Có cả ưu điểm và hạn chế
Là người trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn THPT và tham gia công tác quản lý của một cơ sở giáo dục, ThS Trần Xuân Trà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Nam Định) - đã chỉ ra những ưu điểm nổi bật và cả một số băn khoăn về dự thảo Quy chế.
Về ưu điểm, ThS Trần Xuân Trà cho rằng đề thi THPT quốc gia bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học, chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12, nhằm xét tốt nghiệp là chính và là căn cứ để các trường ĐH, CĐ xây dựng phương án tuyển sinh. Mục tiêu này vừa bớt “gánh nặng” tâm lý cho học sinh, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa và học sinh lực học trung bình, hoặc trung bình yếu, chỉ có nhu cầu tốt nghiệp THPT; vừa tăng tính tự chủ trong công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ (không nhất thiết phải sử dụng kết quả thi THPT quốc gia; cũng không nhất thiết phải tổ chức thi tuyển sinh riêng vì đề thi đã có độ phân hóa).
Bên cạnh đó, việc tăng cường trách nhiệm của cán bộ các trường ĐH, học viện và công tác bảo mật, bảo đảm an ninh, cũng như tính khách quan, công bằng trong các khâu của quá trình ra đề, sao in, coi thi, chấm thi, nhất là quy trình chấm bài thi trắc nghiệm giúp khắc phục những hiện tượng gian lận trong thi cử, xử lý kết quả thi đã xảy ra ở một số địa phương, tạo niềm tin trong phụ huynh và học sinh.
Dự thảo Quy chế cũng tạo tâm lý bình đẳng cho các đối tượng học sinh, khi thí sinh tự do, GDTX, THPT được sắp xếp ngồi cùng một phòng thi, tại một điểm thi, giúp các em phấn khởi, tự tin hơn trong quá trình tham dự kỳ thi.
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật trên, ThS Trần Xuân Trà cũng có một số băn khoăn. Theo đó, việc tăng cường trách nhiệm của cán bộ các trường ĐH tham gia các khâu của quá trình coi, chấm thi là cần thiết, nhưng không nên tuyệt đối hóa vai trò của lực lượng này trong khâu chấm thi trắc nghiệm. Bởi khi đã có hệ thống CNTT giám sát chặt chẽ việc này thì điều cốt yếu, có vai trò quyết định về chất lượng chấm thi là vấn đề giám sát và năng lực, phẩm chất của các kỹ thuật viên.
ThS Trần Xuân Trà đề nghị, bên cạnh việc xây dựng lộ trình cụ thể đổi mới thi; sau khi công bố Quy chế thi THPT quốc gia chính thức, Bộ GD&ĐT nên tăng cường phổ biến các đề minh họa để định hướng cho giáo viên và học sinh xây dựng kế hoạch dạy học và ôn tập cho phù hợp.
“Nếu sử dụng lực lượng lớn cán bộ các trường ĐH làm công tác này, liệu có đáp ứng đầy đủ các cán bộ đúng chuyên môn, nghiệp vụ cho các điểm thi? Hơn nữa việc đi lại, sinh hoạt sẽ có những bất cập… Nên chăng, nếu đã có hành lang pháp lý an toàn, Bộ GD&ĐT chỉ cần điều động một lực lượng cán bộ giám sát vừa đủ và huy động các kỹ thuật viên ở các Sở GD&ĐT theo hình thức chấm chéo tỉnh, hoặc tổ chức chấm trắc nghiệm ở một số điểm trong toàn quốc để thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát và giảm bớt nguồn kinh phí chấm thi” - ThS Trần Xuân Trà nêu quan điểm.
Băn khoăn thứ hai ThS Trần Xuân Trà đề cập đến là việc tăng tỷ lệ điểm thi THPT quốc gia (70%) so với trước (50%) để xét tốt nghiệp; tuy có đề cao vị trí, vai trò của điểm thi THPT quốc gia, nhưng chưa khuyến khích việc đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng kết hợp giữa kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ với quá trình học tập của học sinh. Nên chăng, Bộ vẫn giữ nguyên tỷ lệ điểm thi THPT quốc gia như trước, bởi sự tăng trưởng về tỷ lệ này cũng không thay đổi mấy so với kết quả xét tốt nghiệp và dễ gây tâm lý e ngại trước những thay đổi, nhiều khi không cần thiết của Quy chế thi.
Cần có lộ trình thay đổi
Quan tâm đến thay đổi trong cách tính điểm xét tốt nghiệp, cô Nguyễn Thị Mỹ Dung – Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Nguyễn Văn Hai (Trà Vinh) - cho rằng, cách tính điểm bài thi THPT quốc gia 70%, trung bình cả năm 30% có ưu điểm là nâng cao ý thức học tập của học sinh khối 12. Học sinh không còn tâm lý ỷ lại nhiều vào điểm trung bình cả năm lớp 12. Đồng thời, đánh giá tương đối chính xác chất lượng học tập của học sinh.
Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Mỹ Dung cũng đưa ra hạn chế của phương án này với phân tích: Một số học sinh trung bình cả năm lớp 12 đạt 7,0 - 8,0 nhưng bài thi chỉ có 2 hoặc 3 điểm, như vậy chứng tỏ khả năng xử lý đề kém. Những trường hợp này có thể cả năm học không vắng mặt, thường xuyên phát biểu, được GV thưởng điểm hoặc học theo nhóm được bạn hỗ trợ, nhưng khi thi không ai giúp đỡ nên không giải quyết vấn đề được, hoặc nhiều lý do khác. Vì vậy, giáo viên phải hướng dẫn cho học sinh ý thức tự học để có kiến thức, không trông chờ hỗ trợ hoặc học tủ. Các em phải tích lũy kiến thức từng ngày chứ không học dồn chờ nước tới chân mới chịu học. Cùng với đó, thường xuyên luyện tập các dạng đề để hoàn thành kỳ thi tốt nhất.