Kỷ niệm không quên với bác Phạm Văn Đồng

GD&TĐ - “Trong cuộc đời, điều tôi may mắn và vinh dự nhất là từng được gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chính ông đã đưa tôi xuống hầm trú ẩn khi chạy trốn máy bay địch. Những gì cố Thủ tướng đã kể thôi thúc tôi tìm đến lớp bình dân học vụ”, bà Cao Hồng Hải nhớ lại.

Bà Hải (ngoài cùng bên phải) sum họp cùng các em tại nhà riêng của bà ở Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Bà Hải (ngoài cùng bên phải) sum họp cùng các em tại nhà riêng của bà ở Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Kỷ niệm khó quên

Sống cùng con cháu trong căn nhà khang trang ở phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội), có dịp tề tựu đông đủ, bà Cao Hồng Hải (72 tuổi) cùng các chị em của mình không quên nhắc đến kỷ niệm những năm tháng tuổi thơ gắn liền với “bom rơi, đạn lạc”. Khi đó, bà ở xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa,   Tuyên Quang). 

Mặc dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà Hải vẫn  minh mẫn, giọng nói còn sang sảng. Bà kể, ngày ấy bà khoảng 8 - 9 tuổi – cái tuổi mới biết những chữ “i, t” nhờ các chú bộ đội dạy và học lỏm từ lớp học Bình dân học vụ của địa phương. 

Nhà bà là trạm dừng chân của nhiều cán bộ chiến sĩ cách mạng trên đường đi Điện Biên và bố mẹ bà là giao liên dẫn đường. Trong số cán bộ cách mạng được bố mẹ bà dẫn đường có cả đoàn cán bộ Trung ương. Đặc biệt, có bác Phạm Văn Đồng. “Có những hôm vừa cho chúng tôi ngủ, nhưng khi nhận được tín hiệu, không bố thì mẹ lập tức đưa cán bộ cách mạng đi theo đường rừng, để đến điểm tập kết; thậm chí có những đêm cả hai ông, bà để con ngủ lại trong nhà, rồi cùng làm giao liên cho các cán bộ chiến sĩ cách mạng”,  bà Hải kể lại. 

Thời gian thoi đưa, cộng với tuổi già khiến bà Hải không thể nhớ và cũng không muốn nhớ về một miền kí ức tuổi thơ, với những mất mát, đau thương vì bom đạn. Nhưng có một kỷ niệm mà bà không bao giờ quên đó là, trong một lần đoàn cán bộ Trung ương đến Tuyên Quang có nghỉ dừng chân tại nhà bà. Trong số đó có bác Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Gia đình tôi nấu cơm mời cả đoàn nghỉ ngơi, chờ đến đêm, bố tôi sẽ dẫn mọi người “băng rừng, vượt núi” để đến được căn cứ cách mạng” - bà Hải nhớ lại.

May mắn và vinh dự nhất, bà được bác Phạm Văn Đồng cứu thoát khỏi bom đạn của máy bay địch. Bà kể: “Trong lúc bố mẹ nấu cơm để mời đoàn công tác nghỉ dưỡng sức, chờ đến tối đêm mới tiếp tục hành quân thì máy bay địch đến. Tôi hoảng loạn. Chúng tôi sợ hãi, chạy tán loạn đi tìm bố mẹ và tôi không may bị trượt chân ngã. Thấy vậy, bác Đồng lao đến ôm chầm lấy tôi, rồi cả hai bác cháu trượt nhanh xuống hầm trú ẩn, tránh loạt đạn bom máy địch thả xuống”, bà Hải xúc động nhớ lại. Với bà, đây là kỷ niệm không bao giờ quên.

Bà Cao Hồng Hải (ngoài cùng bên phải) ngày còn bé cùng với bố mẹ và các anh, chị em. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Bà Cao Hồng Hải (ngoài cùng bên phải) ngày còn bé cùng với bố mẹ và các anh, chị em. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trưởng thành từ lớp bình dân học vụ

“Hôm ấy, bác ở lại với gia đình tôi cả ngày. Bác kể cho tôi nghe về một số tấm gương thiếu niên, nhi đồng trong kháng chiến và động viên tôi học chữ để xóa nạn mù chữ, chiên thắng giặc dốt”, bà Hải kể lại. Từ tấm gương sáng bác Phạm Văn Đồng kể, bà Hải và các chị em của mình tìm hiểu và tham gia lớp bình dân học vụ tại địa phương. Nhờ vậy, gia đình bà ai cũng biết chữ, hăng hái tham gia công tác xã hội, hoạt động cách mạng.

“Chính những câu chuyện, câu nói giản dị của các bác trong đoàn cán bộ Trung ương là nguồn động lực để chúng tôi quyết tâm học tập, chiến thắng “giặc dốt” ngay trong gia đình mình. Điều chúng tôi trân quý là, dù nhà đông con, kinh tế gia đình khó khăn nhưng bố mẹ lúc nào cũng khuyến khích các con đi học. Ai quá tuổi đến trường thì có thể đến các lớp bình dân học vụ để học, để người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người chưa biết. Có như vậy, cuộc sống mới thoát khỏi cảnh cơ hàn” – bà Hải nói, đồng thời cho biết, ngay như bản thân bà, nhờ có con chữ sau này được một công ty tiếp nhận vào làm công nhân. 

Được học hành nên bà Hải có nhận thức về cuộc sống khác hẳn với các bạn cùng trang lứa. Bà luôn có tư tưởng xóa bỏ những hủ tục lạc hậu của địa phương để xây dựng cuộc sống văn hóa mới. Đây cũng là một trong chính lý do bà quyết định rời quê hương Chiêm Hóa để xuống Hà Nội lập nghiệp. Bà Hải tâm niệm, sự học không bao giờ là thừa, chỉ có bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do vậy, mỗi khi công ty có lớp tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, bà đều xung phong đăng ký tham gia. Bà cũng động viên con cháu ngoài học ở trường, có thể học từ bạn, người xung quanh. Tư tưởng này, theo bà học được từ phong trào “Bình dân học vụ”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ