Ký túc xá thời @: Buồn vui nghề quản lý ký túc

Ký túc xá thời @: Buồn vui nghề quản lý ký túc

(GD&TĐ) - Đứng đầu một “gia đình” lớn với hàng nghìn người; vừa đóng vai trò là nhà quản lý; lại như cha, mẹ; vừa là người thầy; thậm chí nhiều khi phải vào vai “điều tra viên”... nhân vật “bí hiểm” có vai trò vô cùng quan trọng nhưng lại rất ít được xã hội nhắc đến này được các sinh viên trong KTX gọi yêu là “ma ma tổng quản”.

Các buổi sinh nhật trong ký túc
Các buổi sinh nhật trong ký túc

Trăm phương nghìn kế để có “Giấy xác nhận mất cắp”

Không được đào tạo bài bản, chủ yếu làm việc vì tình yêu nghề và trách nhiệm, những “ma ma tổng quản” kinh qua nghề quản lý ký túc đều chia sẻ: Công việc đã cho họ những trải nghiệm quý giá, nhiều hạnh phúc, niềm vui nhưng cũng có nỗi buồn, thậm chí cả những kinh sợ để đời...

Một cán bộ làm công tác quản lý ký túc lâu năm ví von, gia đình hiện đại, vợ chồng với hai con nhiều khi quản lý đã khó; huống hồ đây là một ngôi nhà chung khổng lồ với hàng nghìn đứa con, hàng nghìn hoàn cảnh, tính cách vô cùng phức tạp. Giống như một xã hội thu nhỏ, trong KTX có tình yêu, đoàn kết, nhưng cũng có cả xích mích, mâu thuẫn; có bệnh tật, ốm đau; cũng không tránh khỏi đâu đó xuất hiện tệ nạn, cờ bạc, rượu chè, trộm cắp... Người làm công tác quản lý phải sẵn sàng đối mặt với tất cả những điều đó.

Vị này kể: Có lần, sáng sớm tinh mơ đã thấy một nữ sinh viên hớt hải xuống báo bị mất một máy tính xách tay trị giá cả chục triệu đồng. Cô bé khóc lóc, nói đây là tài sản mà cha mẹ phải dành dụm cả hai vụ lúa; sau đó một mực xin giấy xác nhận của Ban quản lý bị mất tài sản.

Lên phòng điều tra thì được biết, trong cả ngày hôm trước và tối hôm xảy ra mất cắp lúc nào phòng cũng có người. Lại có thông tin người yêu của nữ sinh viên này là sinh viên ĐH trường bên hay chơi lô đề. Nghi ngờ xác minh tới lui, dùng cả tình cảm để hỏi chuyện như con cháu trong nhà, cuối cùng nữ sinh viên đó thú nhận cho bạn trai mượn máy tính và bị anh chàng “cắm nợ”.

“Chuyện ăn trộm trong KTX cũng có và nguyên nhân thì muôn hình vạn trạng. Nhưng không ít trường hợp sinh viên tự lấy vật dụng của mình đi cầm đồ rồi giả vờ mất cắp hòng kiếm được chứng nhận của ban quản lý ký túc, làm bằng chứng giũ sạch tội với cha mẹ” – Một “ma ma tổng quản” cho biết. 

KTX ĐH Sư phạm Hà Nội 2 là một môi trường tốt cho các sinh viên. Sạch sẽ thoáng mát với giá cả không đắt
KTX ĐH Sư phạm Hà Nội 2 là một môi trường tốt cho các sinh viên. Sạch sẽ thoáng mát với giá cả không đắt

Bạt vía SV mộng du trong đêm tối

Những sợ hãi của “ma ma tổng quản” có khi làm họ phát đau tim. Một đêm trực, đúng 9h tối, thấy khói ngùn ngụt bay ra từ một phòng nữ. Huy động mấy sinh viên nam khỏe mạnh đạp cửa thấy lửa đã liếm đến chăn gối, sách vở, quần áo. Lần ấy, quá nửa sinh viên trong phòng bị mất trắng tài sản. Vừa giận, lại vừa thương vì nguyên nhân là do một em bất cẩn dùng sục đun nước rồi bỏ đi chơi mà quên không rút điện. 

Câu chuyện ly kỳ về một nam sinh viên mộng du cũng được kể lại. Cứ đêm xuống, khi các phòng ký túc đã sáng đèn, người quản lý làm công tác trực đêm lại thấy bóng một sinh viên lướt từ đầu đến cuối hành lang. Đôi lúc, anh chàng này đứng lặng cả tiếng ở lan can ngắm trời đêm. Lúc đầu tưởng đây là sinh viên đang yêu, hoặc thất tình hay có chuyện gì buồn nên có tâm lý bất thường; nhưng chuyện này lặp đi lặp lại hàng đêm; thậm chí nhiều sinh viên nữ yếu bóng vía thêu dệt thành chuyện ly kỳ. 

Khi ban quản lý ký túc vào cuộc, gọi điện trao đổi với gia đình nhiều lần mới biết sinh viên này không chỉ mộng du mà còn bị bệnh tâm lý, nhưng vì lo lắng con không được ở ký túc nên giấu không ghi bệnh lý trong hồ sơ. Ban quản lý khuyên gia đình đưa con đi chữa bệnh. Rất may bệnh tiến triển tốt và hiện nay, nam sinh viên này đã đi học trở lại và tiếp tục được nhận vào ở trong ký túc.

Tình người nơi ký túc

“Tôi đã nhiều lần kể với cháu tôi chuyện này và lần nào cũng thấy cay cay mắt” - một cán bộ làm trong nhà ăn KTX về hưu xúc động mở đầu câu chuyện:

“Thời đó, chỉ cần 1.500 đồng là có thể có một suất cơm trong ký túc. Tôi để ý một nữ sinh viên người Thanh Hóa vì cô bé rất xinh xắn, lễ phép và mỗi lần mua cơm không bao giờ quá 1.000 đồng. Nhưng cô bé chỉ mua cơm bữa trưa, chưa bao giờ cầm cặp lồng mua cơm tối. Tò mò hỏi chuyện các sinh viên cùng phòng, tôi mới được biết, suất cơm đó là khẩu phần ăn cả ngày. Cô bé không có cha, mẹ lại đau ốm liên miên nên nhà rất nghèo. Có đủ 1.000 tiền ăn một ngày đã là cố gắng lắm. Có những đợt thi, phải thức đêm học bài, cô bé đã không ít lần ngất xỉu vì đói quá. Khi nghe tôi đề nghị đến làm việc trong nhà ăn, cô sinh viên này nhất quyết không nhận tiền công, chỉ xin được trả bằng ngày hai bữa cơm. Hiện, cô bé đó đã là giáo viên một trường THPT có tiếng”. 

Những câu chuyện xúc động như vậy ngày nay cũng có không ít. Mới đây, ông Trần Phúc Hòa - Giám đốc Trung tâm dịch vụ - nhà ăn - KTX của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội - kể lại: Trong quá trình đi kiểm tra việc sinh hoạt, ăn ở của các sinh viên trong ký túc, ông phát hiện một trường hợp khá đặc biệt. Đó là giường một sinh viên nữ quê ở một vùng giáp Lào của Nghệ An lúc nào cũng để rất nhiều những gói mì tôm trần loạt rẻ tiền nhất. Tìm hiểu ra mới biết nữ sinh viên này đã “độc diễn” loại mì này cả tháng vì gia đình quá nghèo không đủ tiền ăn. Nghe vậy, ông và ban quản lý ký túc đã quyết định tạo điều kiện cho em đến làm việc bán thời gian tại nhà ăn. “Ít nhất thì đến nay, cô bé này không phải lo ăn từng bữa” - ông Hòa tâm sự.

KTX Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội còn một trường hợp sinh viên quê ở Hà Nam mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sinh viên này, theo đúng quy định được miễn tiền học phí, tiền ở trong ký túc nhưng sinh hoạt hàng ngày vẫn rất khó khăn. Ông Hòa tiết lộ Ban quản lý đang đề nghị đưa em vào làm thêm trong nhà ăn để giúp em không phải lo tiền ăn, đồng thời có thêm chút thu nhập trang trải cuộc sống.

Ai nói quản lý sinh viên chỉ chiếu theo quy định chắc không biết về cuộc sống của những con người trong ký túc. Và cũng dễ hiểu khi cha mẹ đều tin tưởng khi gửi gắm con cho nhà trường, cho ban quản lý. Dù đa số ký túc xá còn khó khăn điều kiện cơ sở vật chất, nhưng chính tình người ấm áp là lý do cho câu nói của sinh viên nhiều thế hệ: “Chưa ở ký túc, chưa phải sinh viên!”.

Theo một cán bộ quản lý ký túc, đừng tưởng quản lý ký túc nhiều nữ là nhàn việc. Cô đã nhiều lần bạt vía vì những vụ đánh ghen khủng khiếp, chủ yếu là từ những nam sinh viên trường ngoài. Thậm chí có những lần dùng đến cả vũ khí, dao kéo gây thương tích làm cả ký túc hoảng sợ.

Hiếu Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ