Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Sẵn sàng với tâm thế, quyết tâm cao nhất

GD&TĐ - Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã hoàn tất. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã có những chia sẻ, lưu ý, gửi gắm với mong muốn kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, chất lượng.

Thí sinh trên cả nước chuẩn bị tâm thế bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh minh họa
Thí sinh trên cả nước chuẩn bị tâm thế bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh minh họa

Hoàn tất công tác chuẩn bị

- Xin Thứ trưởng cho biết công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đến thời điểm này?

- Đây là năm thứ ba Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức. Nếu 2 năm trước phải tổ chức thành 2 đợt thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì năm nay kỳ thi thuận lợi hơn khi tổ chức trong 1 đợt. Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh vẫn còn khó lường, do đó, mọi công tác chuẩn bị đều tính toán tới phương án phòng, chống dịch bệnh và phương án cho thí sinh (TS) là F0, nghi nhiễm bệnh.

Để triển khai kỳ thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, ngày 27/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021. Năm nay, Bộ GD&ĐT không ban hành Quy chế thi mới, mà chỉ ban hành hướng dẫn, triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi; xây dựng và công bố đề thi tham khảo làm cơ sở cho việc ôn tập của học sinh, giáo viên. Đề thi tham khảo có sự cân đối, tính toán tới 3 năm học bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19.

Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT triển khai cho TS học lớp 12 đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Đến 28/6/2022 có hơn 1 triệu TS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó TS đăng ký trực tuyến chiếm tỷ lệ 93,12%. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm thử phần mềm hỗ trợ ra đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, rà soát phần mềm chấm thi trắc nghiệm trước khi gửi về cho các địa phương.

Công tác tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, kiểm tra, thanh tra thi của Bộ GD&ĐT đã thực hiện theo kế hoạch. Đề thi gốc được vận chuyển an toàn về các Hội đồng in sao đề thi của các địa phương. Năm nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi được các tỉnh/thành phố thực hiện chủ động hơn - do đã có kinh nghiệm từ năm trước. Hầu hết tỉnh/thành phố đều ban hành Chỉ thị về việc tổ chức kỳ thi, thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, cấp huyện do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện làm Trưởng ban.

Bộ GD&ĐT đã triển khai 5 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia kiểm tra, khảo sát công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại hơn 20 tỉnh. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, công tác chuẩn bị của các địa phương đã nhận được sự chỉ đạo rất quyết liệt, sâu sắc và bài bản.

Tất cả tỉnh/thành phố đều ban hành Chỉ thị về công tác tổ chức thi, thành lập các ban chỉ đạo, đồng thời chuẩn bị đầy đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi; bảo đảm các quy định phòng dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, dự phòng các tình huống có thể xảy ra như thiên tai, mưa lũ, dịch bệnh... Nhiều địa phương có hình thức hỗ trợ về đi lại, ăn ở cho học sinh ở xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng “không để TS nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hoặc đi lại khi tham dự kỳ thi”.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: Thế Đại

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: Thế Đại

Địa phương chuẩn bị khá kỹ các điều kiện phòng, chống dịch

- Thứ trưởng đề cập công tác chuẩn bị cho kỳ thi năm nay đều có tính toán phương án phòng, chống dịch bệnh. Thứ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về những biện pháp đảm bảo an toàn cho TS và người tham gia công tác tổ chức kỳ thi năm nay?

- Tổ chức kỳ thi trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến khó lường, nhất là tổ chức cho học sinh diện F0 hoặc những học sinh nghi nhiễm là thách thức không nhỏ với các địa phương. Ngày 30/5, Bộ GD&ĐT có công văn hướng dẫn việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho TS bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Trong đó, Hội đồng thi tạo điều kiện để người tham gia công tác tổ chức thi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong suốt quá trình làm nhiệm vụ và theo dõi sức khỏe sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác tổ chức thi tại Hải Phòng

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác tổ chức thi tại Hải Phòng

Bố trí tại mỗi điểm thi có phòng thi riêng dành cho TS thuộc diện F0 và ca bệnh nghi ngờ bảo đảm cách biệt với các phòng thi khác của điểm thi và đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bố trí đủ số lượng cán bộ coi thi và cán bộ giám sát cho phòng thi riêng tại các điểm thi. Chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết cho cán bộ coi thi, cán bộ giám sát các phòng thi riêng thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch Covid-19.

Qua kiểm tra tại nhiều tỉnh/thành phố những ngày qua cho thấy, các địa phương đã chuẩn bị khá kỹ điều kiện phòng, chống dịch theo đúng quy định. Nhiều địa phương đã có cách làm linh hoạt, sáng tạo, nhất là trong việc bố trí phòng thi, lối đi riêng cho TS là F0, đảm bảo an toàn chung cho cả Hội đồng thi.

Năm nay, TS F0 có hai trường hợp, một là được đặc cách theo quy định, hai là trường hợp muốn tham gia dự thi vẫn có thể đăng kỳ dự thi. Vì vậy, một trong những vấn đề đặt ra với ngành Y tế các địa phương là xác nhận học sinh F0 sao cho đúng người, đúng bệnh, đáp ứng được yêu cầu xét đặc cách cho các em. Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương đã thực hiện tốt yêu cầu này.

Mặc dù, dịch bệnh Covid-19 không còn tác động trên diện rộng như kỳ thi năm ngoái, dù các địa phương đã có kinh nghiệm cũng như sự chuẩn bị tích cực. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo thi quốc gia khi làm việc với các địa phương đều nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo là “không chủ quan”.

Sự nghiêm cẩn trong mỗi kỳ thi là một bước tiến nhằm tạo sự công bằng và bình đẳng cho từng thí sinh. Ảnh minh họa

Sự nghiêm cẩn trong mỗi kỳ thi là một bước tiến nhằm tạo sự công bằng và bình đẳng cho từng thí sinh. Ảnh minh họa

Ngăn chặn gian lận thi cử bằng công nghệ cao

- Thiết bị công nghệ cao được sử dụng cho mục đích gian lận thi cử ngày càng tinh vi, phức tạp. Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương thực hiện những biện pháp gì để ngăn chặn việc này?

- Có thể nói, điểm đáng lưu ý với các địa phương ở kỳ thi năm nay là thiết bị công nghệ cao. Trong bối cảnh công nghệ phát triển, các thiết bị tinh vi có thể hoạt động ở khoảng cách xa tới hàng chục mét. Để hạn chế tối đa gian lận bằng thiết bị công nghệ cao, năm nay Bộ Công an đã đề xuất đưa vào hướng dẫn thi quy định “khu vực để đồ của TS phải cách 25m so với địa điểm thi”. Ban đầu, một số địa phương, nhất là thành phố lớn cho là khó thực hiện; tuy nhiên, qua báo cáo và kiểm tra, đến nay, tất cả điểm thi đều có phương án để thực hiện nghiêm quy định nói trên, nhằm đảm bảo một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, công bằng cho mọi TS. Ngoài ra, với khu vực thi gần nhà dân, công an địa phương đều thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn như: Cho các hộ dân ký cam kết; hướng dẫn các hộ dân về việc đảm bảo an ninh, an toàn trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Kỳ thi THPT năm nào cũng diễn ra, với các địa phương đây là chuyện không mới và đã có kinh nghiệm. Tuy nhiên, chúng tôi luôn lưu ý không được chủ quan, bởi một sơ suất nhỏ có thể gây ra hậu quả lớn. Do đó, rất cần địa phương rà soát, xây dựng phương án và kiểm soát được tình hình trực tiếp để giảm tối đa sai sót có thể xảy ra; trong đó có việc phòng, chống thiết bị công nghệ cao để ngăn chặn gian lận.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác tổ chức thi tại Vĩnh Phúc
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác tổ chức thi tại Vĩnh Phúc

- Thứ trưởng có nhắn nhủ, lưu ý gì với các TS và cán bộ coi thi trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022?

- Như đã nói ở trên, tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là những học sinh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong cả 3 năm học. Ngay cả năm học cuối lớp 12, các em cũng có khoảng 70% thời gian học tập trực tuyến. Đây là thiệt thòi của các em, do đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tranh thủ thời gian “vàng” học trực tiếp để bồi dưỡng, củng cố kiến thức cho trò. Đặc biệt giai đoạn những tháng gần kỳ thi, các địa phương, nhà trường đã tăng tốc tổ chức ôn tập cho học sinh.

Tôi đã kiểm tra ở một số trường THPT, trò chuyện với học sinh ở các lớp ôn tập và rất mừng khi các em đều bày tỏ sự tự tin, quyết tâm cao với kỳ thi. Tôi mong các TS bình tĩnh, tự tin, trên cơ sở nội dung đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã ban hành sẽ bước vào kỳ thi với tâm thế, quyết tâm cao nhất.

Một trong những điểm tôi cũng lưu ý khi làm việc với các địa phương là cố gắng hạn chế tối đa, nếu được là đưa về bằng “0” TS, cán bộ làm thi vi phạm quy chế. Làm được điều này chính là vì các em, vì các thầy cô. Không TS nào đến kỳ thi lại mong muốn có kết quả không tốt, không giáo viên nào đến kỳ thi lại mong muốn không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí bị kỷ luật; vì vậy, cần tránh để các vi phạm dù khách quan hay chủ quan ảnh hưởng tới mong muốn của TS và thầy, cô giáo.

Chúc các TS, các thầy, cô giáo sẽ có một kỳ thi thành công!

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Các TS năm nay chịu ảnh hưởng, tác động do dịch Covid-19 trong cả 3 năm học THPT. Để phù hợp với điều kiện, thời gian học tập của các em, đề thi năm nay sẽ tập trung vào những kiến thức mang tính cơ bản và vẫn có độ phân hóa để qua đó phân loại được TS, phù hợp với yêu cầu của nhiều trường đại học dùng kết quả của kỳ thi để xét tuyển. Đề thi sẽ bảo đảm không ra vào các phần đã tinh giản theo hướng dẫn về dạy và học trong các năm học vừa qua của Bộ GD&ĐT. - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ