"Kỹ sư chân đất" sáng chế máy phát điện bằng sức gió

Mới học hết lớp 9 nhưng “kỹ sư chân đất" Trần Thanh Thành, 38 tuổi (ngụ ấp 3, Bình Thới, Bình Đại) đã sáng chế thành công điện gió phục vụ trong sinh hoạt. Sáng chế này trong tương lai sẽ giúp cho nhiều vùng sâu, vùng xa có điện sử dụng.

Máy phát điện bằng sức gió của anh Thành được đặt trên nóc nhà
Máy phát điện bằng sức gió của anh Thành được đặt trên nóc nhà

Do nhà nghèo, đông anh em nên anh Thành nghỉ học từ năm lớp 7 để phụ giúp gia đình và mưu sinh. Sau này, khi có điều kiện, anh học bổ túc nhưng cũng chỉ hết lớp 9. Tuy nhiên, bằng sự đam mê của mình anh đã mày mò sáng chế ra điện bằng sức gió rất hữu ích.

Anh Thành kể lại: “Thời điểm trước năm 2011 tôi mua chiếc xe đạp điện, khi chạy bất ngờ xe hết điện nhưng khi đạp thì có điện trở lại nên tôi suy nghĩ chế tạo ra điện bằng sức gió để sử dụng trong sinh hoạt gia đình”.

Từ đó, khi có thời gian rảnh sau khi chạy xe tải anh Thành mua sắt vụn, phế liệu về để chế tạo ra điện gió. Ban đầu anh Thành chế tạo điện gió bằng quạt 3 cánh rồi đến 4 cánh quạt nhưng gặp không ít khó khăn và còn nhiều hạn chế.

Anh Thành cho biết: “Lúc đó vợ tôi cằn nhằn dữ lắm nên tôi tự dành dụm tiền để mua đồ phế liệu sáng chế máy phát điện. Do học ít nên phải tự mày mò, nghiên cứu về nguyên lý hoạt động, khí động cơ và thất bại rất nhiều lần. Mỗi lần thất bại tôi phải tốn tiền để mua vật tư tiếp tục mày mò nghiên cứu tiếp”.

Cuối cùng anh cũng chế ra được máy phát điện gió với thân đài cao 6 m, quạt có 3 cánh rồi cải tiến lên 4 cánh đã được Trung ương Đoàn TNSC Hồ Chí Minh trao giải thưởng Sáng tạo trẻ năm 2011. Năm 2013, được Kênh truyền hình VTV2 trao giải nhất do khán giả xem đài bình chọn trong chương trình nhà sáng chế.

Từ thành công ban đầu anh cải tiến từ quạt 4 cánh thành hình trái bí với 10 cánh với tính năng vượt trội là nhận gió đa chiều và nguồn điện có thể đạt gấp đôi so với trước đây.

Sản phẩm này được Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo trao tặng danh vị, kỷ niệm chương. Tháng 8/2014 Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm và bằng chứng nhận sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng năm 2014.

Để lắp đặt điện gió phục vụ sinh hoạt trong gia đình theo anh Thành cần xây dựng thân đài cao 6m, lắp quạt 10 cánh hình trái bí, hệ thống tuốc – bin, bình ắc quy tích điện… 

Sau khi hoàn thành, máy vận hành bằng sức gió có thể cung cấp điện đủ trong sinh hoạt gia đình như: đèn, tủ lạnh, tivi… tổng kinh phí khoảng 15 triệu đồng và bảo hành 5 năm.

Hiện tại, nhiều người biết được sản phẩm này đã đến dặt hàng để anh Thành sản xuất để được sử dụng năng lượng từ thiên nhiên phục vụ sinh hoạt trong gia đình. 

Anh thành cho biết: “Nhu cầu sử dụng sản phẩm này rất lớn nhất là ở các cồn, bãi, đảo nơi chưa có lưới điện quốc gia nhưng có sức gió rất dồi dào. Đồng thời ở các thành phố lớn có nhà cao tầng cũng có sức gió lớn cũng rất tiềm năng”.

Hiện tại, anh Thành rất muốn mở công ty để sản xuất sản phẩm hữu ích này theo đơn đặt hàng nhưng khó khăn lớn nhất đối với anh là vấn đề vốn sản xuất. 

Theo anh Thành, sáng chế máy phát điện gió hình trái bí của mình là một trong 30 sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu trong toàn quốc đang được Ngân hàng Thế Giới (WB) xem xét tài trợ. Anh Thành hy vọng, khi được tài trợ một số vốn sẽ mở rộng sản xuất, hạ giá thành để phục vụ cho bà con ở những vùng chưa có lưới điện.

Máy phát điện bằng sức gió của “kỹ sư” mới học hết lớp 9 này sẽ rất hữu ích nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng như hiện nay. 

Trong tương lai người dân không chỉ có nguồn năng lượng sạch mà ánh sáng đèn điện sẽ đến rất nhiều nơi vùng sâu, vùng xa mà trước đó họ có mơ cũng không có được.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ