Kỹ sư chân đất trồng "cây nhà giàu"

Với kỹ thuật, bí quyết trồng, chăm sóc riêng, anh Phan Văn Chung, ngụ ấp Phạm Thị Mến, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) thu lợi nhuận tiền tỷ từ việc trồng cam sành.

Kỹ sư chân đất trồng "cây nhà giàu"

Nặng nợ với cây cam

Ky su chan dat trong

Anh Phan Văn Chung thu về khoảng 6,5 tỷ đồng/năm từ việc trồng cam. Ảnh: H.X

Năm 2015, anh Phan Văn Chung nhận giấy khen của BCH Hội ND tỉnh Vĩnh Long và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2010-2015.

Phần lớn những vườn cam ở Vĩnh Long nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung đều có tuổi thọ tối đa 3-4 năm, nhưng vườn cam do anh Chung trồng, chăm sóc có thể kéo dài tuổi “chửa, đẻ” đến 5-6 năm. “Những vườn cam ở đây, 3 năm phải đốn bỏ vì cây kiệt sức, còi cọc và chết dần vì bị bệnh. Thế nhưng vườn cam của tôi trồng, đã 5-6 năm rồi vẫn phát triển tốt, cho trái sai, to và ổn định” - anh Chung tiết lộ.

Theo phóng viên quan sát, thay vì để mật độ trồng quá dầy (5.000 cây/ha), vườn cam của anh Chung lại có mật độ thưa hơn. Những cây giống mà anh lựa chọn trồng đều tự tay anh chiết, chứ không mua trôi nổi như nhiều hộ vẫn làm.

Sau 1 năm trồng, vườn cam bắt đầu cho trái nhưng cũng “khác với thiên hạ”, anh Chung không bắt cây cam phải có nhiều trái với tham vọng bán được nhiều tiền. Anh cho biết: “Khi cây có thể cho trái, tôi bắt đầu làm bông, theo đó 1 cây chỉ lựa, để lại khoảng 50-60 trái (nhiều hộ để tới 100 trái), còn lại phải cắt bỏ. Sau này, khi thu hoạch, số trái này to, đẹp bán được giá, còn cây thì không bị đuối sức”.

Cũng theo anh Chung, lý do chọn cam sành để sản xuất vì mau cho trái, dễ xoay đồng vốn. Tuy nhiên, anh Chung cũng cho rằng, nghề trồng cam không phải đơn giản muốn theo đuổi là được. Anh chia sẻ: “Nó không phải như cây dừa, cây chuối, cứ xuống giống rồi đợi đến ngày thu hoạch. Cây cam là loại “cây nhà giàu”, chỉ cần bỏ vài tuần không chăm sóc là cây sẽ lụi tàn ngay. Đây cũng chính là lý do lúc nào tôi cũng ở ngoài vườn canh thời tiết, tỉa cành, bón phân, phun thuốc, tưới nước…”.

Lãi hơn 6 tỷ đồng mỗi năm

Năm 1990, với 5.000m2 đất vườn cha mẹ cho, anh Chung đã bắt đầu học hỏi việc trồng cam. Lúc này, trong xã Trà Côn chỉ có anh trồng nên gặp không ít khó khăn về kỹ thuật và đầu ra. Với lòng đam mê cây cam, anh lặn lội sang nhiều xã lân cận học hỏi kinh nghiệm và đọc sách báo. Còn số cam thu hoạch được, vợ chồng anh ra tận chợ thị trấn Trà Ôn để bán từng ký.

Tích góp tiền thu được từ những vụ cam, năm 2000, anh mua thêm 2ha đất vườn gần nhà để trồng cam, nâng diện tích vườn cam lên 2,5ha. Năm 2014, anh tiếp tục thuê 12ha để phát triển quy mô sản xuất.

Khi chúng tôi hỏi, việc tăng diện tích liên tục liệu làm có xuể không? Anh Chung cho biết: “Ngoài vợ chồng, anh còn thuê thêm 20 lao động phụ giúp. Hơn nữa, với những kỹ thuật trồng tích lũy được tôi không sợ không thu được lợi nhuận và không hề sợ bệnh vàng lá gân xanh (loại bệnh chưa có thuốc đặt trị). Bây giờ, khi thu hoạch, thương lái tự tìm đến tận vườn mua, không cần phải đem bán lẻ như trước đây”.

Theo tính toán của anh Chung, hiện nay với giá bán dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, doanh thu từ 1.000m2 cam có thể khoảng 100 triệu đồng/vụ/năm; tổng doanh thu khoảng 13 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt được khoảng 6,5 tỷ đồng. Phần lớn, anh Chung xử lý cho cam ra trái nghịch vụ để có giá bán cao.

Không chỉ lo sản xuất, phát triển kinh tế cho gia đình, thời gian qua, anh Chung còn dành nhiều thời gian để giúp đỡ thanh niên trong xóm, bạn bè nhiều tỉnh lân cận về kỹ thuật trồng, chăm sóc cam sao cho đạt hiệu quả cao nhất và lâu bền nhất có thể. “Tôi đang hỗ trợ kỹ thuật miễn phí cho nhiều hộ dân, hợp tác xã trồng cam ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Do nhiều nguồn thông tin, họ đã tìm đến nhà tôi nhờ giúp đỡ” – anh Chung nói.

Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ