Kỳ thi tuyển sinh riêng: Xu thế trong tương lai?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các trường có thể tổ chức hoặc kết hợp tổ chức kỳ thi riêng để làm căn cứ xét tuyển đầu vào là khuyến cáo của Bộ GD&ĐT.

Học sinh Vương quốc Anh nhận chứng chỉ giáo dục THPT GCSE. Ảnh: INT
Học sinh Vương quốc Anh nhận chứng chỉ giáo dục THPT GCSE. Ảnh: INT

Bộ GD&ĐT khuyến cáo, khi bắt đầu có thí sinh tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (từ năm 2025), cơ sở giáo dục đại học cần chủ động phương án tuyển sinh. Theo đó, các trường có thể tổ chức hoặc kết hợp tổ chức kỳ thi riêng để làm căn cứ xét tuyển đầu vào.

Cấp thiết

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy: Năm 2022, các trường dành hơn 31.000 chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Số thí sinh nhập học theo phương thức này là hơn 9.000 em, chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức. Các chuyên gia dự đoán năm 2023, số trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi tư duy, năng lực và chỉ tiêu dành cho kỳ thi riêng sẽ tăng lên so với năm 2022.

Năm 2023, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi độc lập đánh giá năng lực xét tuyển đại học hệ chính quy. PGS.TS Nguyễn Đức Sơn – Phó Hiệu trưởng nhà trường trao đổi, từ năm 2020, Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích công nhận tốt nghiệp là chủ yếu.

Các cơ sở giáo dục đại học bắt đầu tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học nhằm đánh giá năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét tuyển đại học. Chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của một số trường đại học tăng dần; chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT cũng giảm.

Yêu cầu đặt ra đối với các trường đại học trong kỳ tuyển sinh năm 2023 là hoàn thiện đề án tuyển sinh; trong đó đặc biệt là phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhắc lại, Bộ GD&ĐT khuyến cáo, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trên tinh thần đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xây dựng và triển khai Đề án “Tổ chức kỳ thi độc lập đánh giá năng lực xét tuyển đại học hệ chính quy” góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh đại học trong cả nước. Trong tương lai, đây là xu thế để các trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào.

Học sinh Phần Lan làm bài thi tốt nghiệp THPT trên máy tính. Ảnh: INT

Học sinh Phần Lan làm bài thi tốt nghiệp THPT trên máy tính. Ảnh: INT

Phù hợp với lộ trình đổi mới

TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam viện dẫn: Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và lộ trình đổi mới tuyển sinh của Bộ GD&ĐT từ nay đến năm 2025, các trường được tự chủ cao trong tuyển sinh gồm: Thi tuyển, xét tuyển và kết hợp thi tuyển - xét tuyển. Trên cơ sở đó, nhiều trường đẩy mạnh tổ chức các kỳ thi riêng (thi đánh giá năng lực, thi đánh giá năng lực chuyên biệt, thi đánh giá tư duy…) để xét tuyển đại học.

Tính đến tháng 1/2023, có 5 kỳ thi riêng do các cơ sở giáo dục đại học tổ chức, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Bộ Công an tổ chức. Trong đó, hai kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được tổ chức với quy mô lớn, lên tới 70.000 - 100.000 lượt thí sinh và hàng chục trường đại học thông báo công nhận kết quả để xét tuyển.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhìn nhận: Kỳ thi đánh giá tư duy mang tính đột phá, không tập trung vào việc kiểm tra kiến thức. Nguyên tắc là, không mất thời gian ôn luyện nhiều, chỉ cần chuẩn bị tâm thế tốt để đi thi, bởi việc rèn luyện tư duy là hành trình dài đã được hình thành trong suốt quá trình học.

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, nếu tiếp tục tổ chức kỳ thi phụ thuộc vào kiến thức, khó tìm được ứng viên có khả năng học tập ổn định và thành công trong môi trường đại học. Đây là kết luận có được từ những nghiên cứu trong nước và quốc tế bởi các nhà nghiên cứu và nhà thực hành giáo dục. Đánh giá tư duy phù hợp với xu hướng quốc tế, đặc biệt khi nhiều công ty trên thế giới bắt đầu thay đổi trong chiến lược tuyển dụng. Bài đánh giá tư duy sẽ bao gồm những câu hỏi, tình huống để đo lường và bao quát khả năng suy đoán, lập luận, xử lý và tích hợp thông tin, giải quyết vấn đề của thí sinh.

Nhìn nhận về xu hướng tổ chức các kỳ thi riêng, cô Quảng Thị Kiệp - giáo viên môn Sinh học, Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai) cho rằng, đó là xu hướng tất yếu mà các cơ sở giáo dục đại học sẽ áp dụng. Theo đó, đơn vị có thể xây dựng đề án tổ chức kỳ thi riêng hoặc sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Kết quả kỳ thi được sử dụng chung cho nhiều trường. Điều này giúp thí sinh có thêm lựa chọn và gia tăng cơ hội học đại học.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, từ năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các cơ sở giáo dục đại học cần tính toán phương thức tuyển sinh. Trong giai đoạn này, Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được tổ chức nhưng rất khó để đáp ứng hoàn toàn cho các trường đại học xét tuyển đầu vào, vì mỗi trường có yêu cầu khác nhau.

Do đó, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường đại học chủ động hợp tác, liên kết tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại địa phương; tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo. Khi tổ chức kỳ thi riêng, cần tạo điều kiện cho thí sinh, tránh việc đi lại tốn kém và phải tham dự nhiều kỳ thi.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Kinh nghiệm trên thế giới

Các quốc gia có cách tiếp cận khác nhau về cách thức công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh. Trong đó, nhiều nước tổ chức một kỳ thi chung để xét tốt nghiệp và các kỳ thi tuyển sinh đại học theo từng trường hoặc cụm trường. Tại Phần Lan, học sinh cuối cấp THPT phải tham dự Kỳ thi quốc gia Phần Lan (Matriculation Examination) để xét tuyển. Bài thi đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức và kỹ năng của học sinh theo yêu cầu của chương trình THPT. Vượt qua kỳ thi này, thí sinh có thể đăng ký vào đại học.

Từ năm 2019, kỳ thi được tổ chức hoàn toàn bằng hình thức kỹ thuật số, bỏ hình thức làm trên giấy. Kỳ thi thường được tổ chức vào mùa Xuân hàng năm. Từ đầu thế kỷ 20, do số lượng người tốt nghiệp THPT tăng nhanh, các trường đại học tại Phần Lan đã quyết định tổ chức các bài thi riêng với nội dung và mức độ kiểm tra tuỳ thuộc vào từng trường để tuyển sinh. Kỳ thi thường kéo dài 6 giờ. Dù diễn ra tại trường đại học, hội đồng giám khảo vẫn do Bộ Giáo dục Phần Lan quy định. Những môn thi chính bao gồm Tôn giáo, Đạo đức, Triết học, Lịch sử, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý và Giáo dục thể chất...

Tương tự, Ấn Độ có Kỳ thi Chứng chỉ THPT quốc gia (AISSCE), còn gọi là Kỳ thi Hội đồng lớp 12. Đây là kỳ thi cuối cùng của bậc phổ thông do Ủy ban Giáo dục Trung học Trung ương tổ chức. Sau khi đỗ kỳ thi này và được xét tốt nghiệp, thí sinh phải tham gia các kỳ thi riêng để ứng tuyển vào trường đại học.

Đáng chú ý, các trường đại học cùng chung chuyên ngành tại Ấn Độ thường tổ chức một kỳ thi chung. Ví dụ, khối trường y khoa cùng tổ chức Kỳ thi tuyển sinh; trường thuộc khối công nghệ thông tin sử dụng chung kết quả của Kỳ thi đầu vào Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT)... Ước tính, Ấn Độ có hơn 10 kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học thuộc nhiều lĩnh vực như y tế, sư phạm, công nghệ, bách khoa...

Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ đang xây dựng một kỳ thi đại học chung trên toàn quốc, gọi là CUET (Common University Entrance Test) do các kỳ thi tuyển sinh riêng bị phản ánh là quá khó, mức độ cạnh tranh khốc liệt.

Còn tại Vương quốc Anh, để tốt nghiệp THPT, thí sinh phải tham dự kỳ thi GCSE hoặc A-Level. Về phía các trường đại học sẽ xây dựng tiêu chí tuyển sinh riêng nhưng thông thường không tổ chức kỳ thi. Thí sinh cần nộp hồ sơ ứng tuyển gồm bảng điểm THPT, điểm A-Level hoặc GCSE và tham gia phỏng vấn. Nhìn chung, thành tích học tập tại trường phổ thông là yếu tố chính giúp thí sinh tuyển sinh vào đại học, thay cho điểm tốt nghiệp THPT hay các chứng chỉ khác.

Tại Singapore, sau khi hoàn tất chương trình trung học, học sinh sẽ tham gia kỳ thi GCE A-Level do Bộ Giáo dục Singapore và Hội đồng khảo thí Trường Đại học Cambridge (Anh) đồng tổ chức. Chứng chỉ GCE A-Level được công nhận trên toàn thế giới, dùng để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Thí sinh sẽ nộp chứng chỉ này cùng với bảng điểm phổ thông, thành tích ngoại khóa để xét tuyển vào cơ sở giáo dục đại học tại Singapore.

Sau khi vượt qua vòng xét tuyển, thí sinh sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh của trường. Đơn cử, Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) tổ chức kỳ thi riêng gọi là UEE (University Entrance Examinations). Viện Giáo dục Quốc gia Singapore (NIE) tổ chức hai vòng thi gồm tự luận và vấn đáp để lựa chọn thí sinh chất lượng cao cho ngành sư phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.