Điều này cho thấy, kỳ thi ngày càng bảo đảm độ tin cậy để sử dụng xét tuyển đầu vào.
Bám sát thông tin
Chỉ trong một tối, nhóm Zalo do cô Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) thiết lập đã thu hút gần 400 học sinh trong trường tham gia. Các em quan tâm đến Kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội và Bài thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.
“Chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi của học sinh lớp 12 về thời gian, địa điểm tổ chức và cấu trúc đề thi. Tất cả băn khoăn, thắc mắc của các em đều được trường tổng hợp và gửi đến các cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Ngoài ra, chúng tôi hướng dẫn học sinh liên hệ đến trường đại học – nơi các em dự định đăng ký xét tuyển nguyện vọng để được giải đáp chi tiết, đúng trọng tâm. Hoặc các em có thể tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh và đặt câu hỏi với chuyên gia để được hướng dẫn tận tình”, cô Yến chia sẻ.
Dự định đăng ký tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH QG Hà Nội tổ chức, Trần Thị Minh Phương – học sinh lớp 12 Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, tháng 3 em sẽ đăng ký online để kịp dự thi vào tháng 5/2023. Em đang tìm hiểu về cách thức tổ chức thi, đồng thời theo dõi xem những trường đại học nào sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển; các trường dành bao nhiêu chỉ tiêu để xét tuyển đối với phương thức sử dụng kết quả kỳ thi này.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội, năm 2022 có trên 60 cơ sở đào tạo đại học tuyên bố sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Năm nay, các trường đang xây dựng Đề án thi nên chưa có số liệu tổng hợp. “Tuy nhiên, với uy tín và chất lượng của kỳ thi, chắc chắn có nhiều ngành đào tạo, trường đại học trong cả nước sử dụng để tuyển sinh thời gian tới” - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh và cho biết:
Đơn vị dự kiến tổ chức 8 đợt thi, từ ngày 10/3 đến hết ngày 4/6. Các ngày thi chủ yếu vào cuối tuần. Các em cần lưu ý lịch thi học kỳ và kỳ thi riêng của các sở GD&ĐT để tránh đăng ký trùng lịch thi. Thí sinh đăng ký thi từ ngày 6/2 cho các đợt thi tháng 3 - 4/2023, đăng ký từ ngày 18/3 cho các đợt thi tháng 5 - 6/2023. Ca thi chỉ đóng khi hết chỗ đăng ký hoặc tối thiểu trước 14 ngày thi chính thức để thực hiện quy trình thi.
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Ảnh: INT |
Tăng chỉ tiêu xét tuyển
Là một trong những cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy, PGS.TS Nguyễn Viết Thái - Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông (Trường ĐH Thương mại) cho hay: Năm 2023, trường dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT (có thể giảm khoảng 10%) và tăng chỉ tiêu với phương thức xét tuyển kết hợp; trong đó có xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Theo đề án tuyển sinh 2023 của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhà trường tuyển sinh 60 mã ngành/chương trình đào tạo, với 6.200 chỉ tiêu và sử dụng 4 phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, nhà trường có điều chỉnh chỉ tiêu của từng phương thức xét tuyển so với năm trước. Cụ thể, chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT giảm từ 35% xuống còn 25%. Xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội tăng từ 2% lên 3%, tổng 2 phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp tăng từ 63% lên 72%.
GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, năm 2023, nhà trường dự kiến tuyển 20 - 30% chỉ tiêu từng ngành từ kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức. Số chỉ tiêu còn lại vẫn sử dụng 4 phương thức tuyển sinh tương tự năm trước: Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành.
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh thông tin, nhà trường dự kiến 4 phương án xét tuyển: Xét học bạ THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT, tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường, xét tuyển bằng điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Năm 2023, trường dự kiến tăng chỉ tiêu của xét tuyển bằng điểm đánh giá năng lực (từ 15% - 20%) và giảm chỉ tiêu với phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT (khoảng 30%).
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh hơn 6.600 chỉ tiêu cho 34 ngành đào tạo, trong đó Digital Marketing (Marketing số) là ngành mới. Thầy Phó Hiệu trưởng Phạm Doãn Nguyên cho biết, nhà trường sử dụng 4 phương thức xét tuyển (xét tuyển theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT; học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn; học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ và xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Năm 2023, nhà trường dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển từ phương thức sử dụng kết quả kỳ thi này.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Trung, năm 2023 trường tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực (dự kiến vào tháng 4 và tháng 6). Nhà trường dự kiến dành 40% chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi đánh giá năng lực kết hợp điểm học bạ THPT, tăng gấp đôi so với năm trước.