Tích cực phối hợp chuẩn bịtổ chức Kỳ thi
Thông tin Bộ GD&ĐT gửi báo chí trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho biết: Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022; thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và phân công trách nhiệm cho các thành viên Ban Chỉ đạo; quán triệt quy chế, ban hành đầy đủ hệ thống các văn bản hướng dẫn tổ chức Kỳ thi.
Bộ GD&ĐT cũng đã rà soát ma trận đề thi, xây dựng và công bố đề tham khảo giúp giáo viên, học sinh các cơ sở giáo dục học tập, ôn luyện chuẩn bị tham gia kỳ thi đạt kết quả tốt; hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi phục vụ ra đề thi cho kỳ thi và hoàn thiện các phần mềm hỗ trợ tổ chức thi cung cấp cho các đơn vị. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng phần mềm quản lý thi; tổ chức đăng ký dự thi cho các đối tượng thí sinh.
Bộ cũng đã chủ động gửi công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành và cơ quan liên quan phối hợp chuẩn bị tổ chức tốt Kỳ thi. Tổ chức rà soát, hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thi và tuyển sinh; phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an rà soát phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã sử dụng năm 2021 bảo đảm an toàn, bảo mật. Các phần mềm này đã được tập huấn cho các địa phương, đơn vị trước khi sử dụng.
Đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến. Theo đó, thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022 thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống Quản lý thi; thí sinh tự do thực hiện đăng ký dự thi trực tiếp tại Đơn vị đăng ký dự thi do Sở GD&ĐT quy định.
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là: 1.002.432. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 933.510, chiếm 93,12%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 68.922, chiếm 6,88%.
Bộ GD&ĐT đồng thời đã tổ chức các hội nghị tập huấn để quán triệt quy chế, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra kiểm tra thi; hướng dẫn và yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai tổ chức tập huấn nghiệp thường xuyên, liên tục, đầy đủ và kỹ lưỡng cho các đối tượng thí sinh và những người tham gia tổ chức thi; thanh tra, kiểm tra Kỳ thi; đề nghị Bộ Công an phối hợp, hỗ trợ công tác tập huấn nghiệp vụ coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra và kỹ năng phát hiện các thiết bị gian lận thi cử.
Các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Y tế và Bộ Công an, đã tích cực phối hợp triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an ninh, an toàn cho các khâu tổ chức Kỳ thi và các hoạt động liên quan đến Kỳ thi. Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở các địa phương tích cực triển khai chương trình “Tiếp sức mùa thi”, tham gia đảm bảo an ninh, an toàn và hỗ trợ thí sinh dự thi...
Dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan thông tấn, báo chí tích cực đưa tin, phản ánh kịp thời các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ GD&ĐT và công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tại các địa phương; giải đáp các băn khoăn thắc mắc và đăng tải kịp thời những thông tin cần thiết tạo được sự đồng thuận của xã hội và giúp giáo viên, học sinh yên tâm tham dự Kỳ thi.
Thực hiện liên tục, xuyên suốt kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi
Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã thành lập 5 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 24 địa phương trên toàn quốc và thành lập 10 đoàn kiểm tra của Bộ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 địa phương.
Các địa phương còn lại được Ban Chỉ đạo kiểm tra bằng hình thức trực tuyến. Hoạt động kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi được các lãnh đạo Bộ GD&ĐT thực hiện liên tục, xuyên suốt từ ngày 24/6 đến ngày 5/7.
Thông qua hoạt động kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương: Hội đồng thi thực hiện nghiêm túc Quy chế, quy định; đảm bảo an toàn, bảo mật; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng phục vụ Kỳ thi hiệu quả; quan trọng nhất là đảm bảo các thí sinh được tạo mọi điều kiện để tham gia Kỳ thi có chất lượng cao nhất.
Một số vấn đề còn hạn chế, thiếu sót của một số Hội đồng thi đã được Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và Đoàn kiểm tra của Bộ nhắc nhở, đề nghị điều chỉnh phù hợp, theo đúng quy định.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 giữ ổn định về phương thức như năm 2021, được tổ chức vào các ngày 7, 08/7/2022; dự kiến, các Hội đồng thi sẽ công bố kết quả thi đồng thời vào ngày 24/7/2022; công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT hoàn thành chậm nhất ngày 26/7/2022.
Địa phương đã sẵn sàng
Báo cáo của các địa phương cũng như ghi nhận của các đoàn kiểm tra cho thấy hầu hết các địa phương trên cả nước đều đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Nhiều địa phương đã ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hoặc Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức Kỳ thi. Tất cả các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, có sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan. Nhiều tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện.
Các Ban Chỉ đạo thi ở địa phương đã phân công, giao nhiệm vụ, trách nhiệm rất cụ thể, rõ ràng cho từng tổ chức, cá nhân tham gia.
Các địa phương chú trọng đến công tác lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức Kỳ thi; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật tổ chức thi; Chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, bố trí các nguồn lực thực hiện các khâu của Kỳ thi theo đúng quy chế và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau Kỳ thi để bảo đảm kỷ cương, giảm vi phạm, tổ chức Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.
Các địa phương đều có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh, đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia Kỳ thi.
Công tác chuẩn bị đề thi được bảo mật, bảo đảm an toàn phòng dịch
Đề thi gốc đã được chuyển đến các Hội đồng thi ở các địa phương để in sao theo quy định, bảo đảm phục vụ tổ chức Kỳ thi theo kế hoạch. Hội đồng ra đề thi thực hiện nhiệm vụ theo đúng yêu cầu tổ chức thi.
Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; các nội dung dạy học được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 (năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022) không được đưa vào đề thi năm nay.
Đề thi gốc được bàn giao cho các Hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời, bảo đảm bảo mật tuyệt đối. Các sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác in sao đề thi tại địa phương.
Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn 2232/BGD&ĐT-QLCL về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Y tế đã ban hành công văn 3252/BYT-MT gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai công tác y tế phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Ngày 28/6/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT dã ký ban hành Quyết định 1816/QĐ-BGD&ĐT bổ sung quy định về đối tượng và điều kiện được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2002.
Các văn bản nêu trên hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp tổ chức thi đáp ứng yêu cầu nghiêm túc, đúng quy chế, đồng thời bảo đảm an toàn phòng chống dịch và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Công việc thời gian tới
Bộ GD&ĐT: Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu tổ chức Kỳ thi: chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi.
Các địa phương: Bảo đảm Kỳ thi được diễn ra tại địa phương an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
Các cơ sở giáo dục đại học: Cử cán bộ giảng viên phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra các khâu tổ chức Kỳ thi theo điều động của Bộ GD&ĐT; Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh ngay sau khi có kết quả thi: Cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường; kịp thời hỗ trợ thí sinh trong việc giải đáp các thông tin liên quan đến tuyển sinh; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho công tác xét tuyển; vận hành tốt các phần mềm tuyển sinh; xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tế của đơn vị để tuyển sinh thuận lợi và hiệu quả.