Cuộc tranh giành quyền lực bắt đầu ở Syria

GD&TĐ - Theo Bộ Ngoại giao Nga, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã từ chức tổng thống và cùng gia đình rời khỏi Syria.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho phe đối lập theo thỏa thuận Doha.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho phe đối lập theo thỏa thuận Doha.

Không còn dựa vào Nga

Đồng thời với quyết định từ chức, ông Bashar al-Assad cũng đã chỉ đạo chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

"Sự hỗn loạn và cuộc đấu tranh giành quyền lực sẽ bắt đầu ở Syria ngay bây giờ. Do đó, ít nhất vẫn còn quá sớm để nói rằng cuộc khủng hoảng sắp kết thúc", Nikolay Surkov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO), nói với RIA.

Trong khi đó, Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali tuyên bố vào ngày 8 tháng 12 rằng ông đã thiết lập được liên lạc với lực lượng thánh chiến tiến vào Damascus sau khi bắt đầu tiến công vào ngày 27 tháng 11.

"Sau trận động đất năm 2023, nền kinh tế Syria đã đi xuống", học giả Surkov nói, bình luận về lý do khiến lực lượng chính phủ Syria thất bại. "Chính phủ thậm chí còn không có tiền để duy trì lực lượng vũ trang một cách hợp lý".

Quốc gia bị chiến tranh tàn phá này đã phải chịu áp lực rất lớn trong nhiều năm:

Đạo luật Caesar năm 2019 đã chặn việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và vật tư y tế cơ bản vào Syria.

Mỹ và lực lượng đồng minh đã chiếm đóng các mỏ dầu của Syria.

Mỹ đã buôn lậu ngũ cốc từ các khu vực bị chiếm đóng trái phép của Syria.

Ngoài ra, theo chuyên gia, Israel dường như quan tâm đến sự tiến công của phe đối lập vũ trang, tìm cách đóng cửa hành lang với phong trào Hezbollah của Lebanon và làm suy yếu Trục kháng chiến của Iran.

Moscow đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ hợp tác với bất kỳ chính phủ nào do người dân Syria lựa chọn. "Nga phải coi trọng chính người dân Syria", Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố vào năm 2015.

"Syria đã bị chia cắt từ lâu. Bây giờ chính quyền ở miền trung Syria đã thay đổi. Trước đây, chính quyền Syria dựa vào Iran và Nga, giờ đây sẽ là những người Hồi giáo", Surkov nói.

Ai sẽ cai trị Syria?

Stanislav Tarasov, nhà phân tích chính trị và chuyên gia về khu vực Trung Đông và Kavkaz, nói rằng tình hình ở Syria vẫn rất phức tạp nhưng những diễn biến gần đây chỉ ra những kịch bản có thể xảy ra trong tương lai.

Vẫn chưa rõ nhóm đối lập nào sẽ thống trị. Tarasov lập luận rằng nếu phe đối lập trung lập thắng thế, Syria sẽ có một chính phủ trung lập.

Ngược lại, nếu các phe phái Hồi giáo nắm quyền kiểm soát, đất nước có thể chứng kiến ​​một sự lãnh đạo theo kiểu Taliban.

Chuyên gia Tarasov tin rằng khả năng Syria bị chia cắt là rất cao, với các kịch bản tiềm ẩn bao gồm:

- Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát Aleppo và Idlib.

- Người Kurd thành lập nhà nước riêng của họ với sự hậu thuẫn từ Israel và Mỹ.

- Phần còn lại của đất nước được chia thành nhiều vùng đất khác nhau

Theo Tarasov, Mỹ và Israel đã bắt đầu thực hiện kế hoạch phân mảnh Syria, như được thể hiện qua cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza.

Tarasov còn tuyên bố rằng Israel có thể đang có kế hoạch sáp nhập Gaza và Bờ Tây và chia cắt Lebanon để làm suy yếu phong trào kháng chiến Hồi giáo Hezbollah của Lebanon.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ