pháp huấn luyện tiên tiến nhất để bóng đá Việt Nam có bước tiếp cận ngắn hơn đối với sự phát triển bóng đá quốc tế” - Ông Dương Nghiệp Khôi (Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ