Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Tuyệt đối không để xảy ra sai phạm

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT)
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT)

Công an, camera giám sát đề/bài thi 24/24

Theo ông Mai Văn Trinh, kỳ thi THPT quốc gia 2019 cơ bản giữ ổn định phương thức thi như những năm 2017, 2018; đồng thời có những điều chỉnh, chủ yếu về mặt kĩ thuật để hướng tới kì thi an toàn, nghiêm túc, khắc phục hiện tượng tiêu cực như đã từng xảy ra năm 2018.

Chia sẻ những giải pháp được nêu trong dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp THPT đang lấy ý kiến rộng rãi, ông Mai Văn Trinh cho biết:

Thứ nhất: khâu sắp xếp phòng thi. Mỗi Hội đồng thi sẽ lựa chọn một số điểm thi dành cho các thí sinh tự do. Tại các điểm thi đó, các thí sinh lớp 12 THPT, học viên GDTX và thí sinh tự do được trộn chung theo vần ABC để sắp xếp phòng thi với sự trợ giúp của phần mềm.

Thứ 2: khâu in sao đề thi. Tiếp tục thành công trong những năm trước, năm 2019 tăng cường các giải pháp để đảm bảo in sao tuyệt đối an toàn, bảo mật, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Phụ trách khâu in sao đề thi sẽ là đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT. Khu vực in sao đề thi phải đảm bảo cách ly, tổ chức thành 3 vòng độc lập. Đặc biệt, nhân sự tham gia ban in/sao đề thi được lựa chọn kỹ càng.

Thứ 3: khâu vận chuyển đề thi/bài thi, trong dự thảo Quy chế nói rõ trách nhiệm các bên liên quan, trong đó nhấn mạnh việc vận chuyển đề thi, bài thi luôn có sự giám sát của công an.

Thứ 4: khâu coi thi có một số điều chỉnh. Trong đó, tăng cường khâu giám sát và thanh tra khu vực thi theo hướng thực chất hơn. Năm nay, việc niêm phong túi đựng bài thi được quy định cụ thể, chi tiết hơn. Sẽ sử dụng một loại tem niêm phong chung theo mẫu, dùng vật liệu dễ rách, trên đó có chữ kí của cán bộ coi thi thứ nhất, cán bộ coi thi thứ 2 và của phó trưởng điểm thi đến từ trường ĐH, CĐ. Sau khi dán tem niêm phong, có một bước nữa là phủ keo dính trong lên tem, bảo đảm mọi can thiệp đều bị phát hiện.

Thứ 5: Quy định chặt chẽ hơn việc bảo quản đề thi/bài thi tại các điểm thi. Theo đó, yêu cầu có công an bảo vệ và camera an ninh giám sát khu vực này 24/24 giờ; phó trưởng điểm hoặc thư ký của trường ĐH trực ban đêm.

Thứ 6: khâu chấm thi. Khu vực chấm thi có camera an ninh giám sát 24/24 giờ; Quy định cách ly trong quá trình làm phách bài thi tự luận Ngữ văn (có thể lựa chọn một trong hai phương án là đánh phách 1 vòng hoặc đánh phách 2 vòng nhưng phải bảo đảm cách ly để đảm bảo không có sự tương tác giữa người đánh phách vòng 1 và người đánh phách vòng 2 và với cán bộ chấm thi sau này). Cùng với đó, chấm bài thi tự luận quy định rõ hơn việc bốc thăm, phân chia bài thi, chấm 2 vòng… Về chấm kiểm tra, ngoài chấm kiểm tra ngẫu nhiên, những bài điểm cao sẽ được lựa chọn để chấm kiểm tra, phát hiện gian lận (nếu có). Một điều chỉnh lớn trong châm thi năm nay là sẽ giao cho các ĐH đủ năng lực chấm bài thi trắc nghiệm. Quy trình chấm thi trắc nghiệm điều chỉnh rõ ràng, cụ thể, chi tiết hơn.

Riêng phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã chạy thử và cơ bản sẵn sàng vận hành. Năm nay, phần mềm được nâng cấp hoàn thiện theo hướng mã hóa dữ liệu; đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh; quản lý người dùng; ghi lại lịch sử mọi thao tác trên phần mềm…

Nhấn mạnh yếu tố quyết định là con người, ông Mai Văn Trinh cho biết, dự thảo Quy chế nhấn mạnh lựa chọn nhân sự vào từng khâu cụ thể. Cùng với đó là công tác tập huấn sẽ kĩ, toàn diện hơn cả về quy trình tổ chức và kĩ thuật. Công tác thanh tra, giám sát cũng sẽ được tăng cường. Nếu các Hội đồng thi thực hiện đúng, nghiêm túc các giải pháp nêu trên theo đúng quy định của Quy chế, kì thi sẽ đảm bảo nghiêm túc, an toàn, độ tin cậy cao.

Vai trò Ban Chỉ đạo thi tại các tỉnh, thành phố vô cùng quan trọng

- Mặc dù Bộ GD&ĐT tiếp tục có nhiều giải pháp kĩ thuật đề ngăn chặn tiêu cực, nhưng vẫn có ý kiến bày tỏ băn khoăn về độ tin cậy của kỳ thi khi giao kỳ thi về cho địa phương, ông nghĩ sao?

Nghi vấn đặt ra là có cơ sở, nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc là nếu không giao cho địa phương thì tiêu cực được triệt tiêu. Nên, vấn đề là chúng ta cần phải có quy trình chặt chẽ, cùng với đó là giám sát, thanh tra. Về coi thi, trong phòng thi vẫn bảm đảm có 2 cán bộ coi thi, 1 cán bộ tại địa phương và 1 cán bộ đến từ các trường ĐH. Năm nay, vai trò của phó trưởng điểm thi đến từ các trường ĐH được tăng cường thêm, cụ thể thêm trong tổ chức và quyết định những nội dung quan trọng trong tổ chức tại điểm thi. Với giải pháp như vậy sẽ hướng đến khâu nghiêm túc, an toàn tại điểm thi.

- Tại sao chúng ta không tính đến việc đặt camera tại phòng thi, thưa ông?

Giải pháp này cũng được chúng tôi cân nhắc từ lâu. Nhưng điều quan trọng vẫn là trách nhiệm của 2 cán bộ coi thi; trong mỗi phòng thi có 24 thí sinh. Trung bình mỗi thầy cô chỉ quan sát 12 thí sinh.

Việc sử dụng camera cũng liên quan đến nhiều yếu tố khác, như tác động đến tâm lý làm bài của thí sinh; rồi cũng là cơ hội để lộ lọt đề thi ra ngoài…Nên việc sử dụng camera trong các phòng thi với phương thức thi như hiện nay là giải pháp cần cân nhắc rất kĩ. Chính vì vậy, năm 2019, chúng tôi chưa đặt vấn đề tổ chức camera trong các phòng thi khi chúng ta vẫn còn thi trên giấy.

- Về lâu dài, Bộ GD&ĐT dự kiến cải tiến kì thi thế nào để giảm bớt khâu thủ công trong quá trình tổ chức thi và sự can thiệp của con người?

Việc này được định hướng rõ trong Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Chúng ta đổi mới kỳ thi THPT, đổi mới tuyển sinh theo hướng ngày càng gọn nhẹ, giảm áp lực, nhưng kết quả thi có độ tin cậy. Hiện nay, các giải pháp về công nghệ, đặc biệt là CNTT, hệ thống mạng máy tính và các thiết bị khác phát triển, cho phép chúng ta suy nghĩ và tính toán dần, đồng thời có bước chuẩn bị để làm sao tăng cường sự hiện diện của công nghệ, đặc biệt là CNTT.

Chúng tôi cũng đang suy nghĩ đến phương án, đến một thời điểm nào đó, khi ngân hàng thi đủ lớn, cùng các điều kiện khác nữa, có thể xem xét tổ chức thi trên máy tính. Nhưng không có nghĩa, khi tổ chức thi trên máy tính là mọi công việc được giải quyết; bởi khi đó sẽ xuất hiện những vấn đề mới. Cuối cùng, con người vẫn là nhân tố quyết định sự thành bại của kì thi này.

- Ông có thông điệp nào gửi các địa phương liên quan đến tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019?

Những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 là cá biệt, không được phép diễn ra ở bất kì hình thức nào. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là kiên quyết xử lý, xử lý đến cùng tất cả mọi sai phạm, hướng tới kì thi bảo đảm mục tiêu đề ra. Từ những gì đã diễn ra, một thông điệp rất rõ ràng gửi các địa phương là: Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đặt dưới dự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia, nhưng người chịu trách nhiệm trực tiếp là Ban Chỉ đạo thi tại các tỉnh, thành phố. Do đó, trách nhiệm các tỉnh thành phố phải được đặt lên rất cao.

Bộ GD&ĐT mong các địa phương, trước hết từ trách nhiệm với con em mình, với sự phát triển của địa phương mình, với uy tín danh dự của địa phương mình để tạo niềm tin cho con em mình hội nhập trong nước và quốc tế, các đồng chí cố gắng chỉ đạo, bằng mọi trách nhiệm, hướng tới tổ chức kì thi THPT quốc gia 2019 thành công, tuyệt đối không để xảy ra những sai phạm như năm 2018.

Mọi điều chỉnh năm 2019 chủ yếu hướng tới các thầy cô giáo, các cán bộ tham gia tổ chức kì thi, còn với các em căn bản vẫn giữ ổn định. Do đó, các em hãy yên tâm, tham khảo kĩ đề thi tham khảo; đồng thời chuẩn bị tâm lý vững vàng trước kỳ thi sắp tới ông Mai Văn Trinh nhắn nhủ đến thí sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.