Giành giật với tử thần
Bà Nguyễn Thị Mến đang công tác tại Bệnh viện Việt Pháp. Một buổi chiều cuối tháng 2, chúng tôi được bà kể lại tường tận những ký ức về căn bệnh từng cướp đi sinh mạng của nhiều y bác sĩ đang công tác tại đây.
Đó là một buổi sáng tháng 3/2003, bà Mến thấy toàn thân ớn lạnh, sốt, cơ bắp đau nhức. Khi gọi điện đến bệnh viện xin nghỉ, bà được biết một vài đồng nghiệp khác cũng có triệu chứng tương tự.
Những triệu chứng trên xuất hiện sau khi bà và đồng nghiệp tiếp xúc với bệnh nhân Chong Cheng (quốc tịch Mỹ). Trước đó, vào ngày 26/2 người đàn ông này đã nhập viện Việt Pháp với các triệu chứng giống cúm nên được thăm khám và điều trị giống như với bệnh cúm thông thường khác.
“Thời điểm nhập viện, có lúc bệnh nhân này ho liên tục trong 40 phút, khạc đầy một bô đờm, dính cả máu. Tôi và y tá Lượng là người trực tiếp chăm sóc cho ông Cheng nhưng không dùng bất cứ biện pháp phòng ngừa nào.
Đơn giản, lúc đó tôi và đồng nghiệp chỉ nghĩ bệnh nhân bị nhiễm cúm thông thường. Vài ngày sau, tình trạng ông Cheng nguy kịch được gia đình thuê chuyên cơ đưa về nước. Còn chúng tôi lần lượt đều sốt, ho với biểu hiện giống hệt ông Cheng”, bà Mến kể lại.
Ngày 5/3, bà Mến hôn mê sâu và phải nhập viện khẩn cấp để điều trị. Khi tỉnh dậy, điều đầu tiên bà Mến thấy là 2 y tá Sinh và Lượng cũng đang nằm trong phòng. Riêng y tá Uyên là trưởng kíp trực dù rất mệt và đau đớn nhưng vẫn phải chờ hết ca để nhập viện.
Ngày 8/3, bà và những đồng nghiệp được chuyển sang khu cách ly để hạn chế lây bệnh: “Đêm hôm đó, Uyên ho rũ rượi, đi chụp X-quang phổi đã trắng xóa. Còn tôi cảm giác như có người bóp cổ, dìm xuống đáy sông, không thở được. Bụng đau như cắt, từng thớ cơ trên người như bị giằng xé. Chúng tôi cảm thấy mình như bị tra tấn”, vừa nói đôi bàn tay chị vừa đan chặt vào nhau, hai môi mím chặt nén tiếng thở dài.
Cuối tháng 3, bà Mến tỉnh dậy trong sự vui mừng tột độ của đồng nghiệp và người thân. Bản thân bà không biết rằng trước đó mình bị hôn mê sâu khiến mọi người rất lo lắng.
“Khi đó, mọi người chạy ra ôm hôn, chúc mừng tôi. Phóng viên, nhà báo lúc đó đến kín cửa phòng để đợi được ghi hình, phỏng vấn”, bà Mến nhớ lại. Sự phục hồi của bà Mến ngày ấy được xem như một kỳ tích bởi những người mắc bệnh trước đó đều phải đặt nội khí quản và đau buồn là không ai qua khỏi.
Tỉnh dậy sau hôn mê, điều đầu tiên bà Mến làm là hỏi thăm về 2 đồng nghiệp Uyên và Lượng thì tất cả đều nói khỏe rồi. Tuy nhiên, khi bà Mến đề nghị muốn được sang thăm 2 đồng nghiệp thì mọi người đều lắc đầu và giải thích “đang trong diện cách ly”.
Tối hôm đó, bà Mến mở tivi và biết được bản tin về dịch SARS. Theo thống kê đến thời điểm đó đã có 6 bệnh nhân nhiễm SARS tử vong. Choáng váng hơn khi bà Mến biết được trong số 6 bệnh nhân tử vong đó tất cả đều là đồng nghiệp của bà trong số đó có cả 2 y tá Uyên và Lượng.
Cả gia đình bị kỳ thị, cách ly
Biết mình vừa thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” nhưng bà Mến không biết rằng những người thân trong gia đình mình bị cách ly từ khi bà vẫn còn đang chiến đấu để giành giật sự sống trên giường bệnh.
“Những ngày sau đó thật sự là một cơn ác mộng khi cuộc sống gia đình tôi bị đảo lộn bởi những lời kỳ thị. Bản thân chồng tôi mỗi khi có việc gì đều phải chờ trời tối mới dám ra ngoài. Nếu muốn mua gì cũng phải chọn một cái quán nào thật xa không ai nhận ra mình.
Các con thì không được đến trường. Nhà trường cho biết, con tôi muốn đi học phải có xét nghiệm máu. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện lại không dám làm xét nghiệm cho cháu. Họ bảo cháu đi học thì phụ huynh sẽ phản đối, cho con nghỉ hàng loạt. Bố tôi sau khi xuống thăm con trở về nhà cũng bị mọi người xa lánh, không dám tiếp xúc”, bà Mến nhớ lại.
Không dừng lại ở việc bản thân mình và người thân bị kỳ thị, xa lánh, một gia đình em bé được bà Mến chăm sóc ở viện trước khi nhiễm SARS cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự.
Bà Mến tâm sự: “Gia đình cháu bé có cửa hàng gas. Tuy nhiên, sau khi người dân biết gia đình này từng tiếp xúc với tôi thì chẳng một ai dám đến đây mua hàng nữa. Mấy tháng sau gia đình này phá sản”.
Trong trí nhớ của bà, thời điểm dịch SARS hoành hành tại Việt Nam, người dân sống ở Hà Nội gặp ai cũng phải dè chừng. Người người bịt khẩu trang kín mít, hạn chế tiếp xúc, trò chuyện. Trừ khi có việc tối cần thiết còn lại chẳng một ai muốn ra đường vào thời điểm đó. Phố Phương Mai trước cổng Bệnh viện Việt Pháp vắng vẻ không một bóng người.
Hàng loạt các sự việc xảy ra nối tiếp nhau cộng thêm việc nhiều đồng nghiệp tử vong do SARS khiến bà Mến bị stress nặng. Là người may mắn sống sót sau khi nhiễm SARS nhưng căn bệnh quái ác đã để lại cho bà quá nhiều di chứng.
Một tháng sau khi ra viện bà vẫn còn cảm thấy khó thở, hàng đêm đều có cảm giác như bị ai chụp túi nilon vào đầu khiến bà không thể thở nổi.
“Mất ngủ triền miên, tôi phải có người bóp chân, gội đầu mới có được giấc ngủ. Chồng tôi tình nguyện đêm nào cũng bóp chân cho vợ, 2 người nằm trở đầu nhau như thế suốt mấy năm. Quen đến nỗi sau này cứ phải bóp chân cho vợ chồng mới ngủ được”, bà Mến chia sẻ.
Những ký ức kinh hoàng về dịch SARS năm nào vẫn còn in hằn lên trên da thịt và cuộc sống của bà Mến. Vùng đầu bà vẫn mất mảng tóc do nằm lâu, còn sẹo ở cổ do mở nội khí quản, mũi một bên to, bên nhỏ do đặt ống thở.
Hàng ngày bà vẫn phải kiên trì luyện tập đôi chân, mỗi ngày chạy 4 vòng quanh Lăng Bác. Năm ngoái, bà vừa leo Fanxipang. Năm nay, bà dự định sẽ leo tiếp vì vẫn đang còn phải chiến đấu với di chứng của SARS.