Kỳ tích mới: Biến sa mạc thành đất trồng trong 7 giờ

GD&TĐ - Trong một dự án nghiên cứu chưa từng có, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) gần đây đã trồng lúa tại một trang trại khô cằn ở Sharjah.

Đất sa mạc đang được cải tạo bằng đất sét nano lỏng trước khi có thể trồng cây.
Đất sa mạc đang được cải tạo bằng đất sét nano lỏng trước khi có thể trồng cây.

Dự án là chương trình hợp tác giữa UAE và Tổng cục Phát triển Nông thôn (RDA) của Hàn Quốc (viết tắt là MoCCAE). Giai đoạn thử nghiệm của dự án cho thấy kết quả rất khả quan, tạo ra 763kg gạo/1.000 m2. 

Định hình tương lai

Theo MoCCAE, dự án đột phá trên có tiềm năng định hình tương lai của ngành nông nghiệp vì có thể nhân rộng ra các vùng khô hạn khác. Giai đoạn thứ 2 của dự án lúa gạo đang được tiến hành, trong khi nước này cũng đang tìm cách canh tác các loại cây khác, bao gồm cà phê và lúa mì. 

Từ việc tăng sản lượng lương thực địa phương đến khám phá ra các cách để đa dạng hóa nguồn nhập khẩu lương thực, UAE đã thực hiện một cách tiếp cận 2 hướng để thúc đẩy an ninh lương thực và đáp ứng nhu cầu nội bộ trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

UAE đã tăng 10 bậc trong Chỉ số An ninh lương thực toàn cầu, chuyển từ hạng 31 (năm 2018) lên 21 (năm 2019) trong bảng xếp hạng. Thành tích này phản ánh những nỗ lực của chính phủ UAE trong việc phát triển đất nước trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về đổi mới – thúc đẩy an ninh lương thực.

Mặc dù không dễ để trồng lương thực bền vững trên sa mạc, nhưng ngành nông nghiệp ở UAE đã có những bước phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây nhờ sự đổi mới trong khoa học và công nghệ.

Cải tạo đất bằng nước và đất sét

Desert Control và ICBA đã trồng dưa hấu bí xanh và kê ngọc trai sau khi đất sa mạc được cải tạo.
Desert Control và ICBA đã trồng dưa hấu bí xanh và kê ngọc trai sau khi đất sa mạc được cải tạo.

Trồng cây trên sa mạc là ưu tiên hàng đầu của UAE - quốc gia muốn tăng cường an ninh lương thực khi đang phải nhập khẩu tới 90% lương thực. Năm 2018, Công ty Khởi nghiệp Na Uy mang tên Desert Control đã hợp tác với Trung tâm Nông nghiệp Sinh học Quốc tế (ICBA) của Dubai để bắt đầu tiến hành các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và thực địa.

Tại sa mạc Dubai, Desert Control đang có một phát kiến chỉ làm từ nước và đất sét để biến cát thành đất trồng trọt. Đầu tháng 3, một nhóm nghiên cứu đã đến Dubai và trồng dưa hấu, bí xanh, kê ngọc trai trên sa mạc. 5 tháng sau, vùng đất khô cằn đã được bao phủ bởi những hàng cây xanh mướt với các loại rau củ quả tươi tốt. 

Kỳ tích khó có thể xảy ra trên là do sáng kiến mang tên Liquid Nanoclay (nano đất sét lỏng) của công ty khởi nghiệp Desert Control. Làm từ nước và đất sét, Liquid Nanoclay được thiết kế để phun trên cát hoặc đất cát. Nó sẽ ngấm vào và bám chặt vào các hạt cát, tăng khả năng giữ nước và làm giàu cho đất với các dưỡng chất cần thiết.

Theo Desert Control, hỗn hợp này làm tăng độ phì nhiêu của đất cát nghèo dinh dưỡng và có thể làm giảm hơn một nửa lượng nước sử dụng. Hơn nữa, Liquid Nanoclay có thể biến vùng đất khô cằn thành đất canh tác chỉ trong 7 giờ - công ty cho biết.

Xanh hóa sa mạc

Thu hoạch dưa hấu trên đất sa mạc được cải tạo.
Thu hoạch dưa hấu trên đất sa mạc được cải tạo.

Được nhà khoa học Na Uy Kristian Olesen phát minh vào giữa những năm đầu của thế kỷ 21, công nghệ của Desert Control biến đất sét dày thành chất lỏng “mỏng gần như nước” – Giám đốc Điều hành Ole Kristian Sivertsen giải thích – “Khi được phun lên cát, độ sệt sệt này cho phép nó “nhỏ giọt xuống và thấm ra ngoài”.

Ông Sivertsen cho biết công ty đã giảm kích thước của các hạt đất sét để chúng càng nhỏ càng tốt. “Bạn có thể áp dụng (Liquid Nanoclay) bằng bất kỳ kỹ thuật tưới nào đã biết, thậm chí có thể sử dụng một vòi phun nước”.

Tổng Giám đốc Ismahane Eloufi của ICBA cho biết, các phòng thí nghiệm bị đóng cửa do Covid-19 nhưng những thử nghiệm thực địa đang diễn ra tốt đẹp. “Nếu kết quả mà chúng tôi thấy tiếp tục khả quan và được xác nhận trên các loại rau và hạt kê ngọc trai, nó có thể sẽ giúp ích rất nhiều cho các quốc gia có môi trường sa mạc”, bà nói.

Với tình trạng sa mạc hóa đang gia tăng trên toàn cầu, những cải tiến cho phép cây trồng phát triển mạnh ở những khu vực khô cằn có thể giúp tăng cường nguồn cung cấp lương thực ở nhiều quốc gia. 

Nhà khoa học về đất Jacqueline Hannam từ ĐH Cranfield ở Anh cho rằng, “đây là một sự đổi mới khá bất thường”. Bà cho rằng, đất giàu sét sẽ giữ được nhiều chất dinh dưỡng và nước hơn, điều này “có thể” làm giảm nhu cầu tưới tiêu. Tuy nhiên, bà Hannam cảnh báo rằng hệ sinh thái sa mạc rất mong manh. “Bạn đang đặt một thứ gì đó khá khác biệt vào hệ sinh thái sa mạc đó, thứ mà bình thường sẽ không có ở đó” – bà cho biết.

Để bảo đảm hệ sinh thái không bị hư hại, Desert Control cho biết quan trọng là phải hợp tác với bên thứ 3 như ICBA – đơn vị có kinh nghiệm chứng nhận công nghệ nông nghiệp trong các loại môi trường này.

Mở rộng quy mô

Sự do dự chính của bà Elouafi xung quanh Liquid Nanoclay là vấn đề chi phí. Ông Sivertsen cho biết, chi phí biến cát thành đất trồng dao động từ 2 - 5 USD/m2. Theo ông Sivertsen, Desert Control đã huy động được 5 triệu USD từ tháng 9/2019 - 3/2020. Với số tiền này, công ty đang phát triển 2 đơn vị có thể sản xuất 40.000 lít Nanoclay lỏng mỗi giờ, đủ để bao phủ diện tích khoảng 1.000 - 2.000 m2. Công ty có kế hoạch phát triển một đơn vị di động có khả năng sản xuất gấp 10 lần số lượng đó và điều này sẽ giúp giảm chi phí.

“Nếu họ có thể giảm giá và làm cho nó phù hợp với những nước có thu nhập thấp nhất thì điều đó có thể có tác động thực sự lớn đến an ninh lương thực và khả năng sử dụng cây trồng của chính họ. Đây sẽ là vấn đề rất lớn” – bà Elouafi cho biết.

Theo CNN/Hortibiz

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.