Kỷ nguyên mới ở Syria: Điều gì đang chờ đợi Iran?

GD&TĐ -Sau khi chính quyền Syria bị lật đổ, Iran phải đánh giá lại vai trò của mình trong khu vực, và điều chỉnh chính sách đối ngoại để phản ánh thực tế.

Phiến quân ăn mừng trước sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.
Phiến quân ăn mừng trước sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.

Farhad Ibragimov - chuyên gia, giảng viên tại Khoa Kinh tế thuộc Đại học RUDN, mới đây đã có những phân tích về chính sách đối ngoại của Iran sau khi chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad sụp đổ.

Đối với Iran, Syria là một mắt xích quan trọng trong “Trục kháng chiến” của họ - một mạng lưới các liên minh và lực lượng ủy nhiệm được thiết kế để chống lại ảnh hưởng của phương Tây và tăng cường vai trò của Iran ở Trung Đông. Tuy nhiên, việc chính quyền Tổng thống Assad bị lật đổ được Tehran coi là một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Iran trong toàn bộ khu vực đã bị suy yếu đáng kể.

Syria là đồng minh chiến lược của Iran trong nhiều thập kỷ, đóng vai trò là hành lang quan trọng cho nguồn cung cấp vũ khí và hỗ trợ cho Hezbollah ở Lebanon, và là nền tảng chính trị để củng cố mặt trận chống phương Tây và chống Israel.

Kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến Syria năm 2011, Iran đã đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc ủng hộ chính quyền Bashar Assad, cung cấp vật tư quân sự và hỗ trợ kinh tế, và điều động các chuyên gia quân sự và lực lượng Shiite đến Syria. Liên minh này được coi là xương sống của Trục kháng chiến.

Tuy nhiên, việc ông Assad từ chức về cơ bản đã thay đổi cán cân quyền lực. Đầu tiên, các đảng phái chính trị mới ở Syria có khả năng sẽ xa lánh Iran để cải thiện quan hệ với phương Tây, các quốc gia Ả Rập khác và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ hai, việc ông Assad ra đi làm suy yếu hình ảnh của Iran như một người bảo đảm sự ổn định cho các đồng minh của mình.

Đối với Iran, việc mất đi đồng minh trung thành là một thất bại chiến lược làm suy yếu vị thế của nước này trong khu vực, và có thể dẫn đến căng thẳng trong quan hệ với các nước láng giềng vốn ngày càng coi Iran là nguồn gốc gây bất ổn thay vì là lực lượng thống nhất.

Hiện tại, Iran đang phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng trong việc duy trì ảnh hưởng của mình ở Syria.

Trong nhiều thập kỷ, Syria là một nhân tố chủ chốt trong chiến lược Trung Đông của Iran, đóng vai trò là đồng minh quan trọng trong Trục kháng chiến. Thông qua Syria, Iran đã hỗ trợ Hezbollah ở Lebanon và theo đuổi tham vọng địa chính trị của mình. Tuy nhiên, sự trỗi dậy nắm quyền của các lực lượng đối lập - nhiều lực lượng trong số đó được phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ và các chế độ quân chủ vùng Vịnh hậu thuẫn - có thể gây nguy hiểm cho mô hình hợp tác này.

Các nhà lãnh đạo Iran nhấn mạnh cam kết duy trì quan hệ ngoại giao và kinh tế với chính quyền mới ở Damascus. Tuy nhiên, Tehran ngày càng lo ngại rằng, chính quyền Syria mới, mong muốn khôi phục quan hệ với các quốc gia Ả Rập và phương Tây, có thể xa lánh Iran.

Tương lai của quan hệ Iran-Syria trong thực tế mới này vẫn còn chưa chắc chắn. Tehran sẽ cần phải thích nghi với động lực địa chính trị đang thay đổi, và tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình.

Với mối quan hệ lịch sử, tôn giáo và văn hóa sâu sắc với Syria, Tehran cần phải hiệu chỉnh lại chiến lược của mình để phù hợp với thực tế đang thay đổi.

Trước hết, Tehran phải khám phá các công cụ và phương tiện mới để gây ảnh hưởng, bao gồm quan hệ đối tác kinh tế, ngoại giao văn hóa và hỗ trợ tái thiết quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Ngoài ra, Iran có thể tìm cách tăng cường quan hệ với các đồng minh khu vực khác để bù đắp những tổn thất tiềm tàng. Điều này sẽ đòi hỏi sự linh hoạt và sẵn sàng thỏa hiệp.

Mặt khác, kỷ nguyên mới này cũng mở ra cơ hội cho Iran. Sự thay đổi quyền lực ở Syria có thể mang đến cơ hội thiết lập các mối quan hệ cân bằng hơn, không chỉ dựa trên hợp tác quân sự mà còn dựa trên các dự án kinh tế cùng có lợi.

Một cách tiếp cận như vậy có thể củng cố hình ảnh của Iran như một quốc gia cam kết ổn định trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ phương Tây và các quốc gia Ả Rập.

Tuy nhiên, chương mới này cũng sẽ mang đến những thách thức. Iran sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ quốc tế khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út và các nước phương Tây, tất cả đều đang cạnh tranh giành ảnh hưởng ở Syria. Điều này có nghĩa là Tehran phải đánh giá lại chiến lược dài hạn của mình, và tìm kiếm những cách thức sáng tạo để hợp tác với nhiều đảng phái chính trị Syria.

Đối với Iran, kỷ nguyên mới ở Syria vừa là thách thức vừa là cơ hội để xác định lại vai trò của mình trong khu vực và điều chỉnh chính sách đối ngoại cho phù hợp với thực tế đương đại.

Đây là thời điểm mà Iran - với lịch sử phong phú, kinh nghiệm ngoại giao và kỹ năng địa chính trị - phải chứng minh khả năng phục hồi và khả năng ứng phó với những thách thức của thời đại.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người tuy tuổi còn trẻ nhưng đã suy giảm ham muốn tình dục. Ảnh minh họa: L.N

Phái mạnh cũng có lúc 'yếu'

GD&TĐ - Sức khỏe sinh lý từ lâu đã được coi là biểu tượng làm nên bản lĩnh và sự tự tin của phái mạnh.