Kỳ thi THPT quốc gia: Huy động mọi nguồn lực

GD&TĐ - Với mặt bằng chất lượng đầu vào thấp, các trường THPT ở vùng cao Nghệ An khá vất vả để vừa “giữ” vừa “dạy” học sinh (HS). Đặc biệt, khi các em đã theo học đến lớp 12, giúp HS vượt vũ môn không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn, mà còn là trách nhiệm, tâm huyết của thầy cô.

Kỳ thi THPT quốc gia: Huy động mọi nguồn lực

Nhìn nhận thực tế năng lực HS

Đặc điểm chung của các trường THPT trên địa bàn vùng cao Nghệ An là đầu vào HS rất thấp. Trường THPT Quỳ Hợp 3 có tỷ lệ HS là người dân tộc thiểu số lớn nhất huyện Quỳ Hợp.

Ban giám hiệu nhà trường cho biết: Điểm trúng tuyển hàng năm của HS vào lớp 10 chỉ dao động từ 5 – 8 điểm/3 môn. Tỷ lệ HS đạt trung bình 5 điểm/môn là đếm trên đầu ngón tay. Với chất lượng đầu vào như vậy, thầy cô phải dạy lại HS từ phương pháp học tập, ăn ở, sinh hoạt khi trọ học xa nhà.

Ngay khi bước vào lớp 10 nhà trường đã có định hướng cho HS chọn khối ngành, từ đó để có hướng đầu tư dạy học phù hợp. Ngoài thời gian học chính khóa và học ôn theo khối môn đăng ký, nhà trường còn mở ca ba (từ 7 - 9 giờ tối) để luyện tập, hệ thống lượng kiến thức đã học cho các em.

Riêng với HS lớp 12, sau khi khảo sát đánh giá chất lượng, ngay từ đầu năm học, các thầy cô đã tư vấn cho HS lựa chọn môn thi thứ 4 ngoài 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Từ đó sắp xếp lại các lớp ôn tập, bố trí giáo viên có kinh nghiệm, năng lực phụ trách bồi dưỡng, tăng cường kiến thức.

Đối với 5 huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu HS vào THPT theo hình thức xét tuyển chứ không thi tuyển. (Bắt đầu từ năm 2018, các trường THPT tại 5 huyện này mới tổ chức thi tuyển vào lớp 10 trong trường hợp hồ sơ đăng ký cao hơn chỉ tiêu - PV).

“Chúng tôi chỉ mong các em sau khi tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT là mừng rồi. Xu hướng các em muốn nghỉ học đi làm sớm, nên có học sinh nào là quý học sinh đó, không thể đòi hỏi cao ở chất lượng đầu vào như các trường miền xuôi”, thầy Lê Đức Cát - Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn chia sẻ.

Chính vì thế, dù nỗ lực đưa HS vào nề nếp, khuôn khổ ngay từ năm lớp 10, nhưng các trường THPT nơi đây khá áp lức, bởi lo HS cuối cấp trượt tốt nghiệp.

Thầy Trần Đình Mạnh – Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 2 - cho biết: Năm nay, việc xét tốt nghiệp THPT có một số thay đổi, điểm thi chiếm 70% điểm xét tuyển, thay vì 50% như các năm trước. Vì vậy, chúng tôi chú trọng đốc thúc HS trong học tập. Hiện nay, đã bước vào giai đoạn nước rút, nên nhà trường tăng thời lượng ôn tập lên gấp đôi so với học kỳ I.

Huy động mọi nguồn lực, tăng thời lượng ôn tập

Để đạt kết quả cao trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019, Sở GD&ĐT Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các trường chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập, chú ý đến các nội dung kiến thức của chương trình đã được điều chỉnh. Yêu cầu các nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động phối hợp với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp để phân nhóm HS theo khả năng; quan tâm giúp đỡ HS học lực yếu, hỗ trợ linh hoạt thời gian ôn tập cho HS khá giỏi. Việc ôn tập cần đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Ông Võ Văn Mai
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An 

Qua tìm hiểu, đa số HS tại các trường vùng cao Nghệ An đăng ký tổ hợp Khoa học Xã hội là bài thi tự chọn.

Như tại Trường THPT Tương Dương 2 là hơn 90%, Trường THPT Anh Sơn 2 khoảng 70%, Trường THPT Quỳ Hợp 3 khoảng 80%....

Em Nguyễn Thị Hoài Linh (HS lớp 12D, Trường THPT Anh Sơn 2) cho biết: Kiến thức các môn này khá gần gũi với thực tế, hiểu biết của bản thân. Nếu chăm chỉ học thì không khó để đạt điểm trung bình.

Còn các môn tự nhiên nếu hổng kiến thức từ trước sẽ rất khó và không kịp thời gian để học lại. Với bản thân em thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH nên phải cố gắng hơn để có thể đạt được điểm cao. Bởi em làm thử đề thi những năm trước thì những câu hỏi phân hóa rất khó để chọn được đáp án đúng nếu chỉ học qua loa.

Các nhà trường cũng phân công giáo viên có kinh nghiệm để phụ trách các lớp ôn tập theo khối cho HS.

Cô Lê Thị Hạnh, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Anh Sơn cho biết: Cấu trúc đề thi minh họa năm nay khá ngắn gọn, dễ hiểu, tập trung ở lớp 11 và phần lớn ở lớp 12. Tuy nhiên, cái khó của thi trắc nghiệm là các đáp án đưa ra sẽ có vẻ như đều đúng.

Học sinh phải nắm vững kiến thức, bản chất, trọng tâm câu hỏi mới lựa chọn được đáp án chính xác. Phần may rủi không chiếm tỷ lệ lớn như các em nghĩ.

Trường THPT Quỳ Hợp 3, sau lần thi thử đầu tiên vào tháng 2/2019 đã tiến hành “xét tốt nghiệp thử” trên cơ sở điểm thi kết hợp với điểm trung bình học kỳ I của học sinh theo tỷ lệ 70/30. Kết quả có 82% tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp.

Những em có kết quả thấp được nhà trường tổ chức lớp phụ đạo riêng, cử giáo viên có kinh nghiệm, nhiệt tình để dạy học, hoàn toàn miễn phí. Nếu để các em học chung với những bạn khác sẽ bị đuối, và hổng càng thêm hổng hơn - ông Lê Huy Thiên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 cho biết.

Tại Trường THPT Tương Dương 2 (huyện Tương Dương) lần thi thử đầu tiên do thầy cô trong trường tự ra đề, tự chấm. Tuy nhiên, thầy Trần Đình Mạnh – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, lần tới đây, nhà trường sẽ kết hợp với cụm các trường THPT khu vực miền núi như: Con Cuông, Anh Sơn để xây dựng ma trận đề thi chung.

Đây là cách vừa tạo điều kiện cho giáo viên giữa các trường chia sẻ kinh nghiệm với nhau, vừa tập hợp nguồn lực xây dựng được ngân hàng đề phong phú, đa dạng. Vì trên thực tế, trong trường số lượng giáo viên môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học… đông, thuận lợi trao đổi chuyên môn với nhau.

Nhưng có những môn như Sinh học, GDCD, Lịch sử, Địa Lý, Tiếng Anh… thường chỉ có 2 - 3 giáo viên mỗi môn. Bản thân các thầy cô bộ môn này vừa đảm nhận chương trình 3 khối lớp, vừa phụ trách ôn thi cho lớp 12 nên có phần vất vả hơn.

Liên kết cụm trường là cách hiệu quả để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, ôn tập cho nhau. Mặt khác, học sinh cũng được trải nghiệm, liên hệ và so sánh năng lực, kiến thức với các bạn trường khác qua kỳ thi thử đề chung; tạo động lực cho các em học tập, học hỏi lẫn nhau.

Qua khảo sát chất lượng học sinh học kỳ I và kết quả thi thử, trường cũng đã sàng lọc lại học sinh, chia thành các lớp theo mức độ điểm thi mà các em đạt được.

Ngoài ra, với những HS khá giỏi, đặt mục tiêu vào đại học, nhà trường cũng tập trung giáo viên có năng lực bồi dưỡng, nâng cao kiến thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...