Ký ức tháng tư

Ký ức tháng tư

(GD&TĐ) -Tháng 4 năm 1975, tôi tròn 17 tuổi. Ở cái tuổi ấy đáng lẽ tôi phải học lớp 11. Thế nhưng tôi đã ngồi lớp 7 của trường Trung học Thủ Khoa Huân, Vĩnh Long, một ngôi trường công lập lớn nhất tỉnh.

Tuổi thơ của tôi trôi đi trên bước đường kháng chiến của cha mẹ mà không được đến lớp. Có lần cha tôi đùa với một đồng chí của ông: “Thằng Chăn Cà Thum con tôi sắp thành bác học!”. Mọi người tỏ vẻ ngạc nhiên, thì ông cười: “Hiện nó đang thất học, còn chút xíu nữa chẳng thành bác học đó sao?”… Rồi cha tôi ra đi mãi mãi trong đợt tổng tấn công tết Mậu Thân. Tôi lưu lạc về quê ngoại, một buổi giữ trâu, một buổi học với ông giáo làng. Bọn trẻ trong làng Phú Thuận (Chợ Lách, Vĩnh Long), quê ngoại tôi, cứ “lêu lêu, mắc cỡ” như vầy: “A, B, C có, cái đầu chò vò còn học A, B”, “Học trò ăn vụng cá kho, ông thầy bắt được đánh mo lên đầu”. Thôi thì thây kệ, “đầu đội nón mê, tai nghe chim hót trên chòm cây” láp váp bài vỡ lòng “Ai bảo chăn trâu là khổ” trong Quốc văn giáo khoa thư biết đâu có ngày đậu bằng “Đút rơm trâu ăn mê” (Diplôme Premier) như cha tôi thời Pháp.

Chào mừng bộ đội giải phóng
Chào mừng bộ đội giải phóng

Khổ nhất là khi lên lớp 5 học trường huyện, năm 1973, nhà trường đòi giấy khai sinh. Cha sinh mẹ đẻ đến 15 tuổi đầu, trong nhà cứ gọi tôi là “Chăn Cà Thum” cho dễ nuôi. Ông tôi muốn chính quyền thời đó không biết tôi là con của Việt Cộng “cợm” nên khai sinh tôi là con trai út của ông, mang họ của ông, họ Nguyễn, tên là Ngọc. Chăn Cà Thum thành Nguyễn Ngọc. Ông tôi rất cẩn thận, khai tuổi thiệt thì 2 năm nữa là tôi phải đi lính quân dịch, cầm súng chống lại đồng chí của cha mẹ.

Chưa biết ngày nào hòa bình, thanh niên trong làng sống nay, chết mai khi bị bắt lính. Ông tôi tìm thằng Niên, con dì Năm, nhỏ hơn tôi 5 tuổi theo ông lên tỉnh hầu tòa Sơ thẩm để làm tờ “Thế vì khai sinh”. Thằng Niên phải được dạy để khai trước tòa tên Ngọc, sinh 1963. Dĩ nhiên cái “Thế vì khai sinh” ấy là của tôi. Từ 15 tuổi tôi chỉ còn 10 tuổi, học lớp 5 trường huyện. Rắc rối lại xảy ra, tôi học trước 1 tuổi. Thầy giáo bày cách làm đơn “Miễn tuổi” gởi Ty Tiểu học. Rồi mọi thứ “đầu xuôi, đuôi lọt”.

Tháng 4 năm 1975, tôi tròn 17 tuổi, “đầu chò vò” nhưng trong giấy tờ chỉ có 12 tuổi, học lớp 7 trường tỉnh. Mấy anh cùng tuổi tôi hoặc lớp 11 phải làm “Lược giải cá nhân”, tức là quân dự bị, có thể bị bắt lính bất cứ lúc nào. Đầu năm học, nhiều bạn bè bỏ học. Một số anh lớp 11-12 tụ tập nhau đánh lộn với học sinh trường Kỹ Thuật, đánh luôn mấy ông thầy giám thị, vốn là sĩ quan biệt phái... rồi kéo nhau bỏ học. Hóa ra ông tôi khai sinh sụt tuổi cho tôi lại hay.

Ngày 17 tháng 4, trong giờ học môn lịch sử của cô giáo Văn Huệ Thu, bỗng có tiếng đạn pháo nổ chát chúa, cô Thu té xỉu. Sau đó hàng loạt đại bác nổ cạnh thành Pháo binh của Tiểu khu Vĩnh Long. Cuối giờ học hôm ấy, thầy hiệu trưởng cho tập hợp học sinh dưới cờ tuyên bố năm học kết thúc. Học sinh chúng tôi như bầy chim vỡ tổ, được nghỉ học trước một tháng. Trên đường xuống bến tàu về nhà ở cù lao Minh, đi ngang bênh viện Nguyễn Trung Trực, đối diện Ty Cảnh sát Quốc gia, dân nháo nhác chạy trốn vì một trái đại bác vừa nổ trên đường.

Ngày 18 tháng 4, tôi lại tiếp tục thả trâu ra đồng như ngày nào. Bỗng có một tốp lính từ xã chạy lên phía nhà ông tôi. Tôi đâm lo, không biết chuyện gì xảy ra, lỡ phát hiện “Việt Cộng” thì khổ cả xóm. Tôi leo lên rặng ô môi cao nhất cánh đồng quan sát. Thì ra tốp lính bắt anh Hai Bui, con dì Tư Tiền trong xóm. Tôi chạy một mạch vào xóm để coi chuyện gì. Hóa ra họ bắt Hai Bui, lớn hơn tôi một tuổi, vì tội “hủy hoại thân thể”. Hai Bui tới tuổi quân dịch nên sợ quá dùng búa đốn cây phang lìa hai ngón chân cái và trỏ của bàn chân phải.

Ngày hôm sau, hai thằng bạn giữ trâu của tôi là Bé On, Út Bầu ở xóm Bà Cò chơi cái chiêu chặt ngón tay trỏ bên phải, ngón tay ngoéo cò súng. Người nhà phao tin hai chàng thanh niên “thất tình”.

Ba thanh niên làng tôi bị bắt nhưng gia đình chẳng ai buồn vì biết các anh chắc chắn khỏi đi lính, chỉ cần lo một số tiền đút lót là được về nhà.

Ngày 30. 4. 1975, nhằm ngày 20 tháng 3 âm lịch, cậu Bảy Sụ (Bùi Văn Bảy) trong xóm kêu tôi dắt trâu trục 2 công đất của ông để cấy lúa IR8. Tám giờ sáng, ông bơm nước ngập ruộng mênh mang. Sau đó ông tắt máy, xách cái radio hiệu Standard 3-band đem ra bờ ruộng. Tới chương trình thời sự Đài Giải Phóng, Đài Hà Nội, Đài VOA, Đài BBC là ông réo oai oải, bắt tôi dừng trâu trục để nghe thời sự mà cùng ông bình luận. Nghe quân ta tiến tới đâu thì ông la làng lên. Mấy người trong xóm kéo ra đồng cùng tham gia “bình lựng”. Rồi chẳng ai thèm cày, trục, cấy lúa gì hết, quây bên radio để nghe tin sốt dẻo.

- Cha! Cái đài Sài Gòn sao hát nhạc không vậy ta?

Cậu Bảy Sụ nhận xét. Anh Hai Luông châm vô:

- Chắc trốn hết rồi!

Quá 11 giờ, cậu Bảy Sụ la lớn:

- Tới đây tụi bây, nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố nè!

Mọi người lao nhao:

- Nghe nói ông Minh có em đi bên mình. Lại trời cho ổng xuôi tay để trời êm bể lặng. Làng mình thanh niên què cụt hết rồi.

Tiếng Dương Văn Minh phát ra từ Đài Sài Gòn. Cậu Bảy Sụ lại la lớn:

- Trời ơi! Hòa bình rồi! Hòa bình rồi bà con ơi! Không cày cấy gì hết, tụi bây về nhà tao mần heo ăn mừng.

Bữa đó, làng tôi nhà nào cũng mần gà, mần heo. Cậu Bảy Sụ “triệu” tôi lên nhà ông. Con nít đời nào ông cho nhậu. Vậy mà ông bắt tôi phải “lỳ lam” làm một ly. Tôi sơ vơ, sững vững. Cảm giác vừa say rượu, vừa say cái gì lạ lắm. Rồi mấy thằng bạn học, bạn giữ trâu tụ tập lại: thằng Hồng, thằng Manh, thằng Nguyên, thằng Hiệp.... Bọn tôi hát vang bài hát Việt Nam quê hương ngạo nghễ , Nối vòng tay lớn, mấy bài hát được học trong nhà trường. Ông Bảy Sụ nổi máu bắt nhịp bài Lên đàng, Xếp bút nghiên mà thời “9 năm” ông còn nhớ. Làng tôi trước đây buổi tối không ai được ra đường vì lệnh “giới nghiêm” thì đêm nay, đám thanh niên chúng tôi đốt đuốc lá dừa kéo đầy đường, vừa đi vừa hát mấy bài vừa nêu. Nhớ lại thời đó, thấy bọn tôi quả là “khùng khùng”. Hôm sau, một chiếc ghe chở toán người vũ trang, đứng đầu là chú Nguyễn Tấn Đạt (bà con thân mật gọi là Hai Đèo) về làng, tiếp nhận sự đầu hàng của chính quyền cũ. Bấy giờ, bọn trẻ chúng tôi mới tin hòa bình là sự thật. Chú Hai Đèo, Bí thư xã gọi bọn thanh niên chúng tôi lại phân công đi phát tài liệu chính sách 10 điểm của Mặt trận. Một tuần lễ sau, chi Đoàn Thanh niên được thành lập. Thời điểm này thật là vui như Tết. Chúng tôi đi làm công tác trật tự, kêu gọi binh lính Sài Gòn đầu hàng. Nhưng chúng tôi khỏi gọi, lính làng nghe cách mạng về mừng như chết đi sống lại. Đặc biệt đi đến đâu bà con đều lo cơm nước cho chúng tôi. 

Rồi 3 tháng hè qua. Tháng 8, tôi lại trở về trường học tham gia công tác xã hội. Vui nhất là tôi được trở thành Đoàn viên đầu tiên của lớp 8L sau ngày giải phóng.

Thoắt đó mà 37 năm. Tôi thật sự hạnh phúc hơn thế hệ cha anh vì được hưởng trọn vẹn 37 năm hòa bình, được học hành, được làm những công việc mà mình mơ ước. Tháng 4, ký ức không thể nào phai trong tôi! 

Nguyễn Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bộ trưởng nội các chiến tranh Benny Ganzt

Căng thẳng chính trị Israel sôi sục

GD&TĐ - Sự chia rẽ và bất đồng trong nội các Israel về cách tiến hành và các ưu tiên của cuộc chiến chống lại Hamas đã âm ỉ kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Bệnh đạo ôn hại lúa và hai chủng xạ khuẩn phòng trị hiệu quả bệnh đạo ôn hại lúa ở vùng đất nhiễm mặn.

Xạ khuẩn trị bệnh đạo ôn trên cây lúa

GD&TĐ - Việc nghiên cứu ứng dụng xạ khuẩn được xem là giải pháp đầy triển vọng và có nhiều tiềm năng thay thế thuốc hóa học để phòng, trị bệnh đạo ôn.