Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Bước đầu hoàn thành mục tiêu kép

GD&TĐ - Toàn cảnh công tác coi thi và những vấn đề được dư luận quan tâm xung quanh Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được Bộ GD&ĐT thông tin tại họp báo chiều 8/7.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 khép lại với nhiều cảm xúc và trách nhiệm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 khép lại với nhiều cảm xúc và trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ - Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - chủ trì cuộc họp. 

* 981.773 thí sinh dự thi, đạt hơn 96%.
* 23.569 thí sinh không thể dự thi do bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
* 18 thí sinh vi phạm quy chế và bị đình chỉ. 
* Không có cán bộ vi phạm quy chế thi.
* Học sinh phấn khởi vì đề thi vừa sức.

Nỗ lực to lớn

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trách nhiệm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã kết thúc khâu coi thi của Kỳ thi ở đợt 1, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy chế.

Chia sẻ những chuẩn bị chủ động, nghiêm túc, kỹ lưỡng của Bộ GD&ĐT và các bộ ngành, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, đặc biệt ghi nhận nỗ lực to lớn của 63 tỉnh, thành với tinh thần trách nhiệm cao, làm chủ tình huống. Theo đề nghị và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 11/CT-TTg, tăng cường chỉ đạo sở GD&ĐT và các sở, ban ngành liên quan của địa phương nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh để triển khai tổ chức Kỳ thi trên địa bàn phù hợp với thực tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh và tất cả những người tham gia tổ chức thi.

Đáng chú ý, các địa phương đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, như: Bố trí bộ phận y tế chuyên trách tại điểm thi, khử khuẩn toàn bộ các điểm thi, đo thân nhiệt, cung cấp nước sạch và xà phòng rửa tay, khẩu trang cho các thí sinh dự thi... Cập nhật thường xuyên tình hình thí sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, gồm các thí sinh ở những nơi bị phong tỏa hoặc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và các thí sinh thuộc nhóm đối tượng F0, F1, F2 theo phân loại của ngành Y tế để có phương án xử lý phù hợp.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trao đổi: Thông qua kết quả của Kỳ thi nhằm đánh giá việc triển khai dạy - học ở các địa phương; từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp. Đề thi vẫn có sự phân hóa phù hợp, nên nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn sử dụng kết quả này để làm căn cứ tuyển sinh. Qua 2 ngày thi được đánh giá cơ bản thành công, bước đầu hoàn thành mục tiêu kép.

Bố trí điểm thi dự phòng và các phòng thi dự phòng ở mỗi điểm thi để chủ động xử lý các tình huống cụ thể phát sinh theo nguyên tắc bảo đảm an toàn trong tổ chức thi và công bằng cho các thí sinh. Tuyệt đối không gây hoang mang hoặc tạo áp lực tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng đến việc dự thi của thí sinh.

Thực hiện phân luồng đi lại trong điểm thi và tránh việc tụ tập đông người bên ngoài điểm thi để bảo đảm an ninh, an toàn cho điểm thi cũng như công tác phòng chống dịch Covid-19 trong cộng đồng. Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, các địa phương đều có giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong các ngày thi; không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Đơn cử, tỉnh Bình Thuận đưa thí sinh từ đảo Phú Quý vào đất liền dự thi, tỉnh Quảng Ninh đã đưa các thí sinh từ đảo Quan Lạn vào đất liền dự thi... Nhiều địa phương đã triển khai việc ưu tiên xét nghiệm và tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho những người tham gia tổ chức thi và thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho những đối tượng thí sinh có nguy cơ để bảo đảm công tác an toàn phòng chống dịch trong Kỳ thi. Riêng TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho 100% thí sinh dự thi đợt 1.

Ông Mai Văn Trinh cho biết: Theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi của Kỳ thi tại tất cả các điểm thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng; kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm trên phạm vi cả nước. Các hành vi vi phạm Quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của Kỳ thi.

Tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xuất hiện thí sinh bị nhiễm Covid-19 trong quá trình tổ chức thi. Tuy nhiên, do đã chuẩn bị phương án dự phòng từ trước nên các địa phương đã xử lý bảo đảm quy trình phòng chống dịch, đồng thời tổ chức thi an toàn cho các thí sinh.

“Cho đến thời điểm này, công tác coi thi được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy chế” - ông Mai Văn Trinh nhận định.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữa Độ chủ trì buổi họp báo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữa Độ chủ trì buổi họp báo.

Bài học kinh nghiệm cho tổ chức đợt thi thứ 2

Nhiều bài học kinh nghiệm quý được rút ra từ công tác tổ chức thi trong đợt 1. Bài học này được cả Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và Cục trưởng Mai Văn Trinh nhấn mạnh. Theo đó, đầu tiên là quan tâm, sâu sát và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc phối hợp đầy trách nhiệm giữa các bộ, ban ngành, địa phương; luôn làm chủ tình thế, chủ động chuẩn bị sẵn từ trước các kịch bản để ứng phó với các tình huống; tạo sự đồng thuận trong nhân dân và tinh thần luôn đặt học sinh vào trung tâm của mọi hoạt động giáo dục… Đây sẽ là bài học kinh nghiệm để chúng ta tổ chức tốt đợt 2 của Kỳ thi trong thời gian tới.

Công việc tiếp theo, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện phương án và chuẩn bị các điều kiện mọi mặt để tổ chức thi đợt 2 của Kỳ thi vào thời điểm thích hợp theo đề nghị của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu Kỳ thi trong đợt 1.

Với các địa phương, Bộ GD&ĐT đề nghị chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự và các giải pháp kỹ thuật để tổ chức thi đợt 2 của Kỳ thi. Thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm đảm bảo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và các đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi ở 63 Hội đồng thi để tăng cường tính nghiêm minh trong quá trình chấm thi. Tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng; đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi. Triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh bảo đảm đúng quy chế; trong đó, tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh trao đổi nội dung bài làm sau kỳ thi.
 Thí sinh trao đổi nội dung bài làm sau kỳ thi.

Bảo đảm tối đa quyền lợi của thí sinh

Tại họp báo, trả lời câu hỏi về xử lý ra sao với các thí sinh vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 không thể thi tiếp, ông Mai Văn Trinh khẳng định: Cách giải quyết sẽ theo hướng phù hợp với thực tiễn và đặt quyền lợi của thí sinh lên trên. Theo đó, thí sinh phát hiện là F0 trong ngày thi được đặc cách xét tốt nghiệp. Nếu không chọn phương án này, thí sinh có thể đăng ký thi tiếp đợt 2 những môn chưa thi ở đợt 1.

Liên quan đến công tác tuyển sinh, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, với những thí sinh thuộc diện F0 sẽ được xét tốt nghiệp đặc cách nhưng các em chưa có điểm thi nên chưa thể tham gia xét tuyển bằng phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Với những thí sinh này, nếu các em vẫn có nguyện vọng xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, có thể dự thi vào đợt 2 (nếu đủ điều kiện). Ngoài ra, các em có thể tham gia xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau như: Xét kết quả học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… Chỉ tiêu cho các phương thức tuyển sinh khác chiếm tới 45% tổng chỉ tiêu trên toàn hệ thống.

Đối với thí sinh thi đợt 2, để thí sinh yên tâm, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021 trong tình hình dịch Covid-19. Theo đó, Bộ sẽ điều chỉnh lịch xét tuyển đã dự kiến tại Công văn số 1444/BGDĐT-GDĐH để có thể xét tuyển chung từ kết quả của cả 2 đợt thi, như đã thực hiện năm 2020. “Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà Kỳ thi đợt 2 được tổ chức muộn hơn nhiều, dẫn tới không thể tổ chức xét tuyển chung với thí sinh đã tham dự Kỳ thi đợt 1, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn kịp thời, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của thí sinh, đồng thời không ảnh hưởng lớn tới kế hoạch năm học của các trường” – bà Thủy nhấn mạnh.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, năm 2020 hai đợt thi tốt nghiệp THPT được tổ chức muộn hơn so với năm nay, nhưng các trường đại học vẫn đảm bảo tuyển sinh và kế hoạch năm học. Do đó, năm nay thí sinh và các trường vẫn còn quỹ thời gian, nên các em chưa thi đợt 1 yên tâm ôn tập thật tốt để đạt kết quả cao trong thi đợt 2. Trường hợp xấu nhất, Bộ sẽ trao đổi với các cơ sở giáo dục đại học để cùng tham mưu với lãnh đạo Bộ, thống nhất đưa ra phương án tuyển sinh phù hợp nhất.

Tổng số thí sinh đăng ký dự thi năm 2021 là 1.021.340. Tổng số thí sinh dự thi: 981.773 đạt tỷ lệ 96,13%. 
Tổng số điểm thi: 2.233; tổng số phòng thi: 43.139. 
Tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không thể dự thi: 23.569, chiếm tỷ lệ 2,31%.
18 thí sinh vi phạm quy chế và bị đình chỉ. Không có cán bộ vi phạm quy chế thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.